Cuộc thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày quy mô lớn nhất thế giới
Theo hãng CNN, hàng nghìn người lao động ở Vương quốc Anh thực hiện chương trình thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày bắt đầu từ thứ Hai (ngày 6/6).
Chương trình thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày sẽ kéo dài trong 6 tháng với sự tham gia của 3300 người lao động làm việc tại 70 công ty . Các công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ dịch vụ tài chính đến dịch vụ nhà hàng phục vụ đồ ăn nhanh.
Trong tuần lễ thực hiện chương trình thử nghiệm, người lao động vẫn nhận được 100% tiền lương nhưng chỉ làm việc 80% thời gian so với những tuần lễ thường. Đổi lại, người lao động phải cam kết sẽ đảm bảo 100% năng suất.
Chương trình do tổ chức phi lợi nhuận 4 Day Week Global kết hợp với đơn vị tư vấn Autonomy cùng các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge, Đại học Oxford và Đại học Boston phối hợp tổ chức.
Bà Sienna O'Rourke, Giám đốc thương hiệu tại Pressure Drop Brewing, nhà máy bia độc lập ở London cho biết mục tiêu lớn nhất của công ty là cải thiện sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của nhân viên.
"Đại dịch đã khiến chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều về công việc và cách mọi người tổ chức lại cuộc sống của họ. Chúng tôi đang làm điều này để cải thiện cuộc sống của người lao động và là một phần của sự thay đổi vì tiến bộ trên khắp thế giới", bà Sienna O'Rourke nói.
Bà O'Rourke nhận định, với những công ty sản xuất và vận chuyển hàng hóa, người lao động thường ít linh hoạt hơn về thời gian và địa điểm làm việc. Tuy nhiên, các khó khăn về thời gian nghỉ hay nghỉ ốm sẽ có nhóm chịu trách nhiệm giải quyết.
Đến hiện tại, Iceland đã thực hiện hai chương trình thử nghiệm làm việc 4 ngày trong tuần từ năm 2015 đến năm 2019 với sự tham gia của 2500 người lao động ở khu vực công. Các cuộc thử nghiệm cho thấy năng suất trong công việc không hề giảm và người lao động bày tỏ hạnh phúc với quy định làm việc 4 ngày trong tuần.
Lời kêu gọi rút ngắn thời gian làm việc trong tuần thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia trên thế giới trong những năm gần đây. Khi hàng triệu nhân viên chuyển sang làm việc từ xa trong thời gian bùng phát đại dịch thì xu hướng chuyển đổi linh hoạt thời gian làm việc xuống 4 ngày/ tuần đang là nhu cầu tất yếu.
Trước đó, tại Nhật Bản, nhiều công ty nước này đã ra quy định cho nhân viên làm việc 4 ngày một tuần thay vì 5 ngày như trước. Theo trang Japan Times, Panasonic hiện là công ty mới nhất của Nhật Bản áp dụng tuần làm việc 4 ngày. Vào tháng trước, Panasonic cũng thông báo sẽ cho phép nhân viên làm việc 4 ngày và tùy chọn ngày nghỉ thứ 3 trong tuần. Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích các công ty đưa ra quyết định tuần làm việc 4 ngày tùy chọn nhằm mang lại lợi ích cho người lao động, tạo điều kiện cho họ chăm sóc gia đình như nuôi dạy trẻ, chăm sóc người cao tuổi và hoạt động tình nguyện.
Bên cạnh Panasonic, các công ty khác của Nhật Bản như Hitachi, Tập đoàn tài chính Mizuho và Fast Retailing – nhà điều hành chuỗi quần áo Uniqlo cũng tham gia chương trình thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày.
Hãng điện tử Hitachi cũng thông báo sẽ cho phép nhân viên làm việc linh hoạt 4 ngày/ tuần, miễn là có thể đáp ứng nhu cầu công việc và giờ làm việc hàng tháng. Và người lao động của Hitachi sẽ nhận mức lương tương tự ngay cả khi chỉ làm việc 4 ngày/tuần.
Theo CNN, Chính phủ Tây Ban Nha và Scotland cũng dự kiến sẽ phát động chiến dịch thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày vào cuối năm nay.
"Xu hướng tất yếu"
Ông Joe O'Connor, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận 4 Day Week Global nói rằng hầu hết người lao động đều mong muốn làm việc "hiệu quả nhất nhưng thời gian ít hơn".
"Khi chúng ta bắt đầu bước ra khỏi đại dịch, ngày càng nhiều công ty nhận ra rằng biên giới mới cho sự cạnh tranh là chất lượng cuộc sống, trong đó năng suất công việc sẽ phụ thuộc vào đầu ra. Đây là công cụ để mang lại lợi thế cạnh tranh", ông Joe O'Connor nói trong một tuyên bố.
Các nhà nghiên cứu sẽ đo lường tác động mô hình làm việc mới thông qua năng suất lao động, bình đẳng giới, môi trường và hạnh phúc của người lao động.
Bà Juliet Schor, Giáo sư xã hội học tại Đại học Boston, trưởng nhóm nghiên cứu, mô tả đây được xem như " một cuộc thử nghiệm lịch sử".
"Chúng tôi theo dõi phản ứng của nhân viên khi có thêm một ngày nghỉ dựa vào các yếu tố như mức độ hài lòng trong công việc và cuộc sống, sức khỏe, giấc ngủ, du lịch và các yếu tố khác", bà cho biết.
Trong khi đó, ông Ed Siegel, Giám đốc điều hành của Charity Bank, cho biết ngân hàng tự hào là một trong những ngân hàng đầu tiên ở Anh áp dụng mô hình làm việc 4 ngày/tuần.
"Mô hình làm việc 5 ngày/tuần từ thế kỷ 20 không còn là lựa chọn phù hợp nhất cho các hoạt động kinh doanh vào thời điểm hiện tại. Một mô hình mới sẽ mang lại niềm hạnh phúc cho người lao động và phát huy hiệu suất kinh doanh, trải nghiệm khách hàng và sứ mệnh xã hội của ngân hàng", ông Ed Siegel nói./.