Cuối năm lại lo ngộ độc rượu
Đến hẹn lại lên, cứ đến cuối năm là lượng rượu, bia tiêu thụ gia tăng bởi đây là dịp cao điểm của những bữa tiệc liên hoan, hội họp, tổng kết, tất niên... Việc lạm dụng rượu, bia để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc với nhiều trường hợp phải nhập viện, thậm chí có trường hợp tử vong do bị ngộ độc rượu.
Gia tăng bệnh nhân ngộ độc rượu
Tết càng đến gần thì tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) cũng gia tăng theo. Bệnh nhân chủ yếu bị xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy… Theo thông tin từ Bệnh viện (BV) Đa khoa Xanh Pôn, BV đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.T. (35 tuổi, trú tại Đan Phượng, Hà Nội) trong tình trạng vùng thượng vị đau nhiều, lan ra sau lưng, cơ thể sụt cân nghiêm trọng. Trước đó, bệnh nhân chia sẻ mình uống rượu từ khi còn là học sinh cấp 3, sau đó nghiện và tiêu thụ nhiều suốt 20 năm. Bệnh nhân này cũng từng đau bụng nhiều lần nhưng tự khỏi nên chủ quan không đi khám. Thời gian qua, khi cảm giác đau nhiều hơn, bệnh nhân nghĩ mình bị dạ dày nên quyết định tới BV.
Qua xét nghiệm và kiểm tra hình ảnh, TS Ôn Quang Phóng - Khoa Ngoại Tiêu hóa, BV Đa khoa Xanh Pôn phát hiện tụy của bệnh nhân chứa rất nhiều viên sỏi với kích thước lớn. Tại BV, TS Ôn Quang Phóng đã trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân và lấy ra hơn 20 viên sỏi. Sau ca mổ, bệnh nhân hồi phục tốt và ra viện sau 10 ngày. Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai trong những ngày qua đã tiếp nhận và xử lý 2 trường hợp ngộ độc rượu trong tình trạng nguy kịch. Trong đó, có một bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, nhiễm toan chuyển hóa, tiêu cơ vân nặng kèm hội chứng suy thận. Tại đây, bệnh nhân được điều trị hồi sức, lọc máu nhưng vẫn hôn mê sâu, tụt huyết áp, tổn thương não nặng không hồi phục. Trung tâm Chống độc xác nhận, sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân nam này được gia đình xin về vì không có khả năng cứu chữa và tử vong tại nhà. Gần đây nhất, Trung tâm Chống độc tiếp nhận bệnh nhân nam (40 tuổi, trú tại Hà Nội) trong tình trạng hôn mê do hạ đường huyết, suy hô hấp, hôn mê sâu, đồng tử giãn, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Đặc biệt, chỉ số đường huyết của bệnh nhân chỉ còn 0,6mml/l (bình thường là 4 mmol/l), nồng độ rượu trong máu 260 mg/l, cao hơn rất nhiều so với bình thường. Các bác sĩ cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực, lọc máu khẩn cấp, tuy nhiên, do được phát hiện và đưa đi cấp cứu quá muộn nên tiên lượng khá xấu. TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, trong trường hợp may mắn được cứu sống, bệnh nhân chắc chắn vẫn còn các di chứng do não đã bị tổn thương.
Nhiều hệ lụy đáng tiếc
Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, những ca ngộ độc rượu thông thường (rượu ethanol) tử vong do uống quá nhiều đang có dấu hiệu gia tăng. Đáng tiếc, hầu hết các trường hợp này đều là thanh niên hoặc đang trong độ tuổi lao động. “Hầu như ngày nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận 2 - 3 ca nặng. Bệnh nhân đa phần là nam giới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, có cả người trẻ, người có tuổi, thậm chí là trẻ vị thành niên mới 14 tuổi. Bệnh nhân đã được đưa vào đây đều là ca nặng, hôn mê sâu, phải đặt nội khí quản thở máy, không cấp cứu là chết. Những trường hợp này do uống quá nhiều, uống đến mức say như chết, nồng độ cồn trong máu rất cao, lên đến hàng trăm mg/dL. Trong số đó có những trường hợp không thể qua khỏi” - TS Nguyễn Trung Nguyên cho hay.
Theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, thành phần Ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp sẽ gây tổn thương lan tỏa ở cả 2 bên não. Nếu tình trạng này được xử lý chậm, tổn thương não sẽ lan rộng hơn gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong. Đặc biệt, những người gầy, yếu, suy kiệt và người trẻ (dưới 30 tuổi) là đối tượng dễ bị hạ đường huyết do rượu.
Để phòng ngộ độc rượu, các chuyên gia khuyến cáo, nam giới nói riêng và người dân nói chung tốt nhất là không uống rượu, nếu uống thì nên uống có chừng mực. Đặc biệt lưu ý, chỉ uống rượu sau khi đã ăn. Người thân cần chú ý theo dõi người say rượu. Nếu người bệnh vẫn tỉnh và nhận biết được thì nên cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lưu ý thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn, uống sữa, nước hoa quả có đường, nước canh, cháo loãng... để có năng lượng, nếu không dễ bị hạ đường huyết. Đồng thời, gia đình cần chú ý quan sát những dấu hiệu nặng ở người thân để đưa đi cấp cứu kịp thời.
Lạm dụng rượu, bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu xịn, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu, bia xịn cũng vẫn là gánh nặng cho gan. Nguy cơ ngộ độc rượu càng tăng với hậu quả khó lường nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa methanol (hàm lượng methanol vượt ngưỡng trên 0,05% do có thể mù mắt và tử vong cao).
TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cuoi-nam-lai-lo-ngo-doc-ruou-408334.html