Cưỡng chế thi hành án
Hết thời hạn đã ấn định mà người sử dụng lao động không thực hiện thì chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án
Lý Hồng Anh (quận Tân Bình, TP HCM) hỏi: "Do có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định pháp luật nên vừa qua tòa án đã tuyên buộc công ty phải bồi thường và nhận tôi trở lại làm việc. Tuy nhiên, đã 2 tháng qua công ty vẫn không chịu nhận tôi làm việc trở lại. Tôi phải khiếu nại ở đâu?".
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, trả lời: Luật thi hành án dân sự quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án. Nếu công ty không tự nguyện thi hành án thì chị có thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đến cơ quan thi hành án dân sự cấp quận, huyện để được hỗ trợ. Đối với trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định. Cụ thể, trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) không nhận người lao động trở lại làm việc theo bản án, quyết định thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền đối với NSDLĐ là cá nhân hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng lao động, đồng thời ấn định thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để NSDLĐ thực hiện việc nhận người lao động trở lại làm việc. Hết thời hạn đã ấn định mà NSDLĐ không thực hiện thì chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/cuong-che-thi-hanh-an-20200913215340863.htm