Cuối tuần này, miền Bắc và miền Trung mưa lớn do bão số 4 đổ bộ
Miền Bắc và miền Trung sẽ có mưa lớn cuối tuần này do bão số 4 đổ bộ, nhiều khả năng nguy cơ tái xuất hiện tình trạng ngập úng và lũ quét trượt lở đất sẽ gia tăng.
Bão số 4 đổ bộ Quảng Bình đến Đà Nẵng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy Văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 820km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 25km/h.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-11. Đến 13h ngày 18/9, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, khoảng 20-25km/h, mạnh lên thành bão, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía Đông với sức gió cấp 8, giật cấp 10.
Đến 13h ngày 19/9, bão di chuyển theo phía Tây với vận tốc 15-20km/h, cách đất liền các tỉnh Quảng Bình đến Đà Nẵng khoảng 250km về phía Đông Đông Nam với sức gió cấp 8-9, giật cấp 11. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
Trên biển, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), biển động mạnh.
Khu vực Bắc Biển Đông sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Miền Bắc, miền Trung mưa lớn
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia) nhận định, áp thấp nhiệt đới có khả năng di chuyển vào Biển Đông và mạnh lên thành bão. Sau đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta. Giai đoạn cuối tuần Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung có khả năng mưa to.
Điều kiện môi trường hiện nay không "thuận lợi" cho bão như cơn bão số 3 (Yagi) mà nó phải chia sẻ lượng ẩm với cơn bão Pulasan (đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương) vì thế khi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới không mạnh ngay thành bão mà phải mất khoảng 1-2 ngày hoàn thiện cấu trúc để có thể phát triển thành bão.
Ngoài chịu tương tác với cơn bão Pulasan (đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương); khi vào Biển Đông trường dòng dẫn quy mô lớn từ áp cao cận nhiệt đới cũng đang có biến động nhiều.
Ngoài ra, vào khoảng sau ngày 19/9 còn có khả năng có khối không khí lạnh nhẹ đầu mùa từ phía Bắc di chuyển xuống, tất cả những điều kiện khí quyển hiện tại và tương lai khiến cho đường đi của áp thấp nhiệt đới, sau sẽ là cơn bão sẽ phức tạp hơn nhiều so với siêu bão YAGI.
"Tất cả các mô hình dự báo hiện tại của Việt Nam và quốc tế đều thống nhất cường độ của cơn bão này sẽ không mạnh như bão Yagi", ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, nhiều khả năng miền Bắc và Bắc miền Trung nguy cơ tái xuất hiện tình trạng ngập úng và lũ quét trượt lở đất. Chi tiết các điểm mưa lớn sẽ được cơ quan khí tượng cập nhật liên tục.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: Từ vĩ tuyến 15,0-19,0, phía Đông kinh tuyến 118,0 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.