Cuốn sách 'Chứng nhân lịch sử': Khắc họa những chân dung nhà báo là nhân vật của lịch sử

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản cuốn sách 'Chứng nhân lịch sử' (tập 1) của GS.TS Tạ Ngọc Tấn - nhà chính trị, nhà quản lý, nhà giáo, nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực, và nhà báo kỳ cựu của làng báo chí cách mạng Việt Nam.

Dành tình cảm và tâm huyết cho nghề làm báo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn từ lâu đã nung nấu ý định và bắt tay vào việc viết về chân dung một số nhà báo cách mạng Việt Nam tiêu biểu, mà Chứng nhân lịch sử là tập sách đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng này, trên cơ sở tổng hợp những nghiên cứu của GS.TS Tạ Ngọc Tấn từ những năm 1990 đến nay.

Bác Hồ - nhà báo Hồ Chí Minh, người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, là chân dung nhà báo Việt Nam đầu tiên được giới thiệu trong tập sách này. Các nhà báo tiếp theo được sắp xếp theo ngày, tháng, năm sinh để thuận lợi cho bạn đọc theo dõi dòng chảy của lịch sử, lần lượt là các nhà báo: Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Tất Tố, Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu, Trường Chinh, Phan Thanh, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy, Huỳnh Tấn Phát, Quang Đạm, Dương Tử Giang, Lưu Quý Kỳ, Hoàng Tùng, Trần Lâm, Thép Mới, Trần Bạch Đằng.

 GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho biết, viết về những nhà báo và sự nghiệp của họ, nhất là với những người làm báo để làm cách mạng, làm chính trị, là công việc chưa bao giờ là dễ.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho biết, viết về những nhà báo và sự nghiệp của họ, nhất là với những người làm báo để làm cách mạng, làm chính trị, là công việc chưa bao giờ là dễ.

Tác giả cuốn "Chứng nhân lịch sử" GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho biết, trong tiến trình lịch sử của dân tộc, báo chí không chỉ là nhân chứng phản ánh lịch sử, mà còn là một lực lượng tham gia vào mọi biến cố lịch sử, một động lực thúc đẩy sự vận động của các lĩnh vực đời sống xã hội, một sức mạnh góp phần làm nên những chiến công trong đấu tranh cách mạng, những tiến bộ trong xã hội và những thành tựu trong xây dựng, phát triển.

Các nhà báo là chủ nhân, những người trực tiếp làm nên và thúc đẩy sự phát triển của nền báo chí. Họ cũng chính là những nhân vật của lịch sử, những nhà cách mạng, những chiến sĩ có mặt trên trận tuyến đánh quân thù hay trong ngục tù đế quốc, và thậm chí có những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do, vì lý tưởng cách mạng cao đẹp.

"Trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy và tham gia làm báo, tôi may mắn có điều kiện được tiếp xúc, đọc và tập hợp, lưu giữ nhiều tài liệu liên quan đến các nhà báo, từ các tài liệu nghiên cứu, các hồi ký, đến các bài báo, các tờ báo, tạp chí. Từ sự cảm phục tài năng, nhân cách, trân trọng những giá trị lịch sử, nghề nghiệp mà các nhà báo tiền bối để lại, một phần cũng vì công việc chuyên môn, nên từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã bắt tay vào nghiên cứu và viết về chân dung một số nhà báo", GS.TS. Tạ Ngọc Tấn chia sẻ.

Hòa Giang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuon-sach-chung-nhan-lich-su-khac-hoa-nhung-chan-dung-nha-bao-la-nhan-vat-cua-lich-su-post272871.html