Cuộc xung đột Nga - Ukraine 2024: Còn dai dẳng, quyết liệt và khó lường

Năm 2024, cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng điểm lại những điểm nhấn đáng chú ý xung quanh 'điểm nóng' này trong năm.

Bất đồng quan điểm giữa các bên còn rất lớn

Bất đồng quan điểm giữa các bên còn rất lớn

Quan điểm của các bên trong giải quyết cuộc xung đột còn quá khác biệt. Trong một cuộc họp với lãnh đạo Bộ Ngoại giao ngày 14/6, Tổng thống Nga Putin đã nêu ra các điều kiện của Nga để khởi động tiến trình hòa bình với Ukraine. Các điều kiện cốt lõi cho cuộc xung đột Nga-Ukraine là việc quân đội Ukraine rút quân khỏi các khu vực Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng (LPR), Zaporozhye và Kherson.

Ngoài ra, một số điều kiện khác trong đề xuất hòa bình của ông Putin như: (1) Tình trạng trung lập, không liên kết và không có lực lượng hạt nhân trên lãnh thổ Ukraine; (2) Phi quân sự hóa, phi quốc tế hóa Ukraine; (3) Ấn định quy chế cho các vùng Crimea, Sevastopol, DPR, LPR, Kherson và Zaporozhye là các vùng của Nga trong các điều ước quốc tế; (4) Dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga. Tổng thống Putin cho biết, nếu lãnh đạo Ukraine đồng ý và bắt đầu rút quân khỏi các khu vực được đề cập, cũng như sau khi Moscow được thông báo về việc Kiev từ chối gia nhập NATO, chính quyền Tổng thống Putin ngay lập tức ra lệnh ngừng bắn và bắt đầu đàm phán. Ông Putin nhấn mạnh rằng khi làm như vậy, ông đang đưa ra một “đề xuất hòa bình thực sự, cụ thể”, đề xuất một kết thúc cuối cùng cho cuộc xung đột chứ không phải là đóng băng hay đình chiến tạm thời.

Về phía Ukraine, ngày 16/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trình bày “Kế hoạch chiến thắng” trước Quốc hội Ukraine. Bản kế hoạch bao gồm 5 điểm chính thức và ba điểm “bí mật” chỉ được chia sẻ với một số đối tác nhất định. Theo ông Zelensky, đây là cầu nối hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai với Nga, khi ông đặt mục tiêu củng cố vị thế của Ukraine đủ để chấm dứt chiến tranh.

Đáng chú ý, kế hoạch của Tổng thổng Volodymyr Zelensky hoàn toàn trái ngược với đề xuất của người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Điểm cốt lõi trong kế hoạch của ông Zelensky là mong muốn của Ukraine về có được lời mời gia nhập NATO, đây sẽ là tiền đề cho tư cách thành viên đầy đủ của NATO. Kế hoạch cũng nêu rõ các điều khoản nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine, thực hiện gói răn đe chiến lược phi hạt nhân và phát triển nền kinh tế đất nước.

Quân đội Ukraine đổ bộ bất ngờ vào vùng Kursk của Nga

Ngày 6/8, các lực lượng vũ trang Ukraine bất ngờ vượt biên giới đột kích vào vùng Kursk trong lãnh thổ Nga. Không giống các đợt xâm nhập trước thường do các đơn vị hoạt động ngầm hoặc nhóm vũ trang thân Ukraine thực hiện, đây là lần đầu tiên Kiev tấn công bằng lực lượng chính quy tinh nhuệ bên trong lãnh thổ Nga. Được yểm trợ bởi các dàn máy bay không người lái, hỏa lực pháo hạng nặng và các thiết bị tác chiến điện tử tiên tiến, các đơn vị Ukraine đã di chuyển nhanh chóng để chiếm một phần lãnh thổ phía Tây của Nga bên cạnh biên giới, trong khi một số đơn vị khác đột nhập sâu hơn vào bên trong nước Nga. Chiến dịch quân sự bất ngờ, táo bạo của quân đội Ukraine mặc dù không thể đảo ngược cục diện chiến sự, mang lại lợi thế cho Ukraine, song thể hiện tính chất phức tạp, ác liệt, khó lường của cuộc xung đột này.

Có nhiều ý kiến cho rằng, chiến dịch tấn công Kursk của quân đội Ukraine là nước cờ mạo hiểm bởi cục diện chiến sự hiện nay được cho là đang nghiêng về Nga và quân đội Ukraine không bảo đảm về lực lượng, vũ khí, trang thiết bị quân sự để có thể cùng lúc dàn trải trên nhiều mặt trận. Vậy nguyên nhân nào thúc đẩy quân đội Ukraine thực hiện canh bạc tất tay này?

Trước hết, mặc dù chưa biết kết quả cuối cùng của chiến dịch, song hành động tấn công này đã giúp Ukraine thay đổi tình hình dư luận trong nước. Thay vì chán nản bởi đà tiến mỗi ngày của lực lượng Nga, còn quân đội Ukraine thường xuyên phải co cụm phòng thủ trên các mặt trận ở miền đông Ukraine, dân chúng Ukraine, những người ủng hộ chủ trương thân phương Tây, đang theo dõi binh sĩ nước này tiến từ tỉnh Sumy qua biên giới để vào tỉnh Kursk của Nga.

Ngoài củng cố tinh thần của người dân, chiến dịch tấn công vào lãnh thổ Nga còn phát đi thông điệp quan trọng tới các đồng minh, đối tác của Ukraine khi cuộc chiến kéo dài. Có ý kiến cho rằng, các nước phương Tây đã cung cấp cho Ukraine mọi vũ khí cần thiết với kỳ vọng rằng, Ukraine có thể kết thúc xung đột trong chiến thắng, sau khi các nước này rõ ràng không tránh khỏi sự “mệt mỏi” vì gánh nặng hỗ trợ Ukraine trong gần 3 năm qua. Vì vậy, chiến dịch tấn công khu vực Kursk đối với chính quyền Kiev như một hành động mang tính biểu tượng nhằm cho thấy các khoản viện trợ từ phương Tây đang được Ukraine sử dụng hiệu quả và ngăn các đồng minh không “quay lưng” lại với Ukraine.

Phương Tây “bật đèn xanh” cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa phương Tây nhằm tấn công sâu vào lãnh thổ Nga

Trung tuần tháng 11/2024, truyền thông quốc tế cho biết, nhiều quốc gia phương Tây đã “bật đèn xanh” cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa phương Tây, như ATACMS, SCALP hay Storm Shadow, để tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga. Trước đó, Ukraine đã vận động hành lang trong nhiều tháng để Mỹ và các nước phương Tây cho phép sử dụng vũ khí tầm xa tấn công Nga, với lý do không thể tấn công các khu vực bên trong nước Nga, đặc biệt là các căn cứ không quân có máy bay chiến đấu tham gia không kích vào Ukraine.

Giới phân tích cho rằng, việc quân đội Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga khó có thể được coi là một yếu tố bất ngờ, bởi phương án này chắc chắn đã được thảo luận từ lâu, và thực tế Kiev trong một thời gian dài đã tích cực vận động các nước phương Tây cho phép. Thực tế, mức độ hiệu quả của việc sử dụng tên lửa tầm xa trong cuộc xung đột Nga - Ukraine bị nghi ngờ bởi chính trong giới chức Mỹ. Theo New York Times, hàng trăm tên lửa đã được chuyển sang Ukraine, nhưng kể từ đó Lực lượng vũ trang Ukraine đã nhiều lần sử dụng số vũ khí này để tấn công các mục tiêu quân sự của Nga ở Crimea và Biển Đen, bao gồm cả bến phà Kerch vào cuối tháng 5/2024. Hiện chưa rõ còn bao nhiêu tên lửa ATACMS còn lại trong kho vũ khí Ukraine. Chuyên gia Nick Paton Walsh của CNN nhận định rằng, quân đội Ukraine sẽ không có đủ ATACMS để thay đổi cục diện chiến trường. Theo ông, giải pháp tối ưu của quân đội Ukraine lúc này là sử dụng máy bay không người lái giá rẻ do Ukraine sản xuất, cùng với sự hỗ trợ tài chính của Mỹ, nhằm tấn công các cơ sở quân sự và năng lượng ở Nga, thay vì các tên lửa tầm xa đắt đỏ.

Rõ ràng, quyết định của các nước phương Tây đã đẩy cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine leo lên nấc thang căng thẳng mới. Vào tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga “sẽ đồng nghĩa với việc các nước phương Tây đang có chiến tranh với Nga”. Vào mùa hè, ông cũng cảnh báo rằng Moscow có thể đưa ra phản ứng bất cân xứng đối với vấn đề này - ví dụ, bằng cách cung cấp vũ khí cho các khu vực trên thế giới, nơi họ sẽ tiến hành các cuộc tấn công vào mục tiêu của các quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tờ The Economist cảnh báo rằng, Nga có thể cung cấp tên lửa tiên tiến cho lực lượng Houthi ở Yemen, nhóm đang tấn công các tàu thương mại và tàu chiến ở Biển Đỏ. Điều này đồng nghĩa rằng, quyết định của phương Tây có thể dẫn tới một “sự leo thang theo chiều ngang” của cuộc xung đột, tức là nó sẽ vượt ra ngoài biên giới Ukraine.

Nga sử dụng tên lửa siêu thanh tầm trung Oreshnik tấn công Ukraine

Ngày 21/11, quân đội Nga đã sử dụng tên lửa siêu thanh tầm trung Oreshnik tấn công Ukraine. Động thái, đối với Nga, là một thông điệp rõ ràng muốn gửi đến đối thủ. Oreshnik không phải là vũ khí cục bộ thông thường mà là một tên lửa đạn đạo dành cho những trường hợp đặc biệt khi mức độ của cuộc xung đột buộc Nga phải sử dụng. Đối với Nga, có vẻ như phương Tây không ngại leo thang không phải vì họ đánh giá thấp Moscow mà vì không tin tưởng vào quyết tâm của Moscow. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu trong cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga là nhằm “nắn gân” đối thủ của mình ở phía đối diện và từ đó, ngăn cản mức độ leo thang lên nấc mới nguy hiểm hơn.

Giới phân tích nhận định, việc quân đội Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga, đáp trả Nga tấn công Ukraine bằng tên lửa siêu thanh tầm trung Oreshnik, có thể được mô tả như một “sự leo thang của leo thang”. Mặc dù kiềm chế những bước đi đột ngột và khó dự đoán, song các bên đang tiến gần hơn tới “ranh giới đỏ”, mở rộng phạm vi vũ khí được sử dụng, phạm vi đối đầu hỗn hợp và khu vực hoạt động chiến đấu.

Về phía Ukraine, các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa ATACMS và Storm Shadows vào các vùng lãnh thổ của Nga diễn ra trước một số bước leo thang trước đó. Từ việc phương Tây cung cấp các hệ thống tên lửa tầm xa cho quân đội Ukraine, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào lãnh thổ Nga, hay đến chiến dịch tấn công táo bạo, bất ngờ của quân đội Ukraine vào khu vực Kursk hồi đầu tháng 8.

Về phía Nga, cuộc tấn công bằng tên lửa siêu thanh tầm trung Oreshnik là phản ứng tức thời, thể hiện sự sẵn sàng của Nga đối với bất kỳ tình huống leo thang mới nào. Trước đó, quân đội Nga vẫn duy trì đà tấn công ở Donbass và các khu vực lân cận khác; tấn công nhằm vào các cơ sở công nghiệp, hạ tầng năng lượng quan trọng ở Ukraine; đồng thời, tăng cường hợp tác với nhiều đồng minh, đối tác nhằm tạo đối trọng với phương Tây.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/cuoc-xung-dot-nga-ukraine-2024-con-dai-dang-quyet-liet-va-kho-luong-234348.htm