Cuối năm, đề phòng ngộ độc rượu

Hàng năm vào thời đểm này, các bệnh viện đều ghi nhận xu hướng gia tăng của các ca ngộ độc rượu. Bệnh nhân ngộ độc rượu, đặc biệt là ngộ độc methanol đều để lại di chứng nặng nề.

Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận được thông tin về vụ nghi ngờ ngộ độc rượu xảy ra sau khi ăn và uống rượu tại quán bánh canh cá lóc.

Thông tin ban đầu, 4 người này mua rượu ở một quán tạp hóa tại phường 11 rồi mang đến uống tại một quán bánh canh cá lóc trên đường 30/4, phường 11, TP Vũng Tàu. Điểm bán rượu này cũng ở phường 11, không trực tiếp nấu rượu mà mua rượu ở địa phương khác trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về bán lại.

Đáng chú ý, vụ việc trên không phải là hãn hữu trong thời điểm hiện tại. Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ ngộ độc rượu làm nhiều người phải nhập viện cấp cứu, trong đó có một số trường hợp tử vong, nguyên nhân có thể là do sử dụng phải rượu không có nguồn gốc, do một số cơ sở mua cồn công nghiệp pha chế thành rượu. Xét nghiệm cho thấy hàm lượng độc tố Methanol trong các mẫu rượu này.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng nêu thực trạng: “Nhiều năm trở lại đây, cứ vào thời điểm cuối năm, Trung tâm Chống độc lại tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc, cấp cứu do liên quan đến ngộ độc rượu, hơn nữa, đa phần là nam giới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, có cả người trẻ, người có tuổi. Bệnh nhân đã được đưa vào đây đều là ca nặng, hôn mê sâu, phải đặt nội khí quản thở máy, không cấp cứu là chết. Đa phần các trường hợp này đều uống quá nhiều, uống đến mức say như chết, nồng độ cồn trong máu rất cao, lên đến hàng trăm mg/dL. Trong số đó có những trường hợp không thể qua khỏi. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tiếp nhận rất nhiều trường hợp ngộ độc do uống phải rượu có methanol. Đối với những trường hợp này, dù may mắn được cứu sống, bệnh nhân chắc chắn vẫn còn các di chứng do não đã bị tổn thương”

BS Đỗ Quốc Phong - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực nội khoa và chống độc (Bệnh viện E) cảnh báo, trên thị trường hiện này có rất nhiều các loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha đang được lưu hành tự do dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu. Qua phân tích từ các vụ ngộ độc rượu cho thấy, rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc. Đây là loại ngộ độc rất nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao, đặc biệt là các trường hợp đến muộn. Trong trường hợp nhập viện quá trễ, bệnh nhân có thể tử vong vì suy đa cơ quan và toan chuyển hóa nặng.

Để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuyệt đối không sản xuất kinh doanh loại rượu pha chế từ nguyên liệu, cồn không bảo đảm chất lượng, không nhãn mác, chưa công bố tiêu chuẩn; người tiêu dùng tuyệt đối không mua và sử dụng rượu trôi nổi, không nhãn mác chưa công bố tiêu chuẩn;

Các cơ quan chức năng, đặc biệt tuyến xã, phường tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, xử lý nghiêm, công khai các cơ sở vi phạm.

Theo Cục An toàn thực phẩm, rượu có thành phần chính là ethanol, với công thức hóa học C2H5OH, trong khi rượu methanol có công thức hóa học CH3OH. Hai loại rượu này đều được lên men và chưng cất. Tuy nhiên, nếu như rượu ethanol lên men từ tinh bột hoặc đường thì rượu methanol lại lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Methanol có trong rượu là một chất cực độc. Methanol thường được sử dụng trong đời sống để làm dung môi trong chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính, mực in máy photo. Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn hoặc do uống quá nhiều rượu có độc chất methanol dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều. Lúc này gan không kịp đào thải ra ngoài sẽ tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động, kèm các biến chứng nguy hiểm như: Nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong. Rượu chứa methanol dễ gây ngộ độc hơn vì sản phẩm chuyển hóa của methanol là acid formic rất độc. Đây cũng là tác nhân lớn làm ngộ độc rượu gây tổn thương đến các tế bào ở mắt và não.
Người bị ngộ độc rượu sẽ có các triệu chứng, như: Da hơi xanh, hoặc tím đặc biệt vùng xung quanh môi và móng tay; lú lẫn, phản ứng chậm, không thể đi lại; khó khăn trong việc duy trì ý thức; nói không rõ, nói ngọng; nôn mửa; thở chậm, thở không đều. Trong tình trạng nghiêm trọng người bệnh có thể co giật, hôn mê, nghẹt thở, tổn thương não và tử vong. Khi phát hiện người có các triệu chứng như trên, cần đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nặng xảy ra.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cuoi-nam-de-phong-ngo-doc-ruou-10297136.html