Cường độ động đất trong khu vực huyện Kon PLông có thể lên tới 5,5

Trong 2 ngày 23 và 24/8, tại huyện Kon PLông, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra 12 trận động đất khiến người dân hoang mang, lo sợ. Theo nhận định sơ bộ của Viện Vật lý địa cầu, cường độ động đất trong khu vực có thể lên tới 5,5. Vì vậy cần phải có hướng dẫn, tuyên truyền để tránh gây tâm lý lo sợ trong nhân dân.

Ông Trần Quang Hoài chủ trì họp bàn biện pháp ứng phó với động đất ở Kon Tum. Ảnh: Ngọc Hà

Ông Trần Quang Hoài chủ trì họp bàn biện pháp ứng phó với động đất ở Kon Tum. Ảnh: Ngọc Hà

Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết, trong thời gian gần đây, động đất xảy ra thường xuyên và có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cụ thể: Từ năm 1903 đến năm 2020 (117 năm) đã ghi nhận 33 trận động đất có cường độ 2,5 - 3,9.

Từ tháng 2/2021 động đất xuất hiện và có xu hướng gia tăng. Theo ghi nhận của Viện Vật lý địa cầu, trong năm 2021, ghi nhận 114 trận động đất tại địa phương này và trong 8 tháng năm 2022 tiếp tục xảy 146 trận động đất. Đáng chú ý, từ ngày 15-28/4/2022, đã xảy ra liên tiếp 41 trận với cường độ 2,5 - 4,5, trong đó ngày 15/4 xảy ra trận động đất có cường độ 4,1 và ngày 18/4 động đất có cường độ 4,5.

Từ ngày 23-24/8/2022, đã xảy ra liên tiếp 12 trận động đất với cường độ từ 2,5 - 4,7, trong đó trận động đất lúc 14 giờ 8 phút ngày 23/8 có cường độ 4,7 (tương đương cường độ động đất tại thủy điện Sông Tranh 2). Theo nhận định sơ bộ của Viện Vật lý địa cầu, cường độ động đất trong khu vực có thể lên tới 5,5.

Trận động đất cường độ 4,7 vào hồi 14 giờ 8 phút ngày 23/8 đã gây rung chấn trong khu vực huyện Kon Plong và các địa phương lân cận (Quảng Nam, Đà Nẵng).

Ngay sau khi xảy ra động đất, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo tổ chức 2 đoàn công tác của huyện Kon Plong kiểm tra, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà ở của nhân dân, trụ sở làm việc, trường học, y tế và các công trình cơ sở hạ tầng; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống...

Đại diện tỉnh Kon Tum cho biết, trên địa bàn huyện Kon Plông từ đầu tháng 4 đến nay xảy ra 24 trận động đất, gần đây nhất là trận động đất xảy ra ngày 23/8 có cường độ 4,7 gây rung lắc mạnh, ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của người dân trên địa bàn.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 80 hồ đập chủ yếu là hồ đập nhỏ, hiện vẫn đảm bảo an toàn. Trên địa bàn huyện Kon Plong có 3 công trình thủy điện nhưng có thiết kế chống chịu động đất cao nhất là cấp 7 và cấp 8. Sau khi xảy ra động đất, qua kiểm tra thực tế, chính quyền huyện Kon Plông chưa phát hiện thiệt hại về người và tài sản, chỉ có 1 hộ dân bị rơi ngói trên mái nhà, tuy nhiên người dân có tâm lý hoang mang, lo lắng.

Trước mắt, huyện Kon Plông đã xây dựng sổ tay tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng phòng, chống động đất và tờ rơi phát cho người dân, ổn định tư tưởng, tránh hoang mang.

Ông Đặng Thành Nam, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho hay: "Trận động đất có cường độ 4,7 không gây thiệt hại về người và tài sản, nhưng đã khiến người dân hoang mang lo sợ. Chúng tôi đã chia lực lượng xuống các địa bàn các xã, trong đó đặc biệt là tại các lòng hồ thủy điện để tuyên truyền cho bà con an tâm lao động, sản xuất".

Theo ông Lê Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng) mức độ động đất xảy ra ở Kon Tum trong thời gian qua nằm ở dưới cấp 6 theo quy chuẩn của Việt Nam.

“Khu vực xảy ra động đất liên tiếp thời gian qua ở Kon Tum ở mức độ thấp, không ở mức độ nghiêm trọng nên không đáng lo ngại. Tức là các công trình hoàn toàn có thể chống chịu được và không ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Vì vậy các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ được thông tin và tránh hoang mang không cần thiết”, ông Long nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai (PCTT) bàn phương án để chủ động ứng phó với tình hình động đất diễn biến phức tạp tại huyện Kon Plông (Kon Tum) diễn ra chiều 24/8, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT đề nghị cần nhanh chóng lắp đặt các thiết bị quan trắc động đất đồng thời cần đánh giá nguyên nhân, xem xét việc tích nước ở các hồ đập thủy điện ở Kon Tum, liệu có liên quan đến động đất hay không?

Ông Trần Quang Hoài yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần đặc biệt lưu ý và đánh giá mức độ và đưa ra các phương án ứng phó khi cường độ động đất có thể lên đến 5,5 độ richter liệu chấn động có thể ảnh hưởng nặng nề đến các công trình hay không. Cần rà soát toàn bộ các công trình trong khu vực 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, trong đó đặc biệt chú ý đến công trình nhà tạm có người dân ở, các công trình công cộng chưa được sửa chữa…

Bên cạnh đó, cần thông tin tuyên truyền kịp thời để người dân chủ động ứng phó và yên tâm hoạt động sản xuất, tránh gây hoang mang không cần thiết.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cuong-do-dong-dat-trong-khu-vuc-huyen-kon-plong-co-the-len-toi-55-post453847.html