Cuốn sách 'bật mí' công thức kể chuyện làm lay động lòng người

Cuốn sách 'Storytelling – Lay động lòng người bằng chuyện kể' của Nguyễn Trần Quang cung cấp phương pháp và nghệ thuật kể chuyện thu hút trong thời đại bùng nổ thông tin.

Buổi ra mắt sách Storytelling – Lay động lòng người bằng chuyện kể của tác giả Nguyễn Trần Quang vừa diễn ra tại đường sách TPHCM.

Thành công từ nghệ thuật kể chuyện

Tác giả mở đầu bằng những câu chuyện đa dạng, từ dân gian đến thời đại công nghiệp hóa, để thu hút người đọc. Tác giả áp dụng nguyên lý giao tiếp "quyền lực" nhất: câu hỏi kích thích tò mò “Tôi có chuyện muốn kể?”.

Nguyễn Trần Quang cũng chia sẻ bí quyết kể chuyện hay là cốt truyện phải gắn liền với sự thật. Trong sự nghiệp xây dựng thương hiệu, tác giả từng thất bại vì kể câu chuyện hay nhưng chất lượng sản phẩm không đáp ứng kỳ vọng.

Tác giả Nguyễn Trần Quang chia sẻ về cuốn sách "Storytelling - Lay động lòng người bằng kể chuyện". Ảnh: Sơn Trà

Tác giả Nguyễn Trần Quang chia sẻ về cuốn sách "Storytelling - Lay động lòng người bằng kể chuyện". Ảnh: Sơn Trà

Con người ai cũng có “nhiều chuyện” trong bản năng, kể cả những người chỉ tin vào dữ liệu. Việc tích hợp số liệu vào chuyện kể là phương pháp truyền đạt hiệu quả.

Tác giả đúc kết 3 yếu tố tạo nên thành công của thương hiệu: mô tả chân dung thành công, đối tượng phù hợp để kể chuyện, và “nỗi đau” của đối phương muốn chạm tới qua câu chuyện.

Ví dụ, cách kể chuyện qua slogan Nâng niu bàn chân Việt giúp doanh số một thương hiệu tăng vọt và trở thành thương hiệu giày dép hàng đầu Việt Nam.

Tưởng tượng là ‘tài sản’ lớn nhất trong năng lực kể chuyện

Với Storytelling – Lay động lòng người bằng chuyện kể, tác giả Nguyễn Trần Quang không kể những câu chuyện vĩ đại, mà chỉ tập trung vào thương hiệu doanh nghiệp và cách làm cho cuộc trò chuyện trở nên cuốn hút.

“Một câu chuyện hấp dẫn và lay động lòng người bắt buộc phải có tuyến nhân vật. Bởi chỉ có con người mới đảm bảo yếu tố cảm xúc cho người nghe. Hoặc gắn suy nghĩ, tính cách và hành động cho những đồ vật vô tri vô giác, còn gọi là nhân cách hóa. Đây là yếu tố tiên quyết trong nghệ thuật xây dựng storytelling”, tác giả Nguyễn Trần Quang bày tỏ.

Bìa sách "Storytelling - Lay động lòng người bằng chuyện kể" lấy cảm hứng từ những chiếc mặt nạ ở từng thời đại. Ảnh: Sơn Trà.

Bìa sách "Storytelling - Lay động lòng người bằng chuyện kể" lấy cảm hứng từ những chiếc mặt nạ ở từng thời đại. Ảnh: Sơn Trà.

Bằng công thức “tìm - dựng - kể”, Nguyễn Trần Quang khuyến khích mỗi người trả lời câu hỏi “mình muốn kể gì?”, “chuyện này kể cho ai?”, “cảm xúc của họ sẽ ra sao?”... Đây là "chìa khóa" để giao tiếp hiệu quả với mọi đối tượng.

Trong thời đại công nghệ 4.0, tác giả khuyến khích sáng tạo câu chuyện hấp dẫn bằng cách đặt câu hỏi sắc bén. Khi trí tuệ nhân tạo phát triển, mọi câu trả lời đã có sẵn trên các ứng dụng, trang trình duyệt và mạng xã hội... Ứng dụng công nghệ để mỗi người đều hiện thực hóa trí tưởng tượng một cách hợp lý nhất.

Tiếc nuối cho thời đại của lớp trẻ, tác giả Nguyễn Trần Quang chia sẻ: “Một trong những điều thiệt thòi nhất của trẻ em thời nay là không được phát triển trí tưởng tượng qua những mẩu chuyện sâu sắc. Khi ánh sáng xanh từ màn hình thiết bị điện tử có sức hút hơn. Khoa học chứng minh rằng, đứa trẻ được nghe kể chuyện mỗi đêm trước khi ngủ đều có khả năng hình dung và tưởng tượng tốt hơn số còn lại”.

Sơn Trà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuon-sach-bat-mi-cong-thuc-ke-chuyen-lam-lay-dong-long-nguoi-2342723.html