Cưỡng chế 2 doanh nghiệp không bàn giao mặt bằng tại Bãi Sau thành phố Vũng Tàu

Ngày 31/7, thông tin từ Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu cho biết, thành phố đã ban hành 2 quyết định cưỡng chế thu hồi đất do Công ty Cổ phần du lịch quốc tế Hải Dương và Công ty Cổ phần du lịch quốc tế Vũng Tàu đang sử dụng nằm trong diện tích 28ha phục vụ Dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân.

Mô hình quy hoạch Bãi Sau sẽ trở thành đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế.

Mô hình quy hoạch Bãi Sau sẽ trở thành đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế.

Quyết định số 5981/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất đối với diện tích 15.341m2 đất do Công ty xây lắp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (nay là Công ty Cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC) được Thủ tướng Chính phủ cho thuê đất theo Quyết định số 908/TTg ngày 30/11/1996 thuộc thửa đất thu hồi từ thửa số 01 đến số 45, tờ bản đồ số 01 theo sơ đồ vị trí được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh xác nhận ngày 16/6/2016.

Tuy nhiên, phần diện tích này đang do Công ty Cổ phần du lịch quốc tế Hải Dương sử dụng. Do đó, thành phố Vũng Tàu áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc tháo dỡ, di dời tài sản trên diện tích đất nói trên.

Một số doanh nghiệp đang tự nguyện tháo dỡ công trình.

Một số doanh nghiệp đang tự nguyện tháo dỡ công trình.

Tương tự, Quyết định số 5982/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu cưỡng chế thu hồi đất đối với diện tích 23.558,4m2 đất do Công ty xây lắp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ cho thuê đất theo Quyết định số 908/TTg ngày 30/11/1996 thuộc thửa đất thu hồi từ thửa số 46 đến số 112, tờ bản đồ 02 theo sơ đồ vị trí được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh xác nhận ngày 16/6/2016.

Hiện, phần đất này do Công ty Cổ phần du lịch quốc tế Vũng Tàu sử dụng. Do đó, thành phố Vũng Tàu áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc tháo dỡ, di dời tài sản trên diện tích đất nói trên.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu, khu đất 28ha này được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao cho Công ty xây lắp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện cải tạo, làm bãi tắm.

Đơn vị này sau đó đã cho 9 doanh nghiệp khác thuê đất, hạ tầng kinh doanh khách sạn, nhà hàng; trong đó, có Công ty Cổ phần du lịch quốc tế Vũng Tàu và Công ty Cổ phần du lịch quốc tế Hải Dương.

Khách sạn, nhà hàng của Công ty Cổ phần du lịch Quốc tế Vũng Tàu (địa điểm bị cưỡng chế).

Khách sạn, nhà hàng của Công ty Cổ phần du lịch Quốc tế Vũng Tàu (địa điểm bị cưỡng chế).

Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra quyết định thu hồi toàn bộ khu đất để thực hiện Dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân với tổng mức đầu tư hơn 1.094 tỷ đồng. Hiện 7/9 doanh nghiệp đã tự nguyện bàn giao đất, còn lại 2 doanh nghiệp này “chây ỳ” buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Trả lời phóng viên Báo Nhân Dân, ông Nguyễn Tôn Nhơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Vũng Tàu cho biết, trước đây công ty 100% vốn nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, năm 2003 được Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp giao đất khu vực bãi tắm Thùy Vân, thành phố Vũng Tàu có diện tích 23.558,4m2 để kinh doanh du lịch, được cấp giấy phép xây dựng số 13/GPXD ngày 12/3/2009 và số 02/GPXD ngày 4/1/2011.

“Từ thời điểm được giao khu đất (năm 2003) đến nay, Công ty chúng tôi trực tiếp quản lý, sử dụng, đầu tư để hoạt động kinh doanh đúng mục đích, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền thuê đất hằng năm theo thông báo từ cơ quan thuế.

Công ty luôn có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất và mở rộng hoạt động kinh doanh nên đã có rất nhiều văn bản xin phép ký hợp đồng thuê đất. Mặt khác, mặc dù Quyết định số 3141/QĐ-UBND ngày 15/9/2009 về việc cho Công ty Cổ phần du lịch quốc tế Vũng Tàu thuê đất với thời hạn thuê là 41 năm 9 tháng (kể từ ngày 28/2/2005) đã bị thu hồi nhưng không có văn bản nào điều chỉnh thời hạn công ty được sử dụng đất; do đó, công ty luôn xác định thời hạn được thực hiện hoạt động kinh doanh là từ ngày 28/2/2005 đến hết năm 2046 (41 năm 9 tháng). Cho nên, công ty chúng tôi đã đầu tư cơ sở vật chất khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn trên phần đất được giao”.

Ông Vũ Xuân Hậu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch quốc tế Hải Dương cho biết, trước đây công ty là đơn vị kinh tế Đảng trực thuộc Tỉnh ủy Hải Dương, quản lý, sử dụng và kinh doanh khu đất có diện tích 15.341m2 (trong đó diện tích bãi cát là 3.685,9m2) từ năm 1989 (trước khi công ty xây lắp được Thủ tướng giao đất), khi đó khu đất còn là rừng phòng hộ.

Khách sạn, nhà hàng của Công ty Cổ phần du lịch quốc tế Hải Dương (địa điểm bị cưỡng chế).

Khách sạn, nhà hàng của Công ty Cổ phần du lịch quốc tế Hải Dương (địa điểm bị cưỡng chế).

Như vậy, tại thời điểm thu hồi đất, hai công ty không có hợp đồng thuê đất nhưng đang sử dụng đất và nộp tiền thuê đất hằng năm. Do đó, được xác định là “Người sử dụng đất nộp tiền thuê đất hằng năm” quy định tại điểm a, khoản 1, điều 65, Luật Đất đai 2013.

Các công trình xây dựng được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đúng quy định, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hơn 200 lao động, thực hiện an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, rà soát để doanh nghiệp được thu hồi đất đúng đối tượng, được hỗ trợ cho hơn 200 cán bộ, công nhân viên mất việc làm khi thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật.

VŨ TÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cuong-che-2-doanh-nghiep-khong-ban-giao-mat-bang-tai-bai-sau-thanh-pho-vung-tau-post821880.html