Cuối năm, nhìn lại thế giới đầy biến động 2022
Thế giới trải qua năm 2022 đầy biến động với một loạt sự kiện đáng chú ý như xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng Mỹ-Trung, tên lửa Triều Tiên, suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu,...
Năm 2022 - một năm chứng kiến nhiều bước ngoặc trên chính trường thế giới, báo hiệu sự kết thúc của một kỷ nguyên và bắt đầu một kỷ nguyên mới. Đã có những điểm sáng, cũng như nhiều thách thức trong năm vừa qua.
Dưới đây là những sự kiện nổi bật của thế giới trong năm, khiến 2022 trở thành một năm khó quên.
Chính trị
. Xung đột Nga-Ukraine: Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất năm chính là việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine với lý do “phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraine”. Ngày 24-2, quân đội Nga triển khai đến vùng Donbass, miền đông Ukraine, đánh dấu cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ sau Thế chiến 2.
Xung đột không chỉ gây ra tổn thất cho 2 nước tham chiến mà còn đe dọa sâu sắc đến an ninh năng lượng và an ninh lương thực toàn cầu do sự gián đoạn về nguồn cung.
Cuộc chiến cũng dẫn đến sự chia rẽ địa chính trị đáng kể với việc Mỹ và đồng minh phương Tây đứng về phía Kiev cùng nhiều quan điểm khác nhau đến từ phần còn lại của thế giới.
Mỹ và phương Tây liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow, tính đến tháng 12, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua đến 9 gói trừng phạt đối với Nga. Đáng chú ý nhất là các biện pháp trừng phạt lên ngành năng lượng Nga, làm bộc lộ sự chia rẽ của một châu Âu vốn phụ thuộc vào nhiên liệu Nga.
Bên cạnh đó, Mỹ và đồng minh đã viện trợ hàng chục tỉ USD cho Ukraine. Động thái khiến Moscow tức giận và cáo buộc Washington đang tiến hành “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” chống lại Nga. Ngược lại, các nước ủng hộ Kiev cáo buộc Nga nhận vũ khí từ Iran và CHDCND Triều Tiên nên đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Tehran và Bình Nhưỡng bất chấp việc các bên liên quan phủ nhận cáo buộc này. Có thể thấy xung đột tại Ukraine đã đẩy quan hệ Mỹ-Nga xuống đến mức tồi tệ nhất kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Đã 10 tháng kể từ khi xung đột nổ ra, nhưng việc đàm phán giữa Moscow và Kiev vẫn chưa có tiến triển bởi các bên liên tục cáo buộc nhau không thiện chí. Vòng đàm phán cuối cùng giữa Nga và Ukraine là vào cuối tháng 3 ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Hiện tại, rất khó để dự đoán về kết quả tích cực từ hòa đàm khi điều kiện bên này đưa ra lại là điều “bất khả xâm phạm” đối với bên còn lại. Hy vọng năm 2023 sẽ chứng kiến khởi sắc trong cuộc xung đột này.
. Căng thẳng Mỹ-Trung: Sự kiện đánh dấu đỉnh điểm leo thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung năm 2022 chính là việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới thăm Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc (TQ) coi là một phần lãnh thổ, vào tháng 8. Động thái này khiến Bắc Kinh “nóng mặt” và cảnh báo Washington sẽ phải trả giá. TQ sau đó đã tiến hành một loạt các vụ tập trận xung quanh hòn đảo để đáp trả hành động mà nước này cho là “liều lĩnh và khiêu khích” từ phía Mỹ, theo hãng tin Reuters.
Vào tháng 10, chính quyền Tổng thống Biden đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia với quan điểm: “TQ nuôi dưỡng ý định định hình lại trật tự quốc tế theo hướng có lợi cho mình” và Mỹ mong muốn “chiến thắng trong cuộc cạnh tranh”. Trước đó vào tháng 8, ông Biden đã ký ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS nhằm siết chặt xuất khẩu chip bán dẫn sang TQ. Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội với Đạo luật này, gọi đây là sự lạm dụng các biện pháp thương mại để duy trì quyền bá chủ công nghệ của Mỹ. Giới quan sát đánh giá rằng động thái này đẩy cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung sang một giai đoạn mới.
Tuy nhiên, gần đây đã có những dấu hiệu tích cực trong quan hệ song phương được đánh dấu bằng sự kiện Tổng thống Biden và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) tại đảo Bali (Indonesia) hồi tháng 11. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo hứa sẽ làm việc để giảm căng thẳng và cam kết hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng. Với dấu hiệu tích cực này, hy vọng trong năm 2023 quan hệ song phương giữa hai cường quốc sẽ được cải thiện mặc dù vẫn còn tồn tại sự nghi ngờ lẫn nhau.
. Tên lửa Triều Tiên: Trong năm 2022, Triều Tiên đã thực hiện hơn 92 vụ phóng tên lửa đạn đạo và các loại tên lửa khác - con số cao nhất từ trước đến nay, theo tờ The New York Times. Trong số này, đáng chú ý nhất là vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 vào hôm 18-11 mà Hàn Quốc và Nhật cho rằng có tầm bắn vươn tới lục địa Mỹ. Mỹ và đồng minh gọi các vụ phóng là hành động khiêu khích và đã đáp trả bằng một loạt các cuộc tập trận chung quanh bán đảo Triều Tiên. Theo tờ Asia Times, đối với Bình Nhưỡng, các cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh không khác gì hành động chuẩn bị cho chiến tranh, thế nên sẽ rất khó để kỳ vọng các vụ phóng tên lửa từ Bình Nhưỡng và các cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh sẽ chấm dứt trong thời gian tới.
. Biến động trên chính trường Anh: 2022 chứng kiến nhiều sóng gió trên chính trường Anh với việc quốc gia này đã có đến 3 thủ tướng trong năm nay. Tháng 7, ông Boris Johnson tuyên bố từ chức sau một loạt bê bối liên quan công tác phòng chống dịch COVID-19. Đến tháng 9, bà Lizz Truss lên thay nhưng nhiệm kỳ của bà kéo dài không lâu do chính sách kinh tế gây tranh cãi. Ngay sau khi bà Truss từ chức, ông Rishi Sunak lên nắm quyền và trở thành thủ tướng da màu đầu tiên của Anh trong bối cảnh nước này đối mặt với hàng loạt vấn đề bao gồm suy thoái kinh tế, lạm phát, khủng hoảng năng lượng, tình trạng người dân mất niềm tin vào chính phủ, sự chia rẽ trong nội bộ nước Anh...
. Dịch bệnh COVID-19: Năm 2022 cho thấy những dấu hiệu tích cực trong việc đẩy lùi đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Vào tháng 9, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố sự kết thúc của đại dịch “đang ở trước mắt”. Cụ thể, nhiều quốc gia đã dỡ bỏ phong tỏa và các hạn chế trong thời gian dịch bệnh nhờ vào tỉ lệ tiêm chủng vaccine cao và các phương pháp điều trị. Tuy nhiên, đầu tháng 12, dịch bệnh đã bùng phát trở lại ở TQ với sự gia tăng đáng kể trong số ca nhiễm và ca tử vong.
Các chuyên gia y tế cảnh báo mặc dù thế giới đã đạt một số thành tựu trong việc ứng phó COVID-19 nhưng các nước không nên chủ quan vì vẫn có nguy cơ xuất hiện biến chủng mới khi số ca nhiễm vẫn còn trong cộng đồng.
Kinh tế
. Lạm phát: Lạm phát tăng cao bất thường ở các quốc gia trên thế giới vào năm 2022. Lạm phát đạt đỉnh 9,1% ở Mỹ vào tháng 6 và 11,1% ở Anh vào tháng 10.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, lạm phát tăng đã dẫn đến cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt với nhiều gia đình, ngay cả ở một số quốc gia giàu có nhất thế giới. Chính lạm phát cũng là nguyên nhân buộc nhiều người phải lựa chọn giữa ăn uống hoặc sưởi ấm trong mùa đông này.
Theo trang Axios, các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhằm hạ nhiệt nền kinh tế đã tác động đến các thị trường và thay đổi phương hướng của hoạt động đầu tư kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Lãi suất chạm đáy kể từ năm 2008 đã khiến các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro ngày càng lớn hơn và đẩy giá cổ phiếu lên mức cao kỷ lục.
. Vỡ nợ: Trong năm 2022, nhiều nền kinh tế các nước đang phát triển rơi vào khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka bắt đầu chủ yếu do hậu quả đại dịch COVID-19. Kể từ khoảng giữa năm 2021, các hoạt động kinh tế ở đảo quốc này bộc lộ nhiều điểm yếu. Lạm phát tăng cao khiến nhiên liệu và khí đốt ở quốc gia này trở nên đắt đỏ. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu khiến hàng hóa ngày càng khan hiếm.
Sau một loạt các cú sốc với nền kinh tế, ngày 5-7, chính phủ Sri Lanka tuyên bố nước này chính thức “vỡ nợ”. Nguy cơ vỡ nợ cũng xảy đến với các nước Ghana, Zambia, El Salvador.
Theo hãng tin Bloomberg, Sri Lanka đang đàm phán để cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài trị giá hơn 40 tỉ USD và dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế về một gói cứu trợ vào đầu năm tới.
. Khủng hoảng năng lượng: Ngoài ra, xung đột tại Ukraine đã kéo theo nhiều biến động trong thị trường năng lượng, đặc biệt là về nguồn cung từ Nga. Giá dầu đạt đỉnh cao nhất trong 14 năm qua. Sự thiếu hụt nguồn cung là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.
Theo ông Karen Dynan - giáo sư tại Đại học Harvard (Mỹ) - cuộc khủng hoảng năng lượng dường như đã đẩy một số nền kinh tế châu Âu vào suy thoái và điều đó có tác động lớn không chỉ đối với các nền kinh tế đó mà còn đối với các đối tác thương mại của họ.
Sau một năm đầy biến động của kinh tế toàn cầu, vào tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố triển vọng kinh tế năm 2023, dự báo mức tăng trưởng yếu trên toàn thế giới. IMF đặc biệt nhấn mạnh vào ba vấn đề tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu trong năm tới bao gồm: lạm phát cao, xung đột tại Ukraine và những tác động liên tục của COVID-19.
Khí hậu
Từ châu Á đến châu Âu, từ châu Úc đến Bắc Mỹ, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã tấn công khắp các lục địa trong năm 2022.
Đợt hạn hán trong mùa hè vừa qua đánh dấu đợt hạn tồi tệ nhất ở châu Âu trong 500 năm qua. Hãng tin Reuters dẫn một nghiên cứu công bố vào cuối tháng 11 cho biết các đợt nắng nóng mùa hè ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh đã dẫn đến hơn 20.000 ca tử vong.
Vào tháng 11, Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết châu Âu đã ấm hơn gấp đôi so với phần còn lại của thế giới trong 3 thập kỷ qua.
Tại TQ, các nhà máy thủy điện buộc phải đóng cửa vào tháng 8 do mực nước xung quanh lưu vực sông Dương Tử giảm.
Trong khi đó, lũ lụt ở Pakistan kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 đã khiến hơn 1.391 người thiệt mạng và gây thiệt hại ước tính 30 tỉ USD do nhà cửa, mùa màng và cơ sở hạ tầng quan trọng bị cuốn trôi.
Nước Mỹ trong năm 2022 đã đón 3 cơn bão kéo vào đất liền, theo đài CBS. Trong đó, bão Ian là cơn bão đổ bộ đầu tiên và trở thành cơn bão mạnh thứ năm từng đổ bộ vào Mỹ trong lịch sử.
Cho đến những ngày cuối cùng của năm 2022, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt vẫn diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có lũ lụt ở Malaysia, nhiệt độ lạnh giá khác thường ở khu vực Bắc Mỹ.
Về thỏa thuận chống biến đổi khí hậu, COP27 tổ chức tại Ai Cập đã đi đến thống nhất lập quỹ “mất mát và thiệt hại” cho các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Theo đó, quỹ này sẽ hỗ trợ các nước nghèo có mức phát thải thấp đang bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu.
Nguồn PLO: https://plo.vn/cac-su-kien-dinh-hinh-the-gioi-nam-2022-post713844.html