Cuốn sách tồn tại 600 năm, làm đau đầu nhiều nhà khoa học
Từ thế kỷ XV đến nay, không ít nhà nghiên cứu tìm cách hiểu các ký tự và hình vẽ bên trong 'Bản thảo Voynich'. Nhưng không ai dám chắc về điều họ thấy.
Khoảng 2/3 các trang sách của cuốn Bản thảo Voynich gồm các bản vẽ “bồn tắm” kỳ lạ.
Thỉnh thoảng, người đọc sẽ thấy cả những hình vẽ Mặt Trời, cung hoàng đạo và nhiều chữ, ký hiệu lạ kỳ. Đó chính là miêu tả về cuốn sách được cho là kỳ bí nhất thế giới - Bản thảo Voynich (600 năm) - chưa ai đọc hiểu được, theo National Geographic.
Ngôn ngữ lạ hay trò lừa bịp?
240 trang sách của Bản thảo Voynich làm đau đầu giới nghiên cứu suốt mấy trăm năm qua. Theo Telegraph, cuốn sách được các nữ tu Dominican thực hiện theo yêu cầu từ nữ hoàng Maria xứ Castille - cô của nữ hoàng Anh Catherine.
Năm 1912, nhà bán sách cổ người Ba Lan Wilfrid Voynich mua cuốn sách của một thư viện đại học ở Italy. Từ đó, nó trở thành tác phẩm bí ẩn, thu hút sự chú ý của hàng trăm nhà khoa học.
Nhiều người nghiên cứu nhưng không một ai dám kết luận về nội dung, ý nghĩa của cuốn sách. Hiện, ấn bản Bản thảo Voynich duy nhất được lưu trữ tại Thư viện Sách và Bản thảo quý hiếm của Beinecke (Yale, Mỹ).
Các nhà mật mã học đã cố gắng “bẻ khóa” Bản thảo Voynich, trong khi nhà ngôn ngữ học “đánh vần” từng ký hiệu. Nhóm nghiên cứu thực vật học lại đau đầu với các loại thực vật vừa giả vừa thật bên trong cuốn sách.
Theo The Verge, 3 giả thuyết chính xoay quanh ý nghĩa của Bản thảo Voynich.
Một là nó được thiết kế dưới dạng mật mã để che giấu bí mật nào đó.
Thứ hai, chẳng có Bản thảo Voynich nào cả, cuốn sách đơn giản là trò bịp bợm để lừa tiền người mua.
Thứ ba, ngôn ngữ trong sách có tồn tại nhưng con người chưa thể giải mã được.
Bước đầu lý giải "Bản thảo Voynich"
Cuốn sách dày đặc những hình vẽ và chữ viết lạ kỳ làm đau đầu nhiều nhà nghiên cứu, trong đó, có cả thiên tài Toán học người Anh Alan Turing.
Sau này, giáo sư ngôn ngữ học Stephen Bax (Đại học Bedfordshire, Anh) là một trong những nhà nghiên cứu tiêu biểu trong dự án khám phá Bản thảo Voynich. Năm 2014, ông tuyên bố giải mã tạm thời 10 từ và xác định được các giá trị âm thanh gần đúng với 14 ký hiệu trong bản thảo.
Nếu những suy luận của ông là chính xác, chúng sẽ là những từ đầu tiên được giải mã trong bản thảo kể từ khi Wilfrid Voynich phát hiện sách hơn 100 năm trước. Giáo sư Bax chia sẻ với The Verge rằng kết quả này là "bàn đạp cho việc giải mã đầy đủ bản thảo nói chung”.
Phương pháp giải mã 10 từ và 14 âm thanh của giáo sư Bax tương tự phương pháp mà Jean-François Champollion và Thomas Young sử dụng. Họ là những người đầu tiên giải mã chữ tượng hình Ai Cập.
Ông cũng tin chắc rằng bản thảo không phải trò đùa hay lừa đảo mà là mật mã dẫn tới “khám phá về tự nhiên”.
Quan điểm của Bax vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Chẳng hạn, Nick Pelling, chủ dự án Crypt Mysteries nghiên cứu và tập hợp nhận xét về tài liệu lịch sử được mã hóa trên thế giới, gọi các bài đọc của Bax là "chủ quan", "về cơ bản không thể thực hiện được" và "thật lố bịch".
Gần nhất, hồi tháng 5/2019, trên Telegraph, tiến sĩ Gerard Cheshire (Đại học Bristol) tuyên bố giải mã thành công Bản thảo Voynich, cho thấy nguồn gốc nhiều từ trong nhóm ngôn ngữ Roman. Theo ông, đoạn ghi chép trên khiến thiên tài Toán học Alan Turing không thể giải mã vì nó không phải mật mã.
Theo quan điểm của tiến sĩ Gerard Cheshire, đó là phiên bản nguyên thủy của những ngôn ngữ thuộc nhóm Roman như tiếng Pháp, Tây Ban Nha và Italy.
Cũng theo ông, Bản thảo Voynich là ví dụ duy nhất cho ngôn ngữ Ischia, hòn đảo ở vịnh Naples - nơi lâu đài Aragonese của Nữ hoàng Maria tọa lạc. Nhà nghiên cứu giải mã nó qua cụm từ “orla la”, có nghĩa là “gần như mất kiên nhẫn”. Đây là từ dùng trong ngữ cảnh người mẹ tắm cho con, từ gốc của nó có thể xuất phát từ cụm cảm thán “oh la la” - câu cửa miệng phổ biến trong tiếng Pháp.
Với cách suy luận như vậy, cụm “oleios” trong bản thảo gần giống với “olei” - tiếng Bồ Đào Nha nghĩa là “trơn trượt”. Trong khi đó, “tolora” có vẻ như bắt nguồn từ “tozos” của xứ Catalan, nghĩa là “ngu ngốc”.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần rất nhỏ trong cuốn sách. Hiện tại, nội dung của cuốn sách và mục đích sử dụng của nó vẫn là ẩn số.