Cương quyết xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu
'Bộ Nội vụ là một trong những cơ quan đầu tiên xây dựng mô hình một cửa tại đơn vị cấp Bộ. Đến giờ này mọi giao dịch đối với khách hàng bên ngoài chúng tôi có mô hình một cửa. Tôi cũng đề nghị tất cả các vị đại biểu Quốc hội, nếu phát hiện cán bộ, công chức của ngành nội vụ vi phạm đạo đức công vụ hoặc gây khó khăn trong thực hiện công vụ đối với các bộ, ngành, địa phương thì cung cấp thông tin cho Bộ trưởng, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật', Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định.
Sáng 9/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội xoay quanh vấn đề tuyển dụng công chức, viên chức, đạo đức công vụ…
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, về các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, Chính phủ không ban hành nghị định riêng mà được lồng ghép vào các nghị định có liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng. Do đó, về các chính sách tuyển dụng hiện nay đối với người dân tộc thiểu số là thành công, đối tượng sau khi tốt nghiệp THPT được cử tuyển đi học đại học, áp dụng theo hình thức xét tuyển, không qua thi tuyển.
Chính sách ưu tiên áp dụng đối với người dân tộc thiểu số; những người tình nguyện về công tác ở vùng khó khăn trên 5 năm; đối với những người tốt nghiệp xuất sắc ở nước ngoài và chính sách thu hút tài năng trẻ về công tác ở vùng dân tộc thiểu số.
Chính phủ cũng quy định đối với tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc trong tổng số biên chế được giao, nằm trong tỷ lệ lao động là từ 15% đến 70%. Đối với những người làm việc ở vùng dân tộc thì phải có tỷ lệ nhất định là người dân tộc trong cơ cấu của cán bộ, công chức và viên chức. Người dân tộc thiểu số khi được tuyển dụng thì được miễn thi ngoại ngữ và tin học.
Còn nếu người dân tộc thiểu số mà công tác ở các vùng miền khác, không phải là địa bàn đặc biệt khó khăn khó khăn thì thi tuyển như nhưng các dân tộc khác. Khi thi tuyển, người dân tộc thiểu số được cộng thêm điểm ưu tiên. Đối với cán bộ, công chức, viên chức thi nâng ngạch hoặc thăng hạng viên chức, người dân tộc thiểu số sẽ được miễn thi ngoại ngữ. Đây là chính sách rất rõ ràng. Mới đây Chính phủ đã sửa đổi Nghị định 53 thành Nghị định 104 ngày 4/9/2020 đối với nữ Ủy viên Thường vụ của cấp tỉnh thì được kéo dài tuổi công tác đến 60. Để triển khai Quyết định 240, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ để ban hành Quyết định số 771 ngày 26/6/2018 Đề án bồi dưỡng kiến thức về dân tộc thiểu số đối với những vùng có tỷ lệ dân trí thấp.
Trả lời ý kiến của đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) về vấn đề bồi dưỡng những người không chuyên trách, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Hà Tĩnh là một địa phương có tổ chức, sắp xếp lại thôn, tổ dân phố và sử dụng người hoạt động không chuyên trách. Đây là một điểm sáng của cả nước. Đối với người hoạt động không chuyên trách, hiện nay theo quy định của Nghị định 101 về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thì chưa có đối tượng này.
“Tôi xin cảm ơn đại biểu Nguyễn Sơn và ghi nhận ý kiến của đại biểu Nguyễn Sơn. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu phải có chương trình bồi dưỡng cho những người hoạt động chuyên trách. Bởi vì đây cũng là người thực thi pháp luật tới địa phương và theo phân cấp quản lý thuộc trách nhiệm của các trường chính trị của cấp tỉnh. Chúng tôi sẽ có hướng dẫn để làm vấn đề này”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Thị Kim Nhung, đề nghị Bộ trưởng cho biết “Quét rác nhà mình trước, rồi mới quét rác nhà người khác như thế nào?”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Ban cán sự Đảng của Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị quyết số 280 giải quyết những vấn đề về trật tự, kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan, đơn vị và thực hiện vấn đề chính trị nội bộ. Đã thành lập tổ công tác của Ban cán sự Đảng để giải quyết vấn đề này.
“Trong thời gian qua chúng tôi đã rà soát tất cả những đơn vị trực thuộc Bộ có những vấn đề liên quan đến việc phải điều chỉnh theo Nghị quyết số 280 này. Tất cả những trường hợp này đều được xem xét xử lý cách công khai, minh bạch và đã tiến hành kỷ luật một số cán bộ, công chức đã vi phạm. Điều chuyển, bố trí lại vị trí không phù hợp, đảm bảo củng cố, xây dựng nội bộ của từng đơn vị đoàn kết”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, năm 2017 Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ được Ban Bí thư gợi ý kiểm điểm 8 đơn vị có liên quan về vấn đề này và đến giờ này Bộ Nội vụ cơ bản đã xử lý, giải quyết cả 8 đơn vị này. Riêng đối với vấn đề thực thi nhiệm vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng: Khi kiểm tra ở các địa phương, phê bình địa phương và các bộ, ngành về thực thi công vụ thì Bộ Nội vụ phải rút kinh nghiệm cho chính mình và Bộ phải làm trước.
“Do đó, trong vấn đề tuyển dụng sai thời gian vừa qua, không đúng theo Kết luận 43 và 71 thì chúng tôi cũng đã tiến hành trả lại, giống như các đơn vị khác, không có gì ưu tiên”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, vấn đề sử dụng biên chế, tinh giản biên chế thì Bộ Nội vụ ít nhất là phải bằng và tốt hơn các đơn vị khác. Vừa qua Bộ Nội vụ đăng ký tinh giảm biên chế dự kiến năm 2021 là 12,5%, sau đó Chính phủ gợi ý là làm bằng mặt bằng chung là 10% trước. Sau khi điều chỉnh về vị trí việc làm, sắp xếp các đơn vị hành chính, sau khi các nghị định của Chính phủ ban hành sẽ tiếp tục các giai đoạn sau về tinh giản biên chế.