Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Tuyên truyền có chiều sâu để nâng cao nhận thức trong Nhân dân

Kinh doanh, tiêu dùng hàng Việt Nam đã và đang trở thành thói quen của người dân các địa phương. Ảnh: KHANG ANH

Triển khai Chỉ thị 03-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị 28-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ), UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương thực hiện hiệu quả CVĐ; xác định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, người đứng đầu, tổ chức tuyên truyền có chiều sâu để nâng cao nhận thức trong Nhân dân.

Nhiều hình thức tuyên truyền, hỗ trợ

Từ đầu năm, Sở Công Thương đã thông tin về thời gian, địa điểm, sản phẩm hàng hóa... tại phiên chợ hàng Việt được tổ chức tại các địa phương để người dân biết, mua sắm. Đơn vị cũng xây dựng chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” trên Báo Phú Yên và Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên; phát 20.000 tờ rơi cho học sinh các trường THCS, THPT, hội viên hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh và các địa phương tổ chức 8 lớp tập huấn tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tư vấn, khuyến cáo tiêu dùng... với hơn 750 lượt người tham gia.

Hàng năm, thông qua hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, ngành Công Thương đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tham gia đánh giá phân hạng các sản phẩm OCOP với kết quả cho đến nay đã có 41 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên...

Ngành cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị, nghiên cứu phát triển thị trường để ổn định đầu ra cho sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm của tỉnh. Hiện một số sản phẩm được người tiêu dùng quan tâm như bò một nắng Sơn Hòa, tiêu Sơn Thành, trà diệp hạ châu, khóm Đồng Din, rượu tằm Hòa Phong... đã được cung cấp trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh.

Đối với việc phát triển các điểm cung cấp, trong năm 2022, Sở Công Thương đã hỗ trợ xây dựng thêm 8 cửa hàng tiện lợi, nâng số lượng điểm bán đến thời điểm này là 47 điểm; trong đó có 45 điểm bán hàng Việt với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam. Sở đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hội chợ và các chương trình Đưa hàng Việt về huyện miền núi Sơn Hòa thu hút trên 5.800 lượt người tham quan mua sắm với doanh thu bán hàng đạt hơn 169 triệu đồng.

Đơn vị còn hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long, Hội chợ Triển lãm thương mại sản phẩm công nghiệp nông thôn - OCOP Trà Vinh, Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022, tuần lễ Sản phẩm Hà Nội tại tỉnh Nghệ An, chương trình ngày hội Du lịch kết nối Tuy Hòa với các tỉnh Tây Nguyên...

Đặc biệt hơn, Sở Công Thương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân phát huy vai trò giám sát tại cộng đồng, phát hiện, tố giác các hành vi về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và cung cấp số điện thoại đường dây nóng để nhận thông tin phản ánh của người tiêu dùng.

Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp

Năm 2022, được sự quan tâm chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương, CVĐ được triển khai sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân, góp phần giúp hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. CVĐ cũng làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp; phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống dân sinh. Tuy nhiên thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp chưa chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu, gắn nhãn mác sản phẩm trong sản xuất kinh doanh để tạo lòng tin với người tiêu dùng.

Bên cạnh những loại hình kinh doanh truyền thống, thị trường đã phát triển thêm nhiều loại hình kinh doanh mới, trong đó có thương mại điện tử, bán hàng qua mạng… tiềm ẩn những sai phạm liên quan đến việc quảng cáo không đúng sự thật, bán hàng không đúng cam kết. Vì vậy, sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua, Sở Công Thương cũng đề nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ có các văn bản hướng dẫn để điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh như trên.

Việc đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới để nâng chất lượng, bao bì, nhãn mác, đóng gói của các sản phẩm tiêu dùng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, khả năng tiếp cận thông tin thị trường hạn chế nên chưa cạnh tranh được với hàng hóa khác ở trong và ngoài nước. Hiện vẫn còn doanh nghiệp lợi dụng chương trình khuyến mãi để tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, kém chất lượng nhưng các ngành chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Vai trò giám sát của Nhân dân trong việc phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế, trong khi công nghệ sản xuất hàng giả, nhãn mác xuất xứ Việt Nam ngày càng tinh vi, khó phân biệt.

Với việc thực hiện CVĐ theo hướng có chiều sâu, hiệu quả, Sở Công Thương sẽ tăng cường xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa, tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trung tâm thương mại tổ chức đưa hàng Việt về vùng nông thôn, hội chợ thương mại, xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn…

Sở đã đề nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ ban hành các quy định, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối; sớm tham mưu Chính phủ ban hành các nghị định mới về quản lý chợ để phù hợp với tình hình hiện nay, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho việc phát triển và quản lý hạ tầng thương mại ở địa phương.

NGUYN TH KIM BÍCH

Phó Giám đc S Công Thương

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/289177/cuoc-van-dong-nguoi-viet-nam-uu-tien-dung-hang-viet-nam--tuyen-truyen-co-chieu-sau-de-nang-cao-nhan-thuc-trong-nhan-dan.html