Cưỡng chế hàng loạt công trình chiếm đất tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng

UBND quận Sơn Trà tiến hành cưỡng chế năm trường hợp xây dựng công trình sai phép trên bán đảo Sơn Trà sau nhiều lần vận động các chủ công trình tự tháo dỡ.

Video: Cưỡng chế hàng loạt công trình chiếm đất tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng

Sáng 17-4, UBND quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã tiến hành cưỡng chế năm trường hợp xây dựng công trình sai phép trên bán đảo Sơn Trà. Trước đó, năm trường hợp này đã bị UBND quận xử phạt vi phạm hành chính.

Xây dựng trên đất rừng

Cụ thể, UBND quận Sơn Trà quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính trước đó của Chủ tịch UBND quận đối với bà Nguyễn Thị Hiên (70 tuổi), ông Lê Viết Tiến (68 tuổi), ông Trần Viết Tuân (52 tuổi), ông Đinh Tài (59 tuổi, cùng trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) và ông Nguyễn Xuân Cương (63 tuổi, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng).

Lực lượng chức năng đọc quyết định cưỡng chế. Ảnh: NGÔ QUANG

Lực lượng chức năng đọc quyết định cưỡng chế. Ảnh: NGÔ QUANG

Các cá nhân này đã có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 91 ngày 19-11-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Lực lượng chức năng tiến hành tháo dỡ lán trại của ông Trần Viết Tuân. Ảnh: NGÔ QUANG

Lực lượng chức năng tiến hành tháo dỡ lán trại của ông Trần Viết Tuân. Ảnh: NGÔ QUANG

Theo đó, các cá nhân đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp, và xây dựng công trình trên đất rừng sản xuất là rừng trồng ở bán đảo Sơn Trà tại tiểu khu 64 và tiểu khu 62 không được cơ quan thẩm quyền cho phép.

Căn cứ diện tích vi phạm, UBND quận Sơn Trà đã ra quyết định xử phạt các cá nhân trên với số tiền từ 5 triệu-12,5 triệu đồng. Đồng thời, buộc tháo dỡ các công trình vi phạm trên đất, khắc phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Các nền bê tông sẽ được đập để trả lại nguyên hiện trạng ban đầu. Ảnh: NGÔ QUANG

Các nền bê tông sẽ được đập để trả lại nguyên hiện trạng ban đầu. Ảnh: NGÔ QUANG

Mặc dù chính quyền TP Đà Nẵng đã vận động, thậm chí ra "tối hậu thư" buộc các chủ công trình xây dựng trái phép, chiếm đất rừng này phải tháo dỡ, hoàn trả hiện trạng ban đầu nhưng đến nay nhiều hộ kinh doanh, chủ đầu tư dịch vụ du lịch vẫn không chấp hành, vẫn tổ chức kinh doanh du lịch, dịch vụ ăn uống.

Vào ngày 31-3, UBND quận Sơn Trà tiếp tục yêu cầu các hộ này di dời, tháo dỡ công trình sai phép trước ngày 17-4. Nhưng sau 15 ngày, các hộ dân không tự nguyện chấp hành nên bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Kiên quyết cưỡng chế tháo dỡ

Theo ông Hoàng Công Thanh (Phó chủ tịch quận Sơn Trà) cho biết, hiện quận đang tiến hành tháo dỡ các công trình tại tiểu khu 64 trước và sẽ đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước lễ 30-4. Sau lễ 30-4, 1-5 quận sẽ tiếp tục tiến hành phía bờ Đông bán đảo Sơn Trà.

“Về phương án cưỡng chế tháo dỡ, UBND quận đảm bảo việc thực hiện quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình tổ chức cưỡng chế, di dời tài sản của hộ dân phải đảm bảo kiên quyết, nhanh chóng, an toàn tuyệt đối, an ninh trật tự, đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, quận bố trí thêm xe cứu thương và lực lượng an ninh để không xảy ra tình hình phức tạp về an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông khu vực cưỡng chế, an toàn về người và phương tiện khi tham gia cưỡng chế”, ông Thanh cho hay.

Lực lượng hỗ trợ đem tài sản người dân ra khỏi khu vực cưỡng chế. Ảnh: NGÔ QUANG

Lực lượng hỗ trợ đem tài sản người dân ra khỏi khu vực cưỡng chế. Ảnh: NGÔ QUANG

Trước đó, từ tháng 10-2016, Thanh tra TP Đà Nẵng đã chỉ rõ, có tổng cộng 68 công trình xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà (từ 1997 đến 2010) phải tháo dỡ, hoàn trả hiện trạng ban đầu. Việc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (cũ) giao khoán đất rừng đặc dụng có rừng tự nhiên cho các hộ gia đình để thực hiện trồng rừng và phát triển kinh tế vườn là trái quy định tại Nghị định 01 ngày 14-1-1995 của Chính phủ.

Tuy nhiên, quá trình rà soát, xử lý do vướng thủ tục hồ sơ pháp lý, nên đến nay UBND quận Sơn Trà mới vận động và tháo dỡ được 10/68 trường hợp xây dựng trái phép theo kết luận thanh tra. UBND quận Sơn Trà đề ra lộ trình đến năm 2025 sẽ xử lý dứt điểm toàn bộ 58 công trình còn lại.

NGÔ QUANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/cuong-che-hang-loat-cong-trinh-chiem-dat-tai-ban-dao-son-tra-da-nang-post729104.html