Cuốn sách 'Nước hoa hương gỗ' - Dung dị và thuần khiết
Khi tôi ngỏ lời muốn viết lời giới thiệu cuốn sách đầu tay mới xuất bản của tác giả Nguyễn Thị Phương Lan, chị vội xua tay.
Chị không muốn ồn ào, cho rằng mình chưa xứng đáng được nhắc đến, nhất là trên các tờ báo. Bên cạnh nhiều cây bút lớn, chị thấy mình bé nhỏ, non nớt. Thành tích không có gì đáng kể. Tuy nhiên, sau một hồi thuyết phục, chị dè dặt gật đầu.
Cầm trên tay cuốn sách Nước hoa hương gỗ của chị, tôi cứ nghĩ mình sắp tiếp nhận rất nhiều kiến thức về nước hoa. Cái tên sách xác thực đến thế cơ mà!
Nhưng tôi đã nhầm, cuốn sách không chủ định nói về nước hoa mà chỉ dùng hương nước hoa để dẫn dụ người đọc bước vào thế giới khác, thế giới của quá khứ, thế giới tưởng chừng như rất xa xôi nhưng nó vẫn hiện hữu quanh đây, phủ bóng lên cuộc sống hiện tại.
Tác giả Nguyễn Thị Phương Lan đã rất sáng suốt khi chọn truyện “Nước hoa hương gỗ” làm câu chuyện chủ điểm cho cuốn tuyển tập truyện ngắn đầu tay của mình. Vì là tập truyện ngắn đầu tay nên cuốn sách tập hợp những câu chuyện trong thời kỳ đầu sáng tác của tác giả. Đó là những tác phẩm còn đơn sơ, không mang nhiều kỹ thuật dựng truyện, ngôn từ không bóng bẩy, trau chuốt, nhưng bù lại, chúng dung dị, hồn nhiên, đời thường, gần gũi, thân thương đến lạ. Truyện ngắn “Nước hoa hương gỗ” chính là một đại diện cho điều đó. Đọc truyện ngắn này, tôi thấp thoáng thấy hình ảnh, tâm tư, tình cảm của mình trong đó. Từ một trò chơi viết thư để dưới hộc bàn tưởng chừng như vô thưởng vô phạt nhưng ngờ đâu nó lại liên quan đến cả một đời người. Câu chuyện vừa mang âm hưởng tình cảm, tình yêu học trò trong sáng, vô tư vừa mang một nỗi trăn trở, day dứt, đau đớn khôn nguôi trong lòng người đọc.
Các câu chuyện trong thì quá khứ còn thể hiện trong tác phẩm “Bà Tiếp”, “Suối nguồn tuổi thơ”... Qua những câu chuyện này, người đọc sẽ được trải nghiệm rất nhiều những điều vừa lạ vừa quen qua ngòi bút đặc tả sinh động của tác giả. Tuổi thơ ai cũng đã từng nghịch, từng chơi những trò đó, trăn trở, mơ ước những điều tương tự nhưng không phải ai cũng có thể rút chúng từ trong ký ức ra và bày biện lên trang giấy sinh động, thực đến từng chi tiết như tác giả. Đó chính là điều tôi nể phục ở chị.
Không dừng lại ở các câu chuyện trong quá khứ, nữ tác giả đã cho thấy sự trưởng thành dần lên qua các trang viết ở những tác phẩm viết về thời hiện đại. Đó là những nỗi đau của những đứa trẻ con không có một tuổi thơ đúng nghĩa (Quà của Thượng đế), đó là những lừa lọc chuyên nghiệp, bài bản của những đường dây, tổ chức đang diễn ra nhan nhản trong xã hội (Đôi tay gầy), những kẻ háo danh, lừa thầy phản bạn (Trói buộc, Trốn chạy)... Và sau những đau đớn, tức giận với cuộc sống hiện đại, tác giả lại xoa dịu tâm hồn bạn đọc với truyện ngắn nhẹ nhàng, thư thái như “”Khi người ta yêu…”, “Sự lạnh lùng… cần thiết”, “Bình hoa tươi mỗi sáng”, “Cơn gió ấm”... Qua những câu chuyện này, bạn đọc được an ủi vẫn còn những điều tốt đẹp trong đời, vẫn còn nhiều người sống có tình người, sống nghiêm túc, lý trí và có ích trong xã hội. Thông điệp của truyện “Bình hoa tươi mỗi sáng” rất rõ ràng: Bất cứ nghề nghiệp nào nếu không vi phạm pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục đều đáng trân trọng, người làm công việc đó nếu thực sự yêu thích, đam mê đều có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình.
Tác giả Nguyễn Thị Phương Lan là một cây bút mới, chị khá thận trọng với các câu chuyện của mình, không quá buông lỏng cảm xúc cũng không nén quá chặt. Cách viết của chị tự nhiên, trong sáng, thuần khiết, dung dị. Với cuốn sách đầu tay này, chị rụt rè tham gia thế giới của những người sáng tác. Còn rất nhiều bỡ ngỡ, lo lắng cho đứa con tinh thần đầu tiên “Nước hoa hương gỗ” nhưng chị không muốn nói nhiều đến các sáng tác của mình mà muốn dành sự cảm nhận cho bạn đọc.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cuon-sach-nuoc-hoa-huong-go-dung-di-va-thuan-khiet.html