Cuối năm - chuyện lịch âm dương

Anh bạn có nghiên cứu về lịch phàn nàn với tôi, một sinh viên tốt nghiệp đại học về cơ quan anh làm việc, nhưng hỏi thế kỷ thứ XIX là từ năm nào đến năm nào thì tỏ ra lúng túng, lại thêm ông thủ trưởng khi nào phát biểu trước đông người cũng tỏ ra quan điểm, hay dùng từ 'âm lịch' để phê phán. Hỏi 'âm lịch' là gì, ông nói là mê tín, phi khoa học!

Cuối năm - chuyện lịch âm dương

Nói đường làm nẻo

Anh kể, khi ông ta được đề bạt làm thủ trưởng đơn vị cũng nhờ biết cửa trước cửa sau, nhưng miệng luôn khẳng định do năng lực mà có. Ông thường dùng từ “âm lịch” để chỉ trích phê bình anh em, nhưng khi mới lên giữ chức, ông đã tin vào đấng siêu nhiên khuất mặt khuất mày đâu đó trong cõi tâm linh, coi ngày giờ cụ thể để đặt tấm biển ghi tên họ, chức vụ của mình lên bàn làm việc ở cơ quan. Ông nói với trợ lý, đời thủ trưởng trước đặt bàn ngồi làm việc quay mặt về hướng đông, hàng ngày đối chọi với mặt trời vươn lên là không ổn, mà theo vòng quay trái đất, quay mặt về hướng đông luôn ở tư thế úp mặt về phía trước, nên kế hoạch đề ra thường bị thất bại, vì thế, ông kê bàn quay mặt sang phương nam để ngồi, bảo theo phong thủy là thuận với đất trời. Nói đến đây, anh nhìn tôi cười nhếch mép, thật ra “âm lịch” là loại lịch của Hồi giáo, dựa trên các chu kỳ của tuần trăng. Ở Việt Nam, nói tới âm lịch người ta nghĩ tới loại lịch được lập dựa trên các cơ sở và nguyên tắc của lịch Trung Quốc, nhưng có chỉnh sửa lại theo UTC+7 thay vì UTC+8 (1). Nó là một loại âm dương lịch theo sát nghĩa chứ không phải âm lịch thuần túy. Do cách tính âm lịch khác với Trung Quốc, nên Tết Nguyên đán của người Việt Nam đôi khi không hoàn toàn trùng với xuân tiết của người Trung Quốc và các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa và vòng văn hóa chữ Hán khác (2). Tôi gọi điện hỏi một thầy giáo nhiều năm giảng dạy môn địa lý, trong chương trình giáo dục phổ thông có nội dung nào đề cập đến những vấn đề bên trên hay không. Thầy nói chỉ đề cập tổng quan đến niên đại nói chung thôi. Nhiều khi những sự kiện mặc nhiên gọi tên tiếp xúc hàng ngày, nhưng không hướng dẫn để các em tìm hiểu ý nghĩa! Giống như thủ trưởng kia, cứ dùng từ “âm lịch” để hiểu theo nghĩa mê tín, dị đoan, phản khoa học, rồi phê phán kẻ khác, thật là tệ hại.

Ngày tháng riêng chung

Âm dương lịch là loại lịch được nhiều nền văn hóa sử dụng, kết hợp dựa theo chu kỳ vòng quay của mặt trăng (âm) và mặt trời (dương). Ở Việt Nam hiện nay sử dụng lịch âm dương. Lịch dương áp dụng tính thời gian làm việc theo tháng năm hành chính, lấy mốc từ công nguyên – Công nguyên (thường viết tắt CN), lấy năm Chúa Jesus ra đời theo truyền thuyết làm năm bắt đầu – còn gọi là kỷ nguyên bắt đầu (3). Kỷ nguyên bắt đầu kể từ ngày chúa Jesus giáng sinh, tức từ năm 0001, nhằm vào năm Tân Dậu theo âm lịch, đến kỷ niệm Giáng sinh năm nay là 2020 năm. Về lịch, hầu như các dân tộc và mỗi tôn giáo đều có lịch riêng để tính năm tháng. Phật giáo lấy theo mốc ngày Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, đến nay là năm 2564. Sử dụng lịch dương còn để giao lưu chung trên trường quốc tế. Còn lịch âm ở Việt Nam vẫn thực hiện song song với lịch dương, nhưng dùng để tính theo mốc thời gian vụ mùa, thời tiết, với những sinh hoạt văn hóa cổ truyền theo những đặc điểm riêng của người Việt Nam, như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, giỗ tổ Hùng Vương... và tính tuổi theo vòng quay chu kỳ 12 con giáp. Anh bạn nói, cách tính tuổi âm lịch theo con giáp của người Việt là tính từ khi mang thai cơ, tức lúc sinh ra là đã tính 1 tuổi rồi. Ví như, có một ai đó sinh năm 1961, tính theo âm lịch là năm Tân Sửu, đến năm 2021, giáp vòng lại năm Tân Sửu, nếu tính theo dương lịch, lấy mốc tuổi khai sinh trong giấy tờ hành chính là 2021 trừ 1961 bằng 60 tuổi, nhưng tính theo âm lịch thì từ năm Tân Sửu (1961) đến năm Tân Sửu (2021) là 61 tuổi. Anh nói ông cha ta xưa tuy khoa học chưa phát triển bằng ngày nay, nhưng nhận biết được một điều là từ khi thụ thai trong bụng mẹ, thai nhi đã phát triển thể chất làm người rồi, nên tính tuổi từ lúc ấy có những cơ sở hợp lý của nó.

Cuối năm ngồi nghe anh nói chuyện lịch âm dương, nhẫm thấy việc tính tuổi có nhiều điểm phù hợp với khoa học giáo dục ngày nay – đó là phương pháp thai giáo.

Võ Nguyên

(1)wifiquocte.vn, “UTC”: viết tắt từ tiếng Anh “Coordinated Universal Time” – Giờ quốc tế; (2) lazi.vn; (3) Từ điển tiếng Việt – Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, Việt Nam, 1992.

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/cuoi-nam-chuyen-lich-am-duong-133481.html