Cuộc tranh luận được mong đợi

Hai ứng viên tổng thống Mỹ Kamala Harris và Donald Trump có cuộc tranh luận đầu tiên trong ngày 10-9 kể từ khi Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng hồi tháng 7.

Diễn ra tại TP Philadelphia, bang Pennsylvania, cuộc tranh luận là cơ hội đầu tiên để khoảng 240 triệu cử tri được nghe Phó Tổng thống Harris và cựu Tổng thống Trump giải thích các chính sách của mình.

Đây cũng có thể là dịp duy nhất hai ứng viên đối đầu trực tiếp trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11 tới vì không bên nào cam kết tham gia cuộc tranh luận thứ hai.

Bà Harris đã giảm bớt hoạt động tranh cử và đến TP Pittsburgh, bang Pennsylvania từ ngày 5-9 để chuẩn bị cho cuộc tranh luận nói trên. Sự kiện này đóng vai trò quan trọng với bà Harris vì đây có thể là cơ hội cuối cùng để ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ này giới thiệu bản thân trước cử tri.

Theo đài CNN, trong tháng qua, bà Harris đã tham gia các buổi chuẩn bị với nhóm cố vấn do bà Rohini Kosoglu, cố vấn chính sách hàng đầu và bà Karen Dunn, chuyên gia tranh luận lâu năm của Đảng Dân chủ, dẫn đầu.

Bà Harris cũng tham gia các cuộc tranh luận giả định, trong đó ông Philippe Reines, trợ lý lâu năm của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, đóng vai ông Trump. Bên cạnh đó, bà Harris còn nhận được lời khuyên từ hai người từng tranh luận với ông Trump là Tổng thống Biden và bà Hillary Clinton.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris. Ảnh: REUTERS

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris. Ảnh: REUTERS

Theo một số nguồn tin, tại cuộc tranh luận sắp tới, bà Harris sẽ cố gắng giữ thái độ bình tĩnh khi đưa ra lập luận cho việc bà tranh cử tổng thống, cũng như yêu cầu ông Trump phải chịu trách nhiệm cho các hành động, quyết định của mình trong thời gian làm tổng thống.

Bà Kelly Dittmar, chuyên gia tại Trường ĐH Rutgers-Camden (Mỹ), nhận định bà Harris từng thể hiện được bản lĩnh trên sân khấu trong thời gian làm công tố viên và thượng nghị sĩ. Việc duy trì được sự điềm tĩnh đó trong suốt cuộc tranh luận có thể giúp bà Harris tăng cơ hội trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Trong khi đó, theo đài CNN, cựu Tổng thống Trump tuyên bố không cần sự chuẩn bị chính thức, như tiến hành tranh luận giả định. Dù vậy, ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa này vẫn gặp các cố vấn cấp cao, chuyên gia chính sách và đồng minh để thảo luận về các chính sách trước thềm cuộc tranh luận.

Các cuộc thảo luận này tập trung giúp ông Trump làm rõ thông điệp của mình về nhiều vấn đề, từ kinh tế, nhập cư cho đến nền dân chủ Mỹ nói chung.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng tổ chức một loạt sự kiện trong những ngày trước thềm cuộc tranh luận, như bài phát biểu chính sách tại Câu lạc bộ Kinh tế New York vào tuần rồi, nhằm giúp ông trau dồi thông điệp của mình trước công chúng.

Theo những người thân cận với ông Trump, một trong những khía cạnh quan trọng nhất của cuộc đối đầu với bà Harris là bảo đảm cựu tổng thống có giọng điệu phù hợp, kiềm chế hơn. Ngoài ra, ông Trump được khuyên tập trung trả lời các vấn đề chính sách cốt lõi mà ông được đánh giá cao hơn bà Harris trong các cuộc thăm dò, chẳng hạn như kinh tế, nhập cư và tội phạm.

Trước thềm cuộc tranh luận, kết quả một số cuộc thăm dò mới nhất cho thấy hai ứng viên đang so kè sát sao trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Chẳng hạn như theo cuộc thăm dò được tờ The New York Times và Trường ĐH Siena (Mỹ) công bố hôm 8-9, tỉ lệ ủng hộ ông Trump và bà Harris lần lượt là 48% và 47%.

Theo đài Al-Jazeera, kết quả này cho thấy ông Trump vẫn duy trì được sự ủng hộ vững chắc từ khoảng một nửa số cử tri bất chấp gặp không ít rắc rối pháp lý. Trong khi đó, bà Harris chứng tỏ mình đang là đối thủ đáng gờm của ông Trump ngay cả khi chỉ mới tham gia cuộc đua hồi tháng 7.

Xuân Mai - Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-tranh-luan-duoc-mong-doi-196240909212616936.htm