Cuốn sách tôi chọn: 'Giáo dục tình cảm'

Tình yêu với những gam màu đa sắc của nó trong cuộc sống vẫn luôn là nguồn đề tài bất tận của các nhà văn từ xưa đến nay. Cuốn tiểu thuyết 'Giáo dục tình cảm' của nhà văn Gustave Flaubert đã nổi bật lên như một trong những cuốn tiểu thuyết có ảnh hưởng nhất thế kỷ 19 của văn học Pháp nói riêng và văn học thế giới nói chung.

Trong chuyên mục “Cuốn sách tôi chọn” hôm nay, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của cây bút trẻ Hiền Trang về cuốn sách “Giáo dục tình cảm” do NXB Đà Nẵng và PhanBook ấn hành để hiểu hơn lí do vì sao người ta lại nhận định đây không chỉ là một cuốn sách về lịch sử một cá nhân, mà đó còn là bức tranh xã hội rộng lớn về Paris trong cuộc cách mạng 1848.

Cây bút trẻ HIỀN TRANG: "“Giáo dục tình cảm” ra đời năm 1869 là một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Gustave Flaubert. Cuốn tiểu thuyết này được coi là một trong những kinh điển của văn học Pháp nói riêng và nền văn học thế giới nói chung.Đây là cuốn tiểu thuyết kể về chàng trai Frédéric Moreau vừa đỗ tú tài xong và anh có một niềm si mê kỳ lạ dành cho nhân vật nữ Marie Arnoux. Câu chuyện tình này được kể trên bối cảnh những cuộc cách mạng Pháp diễn ra và nó sẽ hình thành nên đệ nhị đế chế ở Pháp.

Điều đặc biệt của “Giáo dục tình cảm” đấy là vào thời điểm nó ra đời có rất nhiều người nói rằng đây là một cuốn sách không thể đọc được. Một phần lý do đến từ cách viết hoàn toàn khác của tác giả Flaubert so với các nhà văn thời đó. Khi đó ông đã ao ước viết một cuốn sách không nói về gì cả mà nó chỉ có một hấp lực nội tại duy nhất là phong cách. Vậy tác giả liệu có thể có một quyển sách không nói về gì cả không? Thực ra câu trả lời là không bởi vì chúng ta đều biết rằng câu chuyện này nói về một mối tình đơn phương…. Tuy nhiên chúng ta lại không thể phán xét được mối tình đấy. Cách viết của tác giả khiến cho chúng ta đặt ra những câu hỏi liệu nhân vật chính là anh hùng hay phản anh hùng, là người tốt hay người xấu?... Đó chính là điều đặc biệt nhất trong cuốn tiểu thuyết này, bởi bạn không thể phán xét được bất cứ ai, không thể phán xét được bất cứ điều gì. Và có lẽ đây là một trong những điều đáng nhớ nhất của cuốn sách “Giáo dục tình cảm”.

Để giới thiệu về tác giả Gustave Flaubert thì có lẽ phải bắt đầu từ câu chuyện nho nhỏ về Haruki Murakami – một nhà văn Nhật Bản. Trong cuốn truyện đầu tay của mình - Murakami (vốn là một người rất thích nhắc đến những nhà văn nổi tiếng trên thế giới) thì nếu chúng ta để ý một chút sẽ nhận thấy rằng cuốn “Giáo dục tình cảm” và tác giả Flaubert chính là nhà văn và tác phẩm đầu tiên được Murakami nhắc đến. Các nhà phê bình văn chương nói rằng tác giả Flaubert chính là nhà văn tiên phong cho chủ nghĩa hiện đại. Thực ra đến ngày hôm nay những kĩ thuật tự sự của Flaubert vẫn được sử dụng và thậm chí phần lớn các nhà văn trên thế giới hiện nay đều kể chuyện theo cách mà tác giả đã kể chuyện, mặc dù có thể chúng ta không nhận ra điều đó…

Đây có lẽ là một câu chuyện hay nhất về tình yêu. Chúng ta sẽ đọc đi đọc lại những trang viết của tác giả về tình yêu và chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng tình yêu là một điều quá bí ẩn mà chúng ta không sao hiểu được. Tất cả những điều đó vừa ngọt ngào nhưng cũng vừa bí ẩn và chúng ta sẽ quay đi quay lại để nghĩ về việc nhân vật nữ chính thật ra đang nghĩ gì, liệu nàng có tình yêu hay không nhưng những băn khoăn ấy sẽ không bao giờ được sáng tỏ và dường như đó chính là bản chất của tình yêu, mặc dù chúng ta không hiểu được nó nhưng chúng ta vẫn sẽ luôn hoài niệm về nó… Chi tiết gần cuối quyển sách khi người chồng của nhân vật nữ chính bị phá sản, toàn bộ gia tài bị tịch biên và những món đồ bị đem đi bán đấu giá, nhân vật nam chính mới đến nơi bán đấu giá đấy nhìn lại từng món đồ của người mình yêu, những tấm thảm còn in dấu chân nàng, cây đàn piano mà nàng từng chơi hay chiếc ghế mà nàng từng ngồi,…. Tất cả những hình ảnh đó đều rất đẹp, rất êm dịu và đầy tình yêu khiến cho chúng ta hiểu rằng con người dù sao đi nữa thì cũng không bao giờ sống thiếu được tình yêu."

Thực hiện : Hải Linh Linh Chi

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cuon-sach-toi-chon-giao-duc-tinh-cam