'Cuộc vây': Hé mở đất Hội An xưa
Cuộc cờ cũng là cuộc đời, một cuộc đời có buồn vui và chắc hẳn có tình yêu.
Duy Lê là cái tên xa lạ cũng như "Cuộc vây" lạ lẫm theo cái cách mà tiểu thuyết này bước chân vào địa hạt Hội An, một Hội An của 400 năm trước, theo bước chân của chàng thi nhân Nhật Bản Araki Sotaro trong lần đặt chân "vào vùng lãnh thổ An Nam, xứ Đàng Trong, Cochinchina, hay gọi theo cách gì cũng được".
Mỗi chương ngắn ngủi dưới hình thức những phiến đoạn xen giữa chuyện kể là miêu tả, bình luận, trích dẫn… nối nhau không theo một trật tự nào. Nhưng trong sự lỏng lẻo ấy, câu chuyện, các nhân vật vẫn gói gọn "vuông vức" trên bàn cờ cuộc đời.
Tiểu thuyết "Cuộc vây" như tên gọi, lấy cảm hứng từ môn cờ vây mà người Nhật gọi là cờ go. Nhưng dù tên gọi nào, thể thức chơi vẫn không thay đổi. Duy Lê lấy đó làm điểm tựa để kết nối các nhân vật, các vùng lãnh thổ lại với nhau, giữa thương nhân Phù Tang và chúa Nguyễn, giữa Nhật Bản và Việt Nam trong quá khứ.
Thành công của tác giả thể hiện ở chỗ đã gợi lên không khí của một thương cảng quốc tế sầm uất ngót nghét mấy thế kỷ trước. Bản thân tác giả cũng đã chọn lựa cho mình một vùng đất ít nhiều gợi cảm giác hoài cổ, với những con phố tường vàng, những mái ngói rêu phong, hệt như một tên gọi khác của đô thị này, Hoài Phố.
Trong Hoài Phố ấy là những con người, cố cựu hay tứ xứ, mỗi người mang một mục đích khác nhau đã cùng chen chúc như những quân cờ, mà ở đó cuộc cờ cũng là cuộc đời, một cuộc đời có buồn vui và chắc hẳn có tình yêu.
Tình yêu của người con gái tên Ngọc Hoa làm dâu nước Nhật. Từ cái tiếng kêu âu yếm bằng tiếng quê hương: "Anh ơi!" đã khiến những đất khách nghe ra "Anhơi" rồi gọi nàng là Anino, cái tên tục sẽ theo nàng tới lúc chết.
"Cuộc vây" của Duy Lê làm ta nghĩ đến tiểu thuyết "Lụa" của Alessandro Baricco hay "Tuyết" của Maxence Fermine, bởi được tạo thành từ những phiến đoạn, mối liên hệ đến nước Nhật và nhất là sự mong manh, tinh tế được gọt giũa. Nhưng "Cuộc vây" còn lãng đãng hơn thế, một sự lỏng lẻo cố tình đã được biện giải trong các chương đánh số "0.0" vốn trích dẫn Kinh Kim Cương thi thoảng xuất hiện đột ngột trong sách: "Hãy nghĩ cả thế giới một thoáng này. Một ánh sao rạng đông, một bóng nước dòng sông. Một tia chớp trong áng mây mùa hạ. Một ngọn đèn bập bùng, một ảo ảnh, một giấc mơ".
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/cuoc-vay-he-mo-dat-hoi-an-xua-20201211210750205.htm