Cuốn tiểu thuyết dã sử về tài nữ Đoàn Thị Điểm
Những câu chuyện xoay quanh đề tài người nữ sĩ trong sử Việt được chia sẻ trong buổi giao lưu ra mắt sách 'Nữ sĩ thời gió bụi' diễn ra tại Thư viện Quốc gia chiều ngày 16/4.
Buổi giao lưu có sự tham gia của tác giả Lê Phương Liên; Phó GS, TS Trần Thị Băng Thanh; nhà nghiên cứu lịch sử, tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương; bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ (đại diện cho đơn vị phát hành cuốn tiểu thuyết) và đông đảo bạn đọc yêu mến sách.
Hướng tới Ngày sách Việt Nam, nhà văn Lê Phương Liên cùng các khách mời có buổi trò chuyện về tác phẩm mới nhất của mình để tập trung làm rõ các vấn đề: “Thời gió bụi” là thời nào?, hình ảnh nữ sĩ Đoàn Thị Điểm được xây dựng trong cuốn tiểu thuyết dã sử ra sao?, thông điệp nhà văn muốn gửi gắm là gì?...
Cơ duyên đưa tác giả trở về “thời gió bụi”
Nhà văn Lê Phương Liên được độc giả biết đến là cây bút của truyện ngắn, truyện ký và tiểu thuyết. Ở thể loại nào ngòi bút của bà cũng luôn hướng tới thế giới trẻ em và đời sống học đường. Thế nhưng, với Nữ sĩ thời gió bụi, người đọc không khỏi ngạc nhiên trước ngã rẽ bất ngờ về đối tượng nhân vật của bà.
Tại buổi giao lưu ra mắt sách, nữ nhà văn chia sẻ, với cuốn tiểu thuyết dã sử đầu tiên này, bà gặp khá nhiều khó khăn khi phải xây dựng nên một hệ thống nhân vật đã có tên tuổi trong lịch sử. Việc không biết chữ Hán, chữ Nôm cũng là rào cản.
Thế nhưng, khó khăn không làm chùn bước cây bút “đã điểm hoa râm” này. Xúc cảm khi đứng trước mộ tài nữ Đoàn Thị Điểm đã dẫn bà đi đến quyết định viết nên cuốn sách.
Cơ duyên đến với bà cũng rất tình cờ: “Tôi gặp nhà báo Văn Hậu tại Văn Miếu Quốc Tử Giám vào Ngày thơ Việt Nam. Ông mời tôi đến làng Phú Xá để viếng mộ Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, rồi đề nghị tôi viết một cuốn sách về người tài nữ này vì tin rằng tác giả nữ sẽ đồng cảm khi viết về một nữ sĩ nổi tiếng trong lịch sử văn học nước nhà”, bà Lê Phương Liên kể.
Cũng trong sự kiện, nhà văn lý giải tiêu đề của cuốn sách. Bà hồi tưởng thời điểm khi được đọc câu thơ đầu tiên trong bài Chinh phụ ngâm: “Trời đất nổi cơn gió bụi”. Cái tên Nữ sĩ thời gió bụi được hình thành từ đây.
Bên cạnh đó, nữ nhà văn Lê Phương Liên còn tâm sự với độc giả rằng, khi viết về bậc nữ nhân kì tài trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam này, bà đã “hăng hái ngồi bên bàn phím, viết đêm viết ngày như là nhập đồng, như là có một nguồn lực siêu nhiên nào thôi thúc”.
Từ yếu tố lịch sử đến thông điệp được gửi gắm
Cuốn tiểu thuyết nhỏ gọn chỉ với năm chương (Con nuôi quan thượng thư; Tùng tàn, trúc gãy, chỉ còn mai xanh; Duyên phận kỳ nữ; Phu nhân Nguyễn Kiều; Thi nhân trong mưa biển) nhưng thâu tóm được toàn bộ cuộc đời đầy biến động của một nhà giáo, thầy thuốc, một nữ tác gia có tư tưởng, chính kiến và một tấm lòng nhân hậu.
Cũng trong buổi giao lưu ra mắt sách, nhà nghiên cứu lịch sử, tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương nhận xét: “Bối cảnh lịch sử trong câu chuyện của nhà văn Lê Phương Liên cho thấy sự băn khoăn, bế tắc, trăn trở của kẻ sĩ ở Việt Nam thời bấy giờ”.
Quả thực, viết về một người phụ nữ ba trăm năm trước sống trong lễ giáo phong kiến hà khắc mang đầy tư tưởng nam quyền là một thử thách lớn. Nhà văn Lê Phương Liên đã tìm ra cho mình cách tiếp cận dân dã mà đầy thuyết phục, đưa người đọc vào chuyến phiêu lưu lịch sử, để rồi đúc kết ra nhiều bài học cho thực tại.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc kiêm Tổng biên tập của NXB Phụ nữ Việt Nam - đánh giá cuốn tiểu thuyết đã thể hiện rất rõ phẩm chất người phụ nữ thời trung đại, đảm bảo hình ảnh đoan chính, có tài văn chương; đồng thời cũng có những phá cách, tự tin để làm chủ cuộc sống của mình.
“Nhân vật Đoàn Thị Điểm là hình tượng nữ học tiêu biểu cho Việt Nam thời đó. Biểu tượng đó còn nguyên giá trị trong thời đại hôm nay. Qua tác phẩm, chúng tôi muốn gửi gắm đến thế hệ phụ nữ hiện đại không chỉ ‘độc thiện kỳ thân’ - làm việc tốt cho riêng mình, mà còn phải đóng góp cho xã hội”, bà Hoa Phượng cho biết.
Cuốn tiểu thuyết dã sử đưa độc giả trải nghiệm đầy đủ nhân tình thế thái của một nữ sĩ thời gió bụi đầy xúc động và nhân văn, ghi dấu ấn và tầm vóc ảnh hưởng không hề nhỏ trong nền văn học nước nhà.
Nhà văn Lê Phương Liên sinh năm 1951 tại Hà Nội. Bà được biết đến với các tác phẩm: Những tia nắng đầu tiên, Khi mùa xuân đến, Khúc hát hạnh phúc, Ký ức ánh sáng, Câu hỏi trẻ thơ.
Bà từng đạt giải thưởng Bộ Giáo dục năm 1970 cho truyện ngắn Câu hỏi trẻ thơ; Huy chương Vì Thế hệ Trẻ cho hai tác phẩm Những tia nắng đầu tiên và Khi mùa xuân đến; và Huy chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1997.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuon-tieu-thuyet-da-su-ve-tai-nu-doan-thi-diem-post1205240.html