Cuốn nhật kí viết trong chiến dịch Điện Biên Phủ của họa sĩ Phạm Thanh Tâm
Trở lại với độc giả Việt Nam đúng vào dịp kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 'Kí họa trong chiến hào' vẫn giữ nguyên vẹn giá trị thời sự và nhân văn, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về đời sống của người lính trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Kí họa trong chiến hàolà nhật kí của họa sĩ Phạm Thanh Tâm (1932 - 2019) được ông viết khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách phóng viên chiến trường báo Quyết Thắng, tờ báo của Đại đoàn pháo binh 351. Cuốn sách mới đây được NXB Kim Đồng giới thiệu trong bộ sách gồm 17 cuốn sách viết về chiến thắng Điện Biên Phủ với nhiều thể loại của nhiều tác giả nổi tiếng.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết: “Cuốn nhật kí được họa sĩ Phạm Thanh Tâm lưu giữ suốt 50 năm. Đến năm 2005, nhật kí được dịch ra tiếng Anh và in thành sách cùng các tranh kí họa ông vẽ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bản tiếng Pháp của cuốn sách được phát hành năm 2011.Với mong muốn giới thiệu cho độc giả Việt Nam, sau gần 20 năm Nhà xuất bản Kim Đồng đã chính thức đưa được cuốn sách trở về quê hương trong dịp kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.”
Kí họa trong chiến hào được viết trực tiếp tại chiến trường, ngay trong chiến hào, dưới làn bom đạn, gồm 3 phần: Đường ra trận, Trong chiến hào và Về hậu phương.
Mở đầu trang nhật kí, tác giả Phạm Thanh Tâm đã ghi lại niềm vui, sự náo nức của mình cũng như đồng đội được “sống đời anh dũng của anh bộ đội”: “Tôi cùng 1/2 đội văn công đi chiến dịch. Vui và hăng say vì thấy mình đã khỏe, tuy hơi gầy” (nhật kí ngày 21/2/1954).
Đường ra trận là đường lên với Điện Biên nơi Phạm Thanh Tâm ghi lại những chân dung ông gặp trên đường ra chiến dịch, đó là dân công hỏa tuyến, công binh mở đường, thanh niên xung phong và đặc biệt gần gũi với ông là chân dung những người pháo thủ thức suốt đêm để kéo pháo lên trận địa. 10 pháo thủ cùng 70 lính bộ binh dùng sức người cộng với dây tời, xích sắt, thanh tre, thanh gỗ tự chế đưa pháo lên những dốc cao tới 65 độ. Kéo vào rồi lại kéo ra “chết không rời dây, chết không rời càng pháo...”
Phần 2, Trong chiến hào là những trang nhật kí viết trong suốt 55 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ. Những ghi chép của tác giả trong những ngày này là trang tư liệu sống động hữu ích cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Phần 3, Về hậu phương là niềm vui chiến thắng, những dự cảm về cuộc chiến phía trước để có được ngày hòa bình lâu dài.
Ngoài nội dung nhật kí, phần hình ảnh của Kí họa trong chiến hào rất đặc sắc. Trong sách có hình ảnh 16 trang nhật kí gốc gồm các trang viết tay, trang vẽ bản đồ, hiện vật thời chiến…
Đặc biệt nhất là hơn 30 bức tranh kí họa được tác giả vẽ trong chiến hào. Viết và vẽ vừa bổ sung vừa thể hiện nhất quán cái nhìn của người lính trẻ Phạm Thanh Tâm. Tranh kí họa của Phạm Thanh Tâm đầy cảm xúc, họa sĩ vẽ những tình cảm tế nhị của người lính về cuộc chia tay với người thương, anh vẽ tình đồng đội sâu sắc qua những bức kí họa chăm sóc thương binh, vẽ niềm vui thường ngày của người lính bên bờ suối ngay sau ngọn đồi E khốc liệt giữa chiến dịch, niềm vui hòa bình khi những bông hoa nở trên mũ sắt vỡ…
Ra mắt độc giả thế giới, sau 20 năm đã trở lại với độc giả Việt Nam đúng vào dịp kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Kí họa trong chiến hào vẫn giữ nguyên vẹn giá trị thời sự và nhân văn. Từ góc nhìn của người trong cuộc, Kí họa trong chiến hào thấm đẫm lòng yêu nước, tình cảm quân - dân, tình đồng chí…
Họa sĩ Phạm Thanh Tâm từng chia sẻ: “Trong chiến tranh có tình yêu và thù hận. Chiến tranh là vậy. Nhưng hận thù không đủ thắng một cuộc chiến. Chúng tôi đã có một tình yêu lớn lao, tình yêu nước và tình yêu dành cho nhau. Những xúc cảm yêu thương đó là những gì tôi bày tỏ trong nhật kí và mang theo mình suốt cuộc đời.”