Cưới có cần phải rình rang?

Quan sát những cặp đôi xung quanh, chị nhận thấy những người đã một lần đổ vỡ thường chọn cách đi bước nữa ít ồn ào nhất...

Có lần con gái hỏi: “Mẹ ơi, hồi đó mẹ mặc áo cưới màu gì?”. Chị ú ớ không biết trả lời sao, bởi thời đó còn khó khăn, hai vợ chồng chỉ làm vài bàn tiệc nhỏ đãi họ hàng chứ không tổ chức rình rang.

Chị cho rằng quan trọng là tờ giấy hôn thú, chứ tiệc to hay nhỏ chỉ là hình thức. Cho đến bây giờ, chị vẫn giữ suy nghĩ ngày trước: quan trọng là sống với nhau có yêu thương, nhường nhịn đến hết đời hay không, chứ đám cưới to hay nhỏ có sá gì.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bạn chị sau hôn nhân đầu tiên tan vỡ, qua thời gian tìm được người thích hợp với mình nên quyết định đi thêm bước nữa. Cả hai đều đã trải qua một cuộc hôn nhân trước đó, nên không còn câu nệ chuyện cưới xin, chỉ đăng ký kết hôn rồi dọn về ở chung. Nhiều người dè bỉu bảo “theo không” về ở dăm bữa lại đường ai nấy đi. Cả hai chẳng hề để ý đến lời gièm pha của thiên hạ, vẫn sống vui vẻ cùng nhau.

Chồng bạn yêu thương vợ và hai đứa con gái riêng của vợ hết mực. Hôn nhân viên mãn, bạn ngày càng phát triển sự nghiệp, đạt được nhiều thành công.

Quan sát những cặp đôi xung quanh, chị nhận thấy những người đã một lần đổ vỡ thường chọn cách đi bước nữa ít ồn ào nhất, chỉ làm tiệc đơn giản đãi bạn bè người thân gọi là ra mắt. Trong quan niệm của nhiều người, họ là những cặp đôi “rổ rá cạp lại”, nhưng với chị, họ là những người đáng trân trọng.

Nhiều cặp đôi lại nghĩ rằng cưới xin cả đời chỉ một lần, phải tổ chức sao cho “hoành tráng” mới chịu. Cô em họ bên chồng của chị chẳng hạn. Đám cưới tổ chức cả ngàn khách, đãi bốn suất một ngày mới hết. Trong buổi lễ, nhà trai tặng cô dâu bao nhiêu là vòng vàng, đến độ khách tham dự phải xuýt xoa trầm trồ. Mấy chị em họ hàng thì ghen tỵ rằng con bé có phước, lấy được chồng giàu. Chị thầm mừng cho cô em vì gia đình chồng chắc thương con dâu lắm mới cho nhiều của hồi môn như vậy.

Ai dè sau khi cưới, vốn thân thiết với vợ chồng chị nên cô em nức nở chạy đến kể: “Mẹ chồng lấy hết vàng cưới không cho con dâu giữ, vì đó là tiền vay mượn mua để đám cưới thôi, giờ phải đem bán để trả nợ”. Chưa kể chi phí cưới quá nhiều, sau khi kiểm tiền mừng thấy còn âm một khoản khá lớn, vậy mà cha mẹ chồng còn nỡ bảo “tụi bây muốn rình rang nở mày nở mặt thì tự làm trả nợ”. Vợ chồng chị chỉ còn biết an ủi cô em cố gắng khuyên nhủ chồng làm ăn để trả món nợ này.

Nhiều gia đình quan niệm cưới cho con thì phải làm xôm tụ hơn người ta mới chịu, dù phải vay mượn. Hệ quả là sau đám cưới, vợ chồng trẻ chỉ biết bấm bụng bảo nhau ráng làm trả nợ. Nhiều cặp cũng vì nợ nần mà đường ai nấy đi sau đó không lâu. Bởi vậy, cưới chỉ nên xem là nghi thức ra mắt họ hàng, không nên rình rang tốn kém làm gì. Khổ nỗi, người quê họ chỉ nghĩ cứ phải cho “bằng chị bằng em” mới chịu.

Cá biệt một số gia đình còn xem cưới là dịp để “kinh doanh”, họ mời hết thảy những người quen biết, có khi danh sách khách mời lên đến mấy ngàn người để có nhiều khoản mừng cưới. Thiệt khổ cho người được mời, nhiều người than lương tháng làm ra không đủ đi đám cưới! Vợ chồng chị cũng gặp trường hợp như vậy vào những tháng cao điểm “mùa cưới”, người ta đã mời chẳng lẽ không đi, mà đi thì phải mượn đằng này đắp đằng nọ mới đủ.

Rút kinh nghiệm từ chuyện cưới xin của những gia đình khác, nên khi má chồng bàn chuyện tổ chức cưới cho chú út, vợ chồng chị cùng chung quan điểm tổ chức đơn giản, “liệu cơm gắp mắm” chứ không rình rang. Còn chú út thì bảo đăng ký kết hôn là được rồi, bày ra nhiều chỉ mệt thêm. Nghe chú út bảo thế, chị có phần ngạc nhiên, chẳng lẽ tuổi trẻ bây giờ cũng quan niệm thế sao? Ai phản đối chứ chị thì ủng hộ hai tay.

Theo Phunuonline

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/cuoi-co-can-phai-rinh-rang-1380352.html