Cuối năm, gia tăng xe quá tải tại đường gom Pháp Vân - Cầu Giẽ
Bất chấp quy định của pháp luật, gần đây, tuyến đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nhiều lượt xe quá khổ, quá tải, chở đất san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng hoạt động rầm rộ. Tình trạng này có chiều hướng gia tăng, làm hư hỏng đường giao thông, gây bụi bẩn, tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Chạy rầm rập như “trẩy hội”
Người dân sinh sống dọc tuyến đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ qua các huyện Thường Tín, Thanh Trì và quận Hoàng Mai cho biết, mỗi ngày tuyến đường này đều có hàng nghìn lượt xe trọng tải lớn 3, 4 chân cơi nới thành thùng chở đầy vật liệu xây dựng lưu thông rầm rộ. Tình trạng trên khiến tuyến đường được rải nhựa, bề mặt rộng khoảng 5m có dấu hiệu xuống cấp gãy hỏng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng này tới chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nơi có tuyến đường chạy qua, nhưng đến nay, xe trọng tải lớn vẫn tiếp tục chạy bất chấp đêm ngày.
Đặc biệt, do đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cấm mô tô, xe gắn máy lưu thông nên mỗi ngày đều có hàng nghìn lượt phương tiện, rất đông công nhân, học sinh lưu thông trên đoạn đường gom này. Tình trạng xe tải phá đường đã xảy ra nhiều tháng nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm gây mất ATGT.
Trao đổi với PV Tạp chí Giao thông vận tải, đại diện UBND xã Tứ Hiệp (Thanh Trì) cho biết, tình trạng mất ATGT trên tuyến đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khiến đời sống người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Không chỉ làm hỏng đường, gây khói bụi mà còn nguy cơ gây tai nạn giao thông, nhất là với các cháu học sinh. Đã có tai nạn đáng tiếc xảy ra nhưng đến nay tình trạng xe quá tải vẫn không được xử lý.
“Tại các kỳ họp tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều phản ánh bức xúc của người dân. Sau đó, các cơ quan chức năng vào cuộc được một vài hôm rồi đâu lại vào đó. Xe quá tải vẫn cứ ngang nhiên hoạt động”, vị này nói.
Trong những trung tuần tháng 12, trực tiếp có mặt tại đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn qua xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, PV ghi nhận tình trạng các xe chở cát, gạch, xi măng... ung dung tung hoành; lưu thông từ tuyến đường gom đi qua khu đô thị Pháp Vân, ra đường Trần Thủ Độ (Hoàng Mai), nhưng tuyệt nhiện không gặp phải bất cứ sự kiểm tra, xử lý nào của các lực lượng chức năng.
Chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy được phần lớn những chiếc xe này đều có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng, chở quá tải trọng, vật liệu vượt thùng, được phủ bạt tạm bợ.
Đặc điểm nhận dạng của đoàn xe hoạt động, đó là đều được đeo “logo” riêng mang ký hiệu “PTH”, "MA" và “Thanh Tùng” – mà theo cách gọi của dân địa phương là “logo vua”. Ông L.V.H, một người dân sống tại xã Đông Mỹ (Thanh Trì) giải thích: “Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải không phủ bạt rầm rập chạy qua đường nội đô, bụi từ các xe này bay ra mù mịt. Ai cũng bức xúc nhưng vì xe họ gắn “logo vua” nên lực lượng chức năng không dám kiểm tra, xử phạt”(?).
Không xử lý, liệu có “nhắm mắt làm ngơ”?
Trao đổi với PV Tạp chí Giao thông vận tải, lãnh đạo Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, đơn vị quản lý đường gom trên cho biết, tuyến đường gom song hành trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ là hạng mục hoàn trả lại đường gom trước đây nhằm phục vụ việc đi lại của người dân ở các địa phương có tuyến cao tốc đi qua được thuận lợi.
Theo thiết kế, đường gom được xây dựng phục vụ các phương tiện vận tải có tải trọng thấp như xe tải có tải trọng dưới 18 tấn và xe khách dưới 30 chỗ ngồi lưu thông, trong khi luôn có hàng chục lượt xe trọng tải lớn 3,4 chân hoạt động khiến mặt đường đứng trước nguy cơ xuống cấp, hư hỏng.
Công ty đã nhiều lần chụp, gửi ảnh kèm theo văn bản đề nghị Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng trên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Trước đó, nhiều văn bản chỉ đạo về công tác kiểm soát tải trọng xe được Thủ tướng, Phó thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia ban hành, đặc biệt tại Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 25-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, Thủ tướng đã giao cụ thể trách nhiệm kiểm soát tải trọng xe là của chính quyền địa phương. Lãnh đạo chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về tình trạng xe quá tải trên địa bàn mình quản lý.
Có thể thấy, vấn đề xe quá tải nóng tới mức, cả Thủ tướng Chính phủ cho đến Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng ban ATGT quốc gia thường xuyên yêu cầu các tỉnh xử lý triệt để.
Và mới đây nhất, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Công an, Cục CSGT vừa mở cao điểm xử lý vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông – trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố đã liên tiếp ban hành 2 Kế hoạch 209, 210 về xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát xử phạt và tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý xe tải vi phạm, phòng ngừa tai nạn trên địa bàn thành phố.
Trước thực trạng xe quá tải, quá khổ, xe cơi nới thành thùng vẫn ung dung chạy như chỗ không người trên tuyến đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, thiết nghĩ các cơ quan chức năng thành phố cần sớm có động thái xử lý dứt điểm tình trạng này, đảm bảo kỷ cương phép nước, tránh gây bức xúc kéo dài trong nhân dân.
Một số hình ảnh Tạp chí GTVT ghi lại trong những ngày cuối tháng 12 vừa qua tại tuyến đường gom dân sinh Pháp Vân – Cầu Giẽ đoạn qua địa bàn huyện Thường Tín, Thanh Trì và quận Hoàng Mai:
Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục thông tin.