Cuối tháng 9 có thể xuất hiện bão trên Biển Đông

Từ nay đến hết tháng 9 trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão, khả năng tập trung vào 10 ngày cuối tháng 9 và có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Cuối tháng 9 Biển Đông có thể xuất hiện 1-2 cơn bão

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trên Biển Đông hiện đang tồn tại dải hội tụ nhiệt đới (rãnh áp thấp) kết hợp gió mùa Tây nam mạnh sẽ gây mưa cho khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ đến ngày 16/9, lượng mưa phổ biến 40-80mm, thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm.

Dự báo thời tiết Bắc Bộ trong 7 ngày tới chủ yếu ít mưa, ngày nắng gián đoạn. Riêng giai đoạn từ đêm 15 đến ngày 17/9, khu vực Bắc Bộ trong đó trọng tâm là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh và Hải Phòng có mưa vừa, lượng mưa phổ biến 10-30mm/ngày, cục bộ có mưa to trên 50mm/ngày.

Cuối tháng 9 Biển Đông có thể xuất hiện bão.

Cuối tháng 9 Biển Đông có thể xuất hiện bão.

"Từ nay đến hết tháng 9 trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão, khả năng tập trung vào 10 ngày cuối tháng 9 và có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Cảnh báo có nguy cơ cao xảy ra mưa lũ dồn dập ở Trung Bộ trong thời kỳ mưa lũ tháng 10-11 năm 2024", ông Mai Văn Khiêm chia sẻ.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước lũ ở hạ lưu sông Hồng hiện tại đang xuống nhưng vẫn còn ở mức cao, tình trạng ngập ở vùng trũng, thấp ven sông sẽ giảm dần trong những ngày tới. Trong đó, thời gian nước rút ở vùng trũng thấp ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ từ 8-10 ngày, ven sông Tích khoảng 5-7 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ 2-4 ngày, sông Nhuệ từ 2-3 ngày.

Khu vực ngoài đê hạ lưu sông Hồng- Thái Bình (tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương) thời gian rút nước kéo dài từ 3-5 ngày, đối với các vùng không chủ động tiêu thoát thì khả năng kéo dài hơn

Trong những ngày tới khi nước lũ xuống trên các hệ thống sông sẽ có nguy cơ gây sạt lở bờ sông, nhất là ở những nơi vừa xuất hiện đỉnh lũ cao (đêm 13/9/2023 đã xảy ra tại sông Chảy thuộc địa phận huyện Yên Bình, Yên Bái).

Mặc dù hiện nay mưa đã giảm, nhiều nơi không mưa, nhưng nguy cơ xảy ra sạt lở đất vẫn ở mức cao, đặc biệt trên các sườn dốc ở khu vực miền núi phía Bắc, nhất là Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng (thực tế đã xảy ra tại TP. Yên Bái và các huyện Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên (Yên Bái) trong các ngày 12-13/9.

348 người chết và mất tích do mưa lũ

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo mới nhất về thiệt hại do mưa lũ cơn bão số 3 gây ra.

Theo đó, lúc 8h sáng nay, mực nước trên sông Thao (tại Yên Bái, Phú Thọ); trên sông Lô (tại Tuyên Quang, Vụ Quang); trên sông Hồng tại (Việt Trì, Sơn Tây, Hà Nội) đã xuống dưới mức báo động 1 (BĐ1).

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay đã xảy ra 584 sự cố đê điều (tăng 279 sự cố so với báo cáo ngày 13/9. Hiện mực nước lũ đã rút, nguy cơ tiếp tục xảy ra sự cố sạt lở đê, kè, … Các địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát các tuyến đê, cập nhật, tổng hợp sự cố đê điều) trên địa bàn 14 tỉnh/thành phố Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Tuyên Quang.

Về giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị tập trung khắc phục hậu quả, đến 16h30 ngày 14/9: còn 13 điểm/7 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam Định và Quảng Ninh đang bị ách tắc trên hệ thống quốc lộ.

Đến 16h30 ngày 14/9, các tuyến đường sắt phía Bắc đã thông đường, riêng tuyến Yên Viên - Lào Cai vẫn đang phong tỏa các khu từ Đoan Thượng - Lào Cai (Km140+530 - Km293+560) để các đơn vị khắc phục sự cố. Dự kiến ngày 15/9 sẽ thông đường.

Theo báo cáo của các địa phương, một số thiệt hại thống kê đến 7h ngày 15/9, mưa lũ làm 348 người chết, mất tích (281 người chết, 67 người mất tích), tăng 3 người so với báo cáo ngày 13/9 (Cao Bằng tăng 6, Thái Nguyên tăng 2, Yên Bái giảm 1; Lào Cai giảm 4).

Lào Cai là địa phương có số thiệt hại về người lớn nhất gồm 168 người (118 người chết, 50 người mất tích), gồm: Bảo Yên 99, Sa Pa 9, Bát Xát 17, Si Ma Cai 7, Bắc Hà 34, Văn Bàn 2. Cao Bằng 58 người (53 người chết, 05 người mất tích). Yên Bái 54 người (53 người chết, 01 người mất tích). Quảng Ninh 25 người...

Cả nước có 1.921 người bị thương (Quảng Ninh 1.609, Hải Phòng 65, Hải Dương 05, Hà Nội 10, Bắc Giang 12, Bắc Ninh 52, Hà Giang 1, Lạng Sơn 10, Lào Cai 84, Yên Bái 36, Cao Bằng 16, Phú Thọ 7, Bắc Kạn 4, Hòa Bình 2, Vĩnh Phúc 2, Thanh Hóa 2, Hưng Yên 4).

Mưa lũ làm 235.354 nhà bị hư hỏng (tăng 3503 nhà); tập trung tại: Quảng Ninh 102.467, Hải Phòng 102.813, Lào Cai 7.243, Lạng Sơn 3.568, Bắc Ninh 3.472, Bắc Giang 3.289, Yên Bái 2.408,...

200.248 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại (tăng 9.890ha), 50.612ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, 31.745ha cây ăn quả bị hư hại, 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi, + 21.786 con gia súc, 2.621.106 con gia cầm bị chết...

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,… Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cuoi-thang-9-co-the-xuat-hien-bao-tren-bien-dong-169240915105548754.htm