Cuối năm, đi chợ Tết Việt tại Lào

Những ngày cuối năm, dù bận đến mấy, bà con người Việt làm ăn, sinh sống tại Lào cũng bớt chút thời gian đến khu chợ Tết Việt trên phố Phonexay, mương Saysettha, thủ đô Vientiane của Lào để mua sắm, chuẩn bị cho gia đình một cái Tết ấm cúng, mang phong vị quê nhà.

Là cộng đồng người nước ngoài sinh sống, làm ăn với số lượng hàng vạn người ở Lào, người Việt hầu như có mặt ở hầu khắp các địa bàn của thủ đô Vientiane. Có người mới sang năm, mười năm, nhưng cũng có nhiều người đã ở Lào đến thế hệ thứ 3, thứ 4. Thế nhưng, trong sâu thẳm tâm hồn, những người con đất Việt xa quê luôn nhớ về quê hương đất nước và luôn xúc động, tự hào khi nhắc tới hai tiếng Việt Nam. Với bà con, đi chợ Tết luôn là một phong tục đẹp mà ai cũng muốn giữ gìn.

Người dân đi mua sắm đồ cúng Tết.

Người dân đi mua sắm đồ cúng Tết.

Có cầu ắt có cung. Đã từ lâu, những quầy bán hàng Việt tại các khu chợ của thủ đô Vientiane như Khuadin, Thông- khăn- khăm, Sỉ khay, Noong- khọ, Hủa khủa ...luôn có sẵn để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của bà con Việt kiều. Nhưng nhiều nhất, phong phú nhất vẫn là khu vực phố Naxay, Phonexay, mương Saysettha. Tuy không sầm uất như phố Hàng Mã ở Hà Nội, nhưng khu chợ người Việt trên phố Phonexay những ngày tháng Chạp, từ nguyên liệu làm bánh chưng, bánh tét, kẹo mứt truyền thống, đến hương đèn, vàng mã, câu đối, đèn lồng, đồ trang trí cành mai, cành đào... . hàng hóa không thiếu một thứ gì.

Ngày tết ăn bánh chưng không thể thiếu dưa hành, củ kiệu.

Ngày tết ăn bánh chưng không thể thiếu dưa hành, củ kiệu.

Chị Nguyễn Thị Thủy bán hàng trên phố Phonexay cho biết, từ giữa tháng Chạp trở đi, nhà chị ngày nào 2 thùng bánh chưng cũng nghi ngút khói. Nhà chị là địa chỉ quen thuộc đối với nhiều người Việt tại Lào muốn đặt mua bánh chưng ăn Tết. Tết này, chị gói khoảng 2 tấn nếp, với khoảng 2.000 chiếc bánh chưng theo đơn đặt hàng và bán lẻ cho bà con. Chị nói, làm bánh chưng tuy cực, nhưng vui, vì thấy bà con người Việt vẫn còn lưu giữ phong tục tập quán của mình.

“Người Việt, cứ Tết là phải có bánh mứt. Mình không bán thì bà con hỏi. Nhà mình làm bánh chưng lâu năm, bánh ngon, người ta ăn quen rồi nên cứ đặt hàng. Làm bánh thì rất mệt, nhưng có bánh chưng cho bà con ăn Tết mình cũng vui”, chị Thủy cho biết.

Năm nay, chị Nguyễn Thị Thủy nhận gói 2.000 bánh chưng cho khách hàng ăn tết.

Năm nay, chị Nguyễn Thị Thủy nhận gói 2.000 bánh chưng cho khách hàng ăn tết.

Bận đi làm cả ngày, 8 giờ tối, anh Bùi Điện Biên, nhà ở tận bản Sỉ Khay, đi mấy kilomet đến đây sắm tết cho biết, sang Lào đã 20 năm, lấy vợ Lào, nhưng giỗ chạp, lễ tết đều giữ phong tục Việt. Theo anh, người Việt Nam đi đâu cũng luôn nhớ về quê hương, nhớ về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

“Xa quê, nhưng trong tâm tôi vẫn luôn nhớ về quê hương, luôn nhắc mình phải nhớ là giữ gìn phong tục tập quán của người Việt. Nhất là những dịp lễ, tết truyền thống, tôi vẫn làm giống như ở Việt Nam. Rất may là ở bên này, bà con Việt kiều bán đầy đủ những đồ lễ như thế , giúp mình mua sắm đầy đủ về để lo Tết, duy trì cho con cháu mình sau này hiểu về phong tục tập quán của người Việt Nam. Như con tôi, mặc dù đã mang hai dòng máu Việt- Lào nhưng tôi vẫn muốn cho con lớn lên hiểu và gìn giữ nền nếp, phong tục tập quán của dân tộc mình”, anh Biên bày tỏ.

Cũng như nhiều gian hàng khác, gian hàng bán đồ cúng Tết của chị Hà Thị Bé như một cái tết thu nhỏ của người Việt. Từ Sài Gòn, theo mẹ sang Lào gần 40 năm, chị chọn nghề buôn bán làm kế mưu sinh.

Những ngày này, khách đến mua hàng tấp nập. Người Việt mua, người Lào cũng mua, ai cần gì chị bán hết; chạy tới, chạy lui như con thoi, trong khi anh chồng người Lào hiền như đất tên Khămphone Latthavong thì chăm chỉ cho bánh, mứt vào túi để vợ bán. Hỏi anh, anh chỉ cười thật hiền và xin từ chối trả lời phỏng vấn vì “mình nói tiếng Việt in ít thôi, không bằng vợ đâu. Hỏi vợ mình í”.

Lấy vợ Việt Nam, ông chồng người Lào Khamphone Latthavong cũng chịu khó ra chợ bán hàng Tết

Lấy vợ Việt Nam, ông chồng người Lào Khamphone Latthavong cũng chịu khó ra chợ bán hàng Tết

Còn chị thì cứ ra vào thoăn thoắt bán hàng cho khách. Năm nay vì có dịch covid-19, nên người Việt ở lại ăn tết khá nhiều, hàng hóa bán cũng được nhiều hơn.

“Hàng bánh mứt, bánh chưng, hàng mã... mình đều bán được hết. Người Lào cũng mua, nhưng phần nhiều là bà con Việt kiều mình mua nhiều. Bánh chưng, bánh tét, dưa món, củ kiệu, giò, chả đầy đủ. Tất cả bánh mứt, đồ của Việt Nam đều bán rất được”, chị Bé cho biết.

Hàng Tết Việt ở Lào không thiếu thứ gì.

Hàng Tết Việt ở Lào không thiếu thứ gì.

Các cửa hàng bán hàng Tết luôn đông người mua.

Các cửa hàng bán hàng Tết luôn đông người mua.

Càng gần Tết, lượng người đổ về phố Phonexay càng đông. Mấy chục kiot bán hàng Tết Việt lúc nào cũng tấp nập kẻ bán người mua. Cùng bà ngoại và mẹ bán hàng ở đây từ nhiều năm nay, chị Võ Hồng Ngọc cho biết: Người Việt ở Lào ăn tết chẳng khác gì trong nước. Cũng bánh chưng bánh tét, dưa hành, dưa kiệu, kẹo mứt, hạt dưa; lì xì chúc mừng năm mới; rôm rả, đầm ấm, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống. Được phục vụ cho bà con đón tết là vui rồi. Chúng tôi sẽ bán đến đêm ba mươi tết. Bao giờ hết người mua mới dọn hàng về./.

Vân Thiêng, Đặng Thùy/VOV-Vientiane

Nguồn VOV: https://vov.vn/nguoi-viet/cuoi-nam-di-cho-tet-viet-tai-lao-836718.vov