Cường độ nắng nóng tiếp tục gia tăng trên diện rộng

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (5-5), ở Bắc Bộ, phía bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 đến 37 độ C, riêng phía tây Bắc Bộ và vùng núi các tỉnh bắc và Trung Trung Bộ có nơi hơn 38 độ C; ngày 6-5, có nắng nóng đến nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 đến 38 độ C, riêng phía tây Bắc Bộ và vùng núi các tỉnh bắc và Trung Trung Bộ có nơi hơn 39 độ C; độ ẩm thấp nhất trong ngày từ 35 đến 50%.

 Ðoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác tái đàn tại trại heo Hoa Phượng, huyện Vĩnh Cửu (Ðồng Nai). Ảnh: NHA MẪN

Ðoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác tái đàn tại trại heo Hoa Phượng, huyện Vĩnh Cửu (Ðồng Nai). Ảnh: NHA MẪN

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (5-5), ở Bắc Bộ, phía bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 đến 37 độ C, riêng phía tây Bắc Bộ và vùng núi các tỉnh bắc và Trung Trung Bộ có nơi hơn 38 độ C; ngày 6-5, có nắng nóng đến nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 đến 38 độ C, riêng phía tây Bắc Bộ và vùng núi các tỉnh bắc và Trung Trung Bộ có nơi hơn 39 độ C; độ ẩm thấp nhất trong ngày từ 35 đến 50%.

Từ ngày 7 đến 10-5, cường độ nắng nóng tiếp tục gia tăng, nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 đến 40 độ C, có nơi hơn 40 độ C; độ ẩm thấp nhất trong ngày phổ biến 30 đến 45%. Từ ngày 5 đến 10-5, nắng nóng xảy ra ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ, cục bộ ở Nam Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 đến 37 độ C, có nơi hơn 37 độ C. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.

Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị vừa đề nghị UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho sửa chữa, nâng cấp 23 hồ chứa bị hỏng, xuống cấp với kinh phí hơn 349 tỷ đồng để bảo đảm an toàn công trình trước mùa mưa lũ 2020. Hiện, tỉnh có 131 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế gần 423 triệu mét khối nước, phục vụ tưới cho 25 nghìn héc-ta đất canh tác, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt.

Ðến cuối tháng 4, mực nước còn lại trong các hồ chứa thủy lợi tại tỉnh Bình Thuận là 27,45 triệu mét khối, chỉ đạt hơn 10% dung tích thiết kế và bằng một phần ba mực nước trung bình nhiều năm. Trong đó, hồ Tà Mon, nơi cấp nước cho khoảng 1.475 ha trồng thanh long cũng đang thiếu nước nghiêm trọng. Nhiều địa phương trong tỉnh không còn nước để sản xuất, chỉ ưu tiên nước sinh hoạt...

Ngày 4-5, Tổng cục Thủy lợi kiểm tra công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 tại tỉnh Sóc Trăng. Theo báo cáo, nhờ được dự báo và có kế hoạch ứng phó hạn, mặn, nhiều diện tích cây trồng của tỉnh đã giảm được thiệt hại. Tuy nhiên, ảnh hưởng hạn mặn đã làm thiệt hại hơn 4.000 ha lúa, 140 ha rau màu và gần 26 nghìn hộ dân nông thôn thiếu nước sạch sinh hoạt…

Theo Cục Kiểm lâm, hiện nhiều diện tích rừng đã nhiều ngày không có mưa, trong khi đó thời tiết đang tiếp tục nắng nóng, khô hanh, có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Các địa phương có rừng đang ở mức cảnh báo cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) gồm: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh. Các địa phương có rừng ở mức cảnh báo cháy cấp IV (cấp nguy hiểm) gồm: Gia Lai, Ðắk Lắk. Cục Kiểm lâm đề nghị các địa phương kể trên thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

Chiều 4-5, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết, đã khắc phục xong sự cố vỡ đập Kinh Ðứng (ấp 2, xã Khánh Lâm) và đập kênh Hai Chu (ấp 15, xã Nguyễn Phích), huyện U Minh (Cà Mau). Trước đó, vào đêm 30-4, triều cường đột ngột dâng cao đã tràn nước qua đập, gây xói lở và vỡ đập Kinh Ðứng và đập kênh Hai Chu khoảng 3 m. Ngay khi sự cố xảy ra, chính quyền, cơ quan chức năng Cà Mau huy động phương tiện, máy móc… để tập trung khắc phục sự cố.

Ngày 4-5, Ðoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) kiểm tra việc tái đàn lợn tại các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương. Ðồng Nai là địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất cả nước, với khoảng 2,1 triệu con. Trong năm 2019, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) khiến khoảng 450 nghìn con lợn bị tiêu hủy. Ðến nay, tỉnh đã chi hỗ trợ 668 tỷ đồng các hộ có lợn bị tiêu hủy. Tỉnh đang tích cực tổ chức tái đàn, phấn đấu đến cuối năm nay tổng đàn lợn đạt 2,5 triệu con, bằng trước thời điểm xảy ra dịch. Tại Bình Dương, hiện tất cả các địa phương trong tỉnh đều đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Thực hiện tốt việc tái đàn, đến hết quý I, tổng đàn lợn của tỉnh là 785.841 con, giảm không đáng kể so với trước khi xảy ra dịch.

Tổng đàn lợn của TP Hải Phòng hiện có 137 nghìn con, bằng 42% tổng đàn trước DTLCP. Ðến nay, địa phương có 1.998 cơ sở chăn nuôi lợn tái đàn với khoảng 66.331 con. Tuy nhiên, việc tái đàn phát triển mạnh ở các trang trại và gia trại, còn chăn nuôi nhỏ lẻ diễn ra chậm và gặp nhiều khó khăn do giá lợn giống đang ở mức cao từ 2 đến gần 3 triệu đồng/con, đồng thời việc bảo đảm an toàn sinh học chưa tốt.

Tỉnh Kiên Giang vừa công bố hết DTLCP trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các địa phương tập trung hướng dẫn người nuôi thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học... Tỉnh đã tái đàn được hơn 30 nghìn con, chủ yếu ở các trang trại của Công ty CP. Ðến nay, tổng đàn lợn của tỉnh khoảng 186.800 con, chỉ bằng 57% so cùng kỳ năm 2019.

Ngày 4-5, Ðoàn công tác của Bộ NN và PTNT kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa xuân trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Vụ xuân năm 2020, Thái Bình có 76.200 trên tổng số 77.113 ha lúa nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, 20 nghìn héc-ta nhiễm rầy các loại... Bộ NN và PTNT yêu cầu tỉnh cần tiếp tục theo sát đồng ruộng, tổ chức phòng, trừ các đối tượng sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn hại cổ bông, rầy các loại theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn...

Chiều tối 3-5, mưa lớn kèm lốc xoáy bất ngờ đã khiến nhiều nhà dân ở các huyện miền núi cao Quế Phong và Con Cuông (Nghệ An) bị tốc mái. Tại xã Quang Phong (Quế Phong), lốc xoáy khiến 52 ngôi nhà, ba phòng học của trường mầm non tốc mái, một người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu đồng. Còn tại bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông) lốc xoáy làm 19 nhà dân bị ảnh hưởng, 1 ha cây hoa màu và 3 ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44349402-cuong-do-nang-nong-tiep-tuc-gia-tang-tren-dien-rong.html