Cưỡng chế giải phóng mặt bằng Dự án đường dây 500 KV Dốc Sỏi-Pleiku 2: Đúng quy định
Sáng 30-11, ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Pah-cho biết: UBND huyện vừa tiến hành cưỡng chế đối với 6 hộ dân không bàn giao mặt bằng để thi công 4 vị trí móng trụ thuộc Dự án đường dây 500 KV Dốc Sỏi-Pleiku 2. Việc cưỡng chế được chính quyền địa phương thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, vào trưa 28-11, một tài khoản mạng xã hội Facebook đã phát trực tiếp hình ảnh về buổi cưỡng chế của huyện Chư Pah đối với một hộ trồng cà phê trên địa bàn. Đi kèm với hình ảnh là những lời lẽ cho rằng chính quyền chưa thông báo cho người dân nhưng đã đưa phương tiện xuống nhổ cây cà phê. Hình ảnh trong đoạn clip trên cho thấy, diện tích cà phê này quả đã chín nhưng chưa thu hoạch. Clip này đã nhanh chóng lan truyền với hàng chục ngàn lượt chia sẻ trên mạng xã hội với nhiều bình luận tiêu cực về lực lượng cưỡng chế.
Theo UBND huyện Chư Pah, qua xác minh, cơ quan chức năng xác định, người phát trực tiếp hình ảnh buổi cưỡng chế trên mạng xã hội Facebook là anh Phan Tuấn-con trai ông Phan Văn Chi (trú tại tổ 10, phường Yên Thế, TP. Pleiku). Gia đình ông Chi nằm trong số 6 hộ dân bị huyện Chư Pah cưỡng chế giải phóng mặt bằng trong ngày 28-11. Hình ảnh trong clip là cảnh cưỡng chế tại vườn cà phê ở xã Nghĩa Hòa của gia đình ông Nguyễn Văn Thiên (trú tại thôn 7, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah).
Được biết, sáng 28-11, UBND huyện Chư Pah đã tiến hành cưỡng chế 3 hộ dân tại 3 vị trí móng trụ ở xã Ia Khươl. Công tác cưỡng chế tại đây đều đảm bảo an toàn, trật tự. Đến khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng chức năng địa phương tiếp tục cưỡng chế 3 hộ dân tại 1 vị trí móng trụ ở xã Nghĩa Hòa. Tại đây, gia đình ông Thiên đã cố tình không thu hoạch cà phê dù UBND huyện đã gửi thông báo sẽ tiến hành cưỡng chế từ ngày 29-10. Sau khi gửi thông báo, UBND huyện đã nhiều lần thuyết phục, vận động các hộ dân đồng ý với phương án đền bù của Nhà nước. Ngay sáng 27-11, UBND huyện cũng đã tổ chức buổi đối thoại lần cuối với 6 hộ dân về việc này. “Do đó, nói chính quyền không thông báo trước, không làm các thủ tục mà bỗng dưng đến cưỡng chế của người dân là không chính xác”-ông Nay Kiên khẳng định.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, đường dây 500 KV Dốc Sỏi-Pleiku 2, đoạn đi qua 5 xã, thị trấn của huyện gồm: Ia Khươl, Hòa Phú, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng và Phú Hòa có tổng chiều dài khoảng 19,6 km với 46 vị trí móng trụ. Diện tích đất phải thu hồi để thi công móng trụ là hơn 18.400 m2 của 53 cá nhân; tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 672.500 m2 của 273 hộ/355 thửa đất. Huyện Chư Pah đã thực hiện xong công tác kiểm kê, chi trả tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư ở 42/46 vị trí móng trụ; có 47/53 hộ dân đã đồng tình với phương án đền bù và tự nguyện bàn giao mặt bằng để thi công công trình, chỉ còn 6 hộ không thống nhất. Theo đó, 3 hộ có đất ở xã Nghĩa Hòa yêu cầu bồi thường 1,8-3,6 triệu đồng/cây cà phê trong khi giá Nhà nước đền bù là 480 ngàn đồng/cây; 3 hộ ở xã Ia Khươl yêu cầu bồi thường toàn bộ cây huỳnh đàn theo thực tế dù UBND huyện đã xác định số cây trồng này phát sinh sau thời điểm có dự án. Người dân cũng yêu cầu bồi thường 10 triệu đồng/cây sầu riêng kinh doanh, 5 triệu đồng/cây sầu riêng 3 năm tuổi, 5 triệu đồng/cây bơ, 2,5 triệu đồng/trụ hồ tiêu; phải đền bù đất và toàn bộ cây trồng dưới hành lang mà theo quy định không bồi thường cây cao dưới 4 m.
Ông Nay Kiên cho biết: “Chính phủ giao đến ngày 30-9-2019 phải hoàn thành công tác thu hồi đất và tiến hành bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Hầu hết các hộ dân đều đã thống nhất giao mặt bằng, chỉ còn một số ít vẫn không đồng tình dù các cấp, các ngành đã tích cực vận động, thuyết phục với nhiều biện pháp. Để đảm bảo đúng tiến độ, UBND huyện đã xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy; phía Công an huyện cũng đã xin ý kiến của Giám đốc Công an tỉnh để kiên quyết thực hiện cưỡng chế theo đúng quy định, bàn giao mặt bằng, không tạo ra tiền lệ xấu trong việc thu hồi đất của Nhà nước”.