Cứu bệnh nhân 34 tuổi mắc Covid-19 từng nguy kịch
Bác sĩ Trần Thanh Linh, Bệnh viện Chợ Rẫy, người điều trị bệnh nhân, đánh giá đây là trường hợp điển hình cho các ca mắc Covid-19 trẻ, diễn biến nặng nhanh.
Sáng 4/6, Bệnh viện Phổi Bắc Giang, đơn vị điều trị các ca mắc Covid-19 tiên lượng nặng, cho biết bệnh nhân B.V.G., 34 tuổi, đã được cai máy thở sau 12 ngày điều trị. Anh cũng vừa có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với nCoV.
Đây là ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Bắc Giang phải thở máy. BSCKII Trần Thanh Linh, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, là người trực tiếp điều trị cho ca bệnh này. Ông cho biết tình trạng của anh G. là điển hình cho những ca mắc Covid-19 trẻ nhưng chuyển biến nặng.
“Đây là ca nặng đầu tiên mà đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận và quyết định phải đặt nội khí quản luôn. Bệnh nhân trẻ và có tình trạng nặng, nhiều thời điểm tưởng phải can thiệp ECMO. Nhưng sau đó, anh đã được điều trị thành công bằng thở máy. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, có thể ăn uống, xét nghiệm ngày 3/6 cho kết quả âm tính lần một”, BS Linh nói thêm.
Sáng 4/6, khi vừa thoát “cửa tử”, anh G. viết lời cảm ơn tới các bác sĩ điều trị và đề nghị chụp ảnh chung với ê-kíp thầy thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy. “Với chúng tôi, tin vui này tiếp thêm động lực để y, bác sĩ có tinh thần chiến đấu”, BS Linh chia sẻ.
Trước đó, anh G. có kết quả dương tính với nCoV ngày 21/5. Hai ngày sau, anh được đưa đến Trung tâm Y tế Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, do ho nhiều, tức ngực, sốt. Chỉ 3 ngày sau, bệnh nhân bắt đầu khó thở, được chuyển tới Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Tại đây, các bác sĩ chỉ định người bệnh thở oxy, điều trị kháng sinh, bù điện giải, hạ sốt, nhưng tình trạng không cải thiện.
Đến 14h ngày 26/5, bệnh nhân được chỉ định thở máy không xâm nhập, song tình trạng bệnh cải thiện kém, sốt nhiều, kéo dài liên tục, suy hô hấp. 22h ngày 27/5, anh G. được chỉ định thở máy qua ống nội khí quản, lọc máu, sử dụng an thần, giãn cơ, kháng sinh, corticoid, chống đông, bù điện giải, long đờm. Lúc này, tình trạng bệnh có tiến triển tốt dần.
Đến 0h ngày 31/5, bệnh nhân ngưng lọc máu, thở máy SIMV. 16 giờ sau, người đàn ông 34 tuổi được ngừng an thần, thở SIMV đáp ứng tốt.
9h30 ngày 2/6, anh được rút ống nội khí quản, kết thúc thở máy, chuyển sang thở máy không xâm nhập. Theo kết quả đánh giá từ bệnh viện, tình hình sức khỏe của anh G. tiến triển tốt, đáp ứng tốt với điều trị, sinh hiệu ổn định.
Theo bác sĩ Linh, ngoài trường hợp của anh G., Bệnh viện Phổi Bắc Giang đang điều trị cho 5 ca thở máy, lọc máu, trong đó có hai người phải can thiệp ECMO. Một trường hợp là nam, 61 tuổi, tín hiệu khả quan, hy vọng diễn biến thuận lợi trong vài ngày tới. Các thầy thuốc đang cố gắng giảm từng thông số để cai ECMO, nhưng bác sĩ Linh nhận định chắc chắn bệnh nhân vẫn phải tiếp tục thở máy.
Trường hợp thứ hai là nữ bệnh nhân 65 tuổi, được đặt ECMO ngày 3/6 trên nền béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường. Bà có tổn thương phổi diễn biến rất nhanh, chặn khí và suy hô hấp, tụt huyết áp nhanh nên phải đặt ECMO. Đến sáng 4/6, huyết áp của bệnh đã ổn định, oxy máu cải thiện, tuy nhiên, tiên lượng vẫn nặng và phụ thuộc ECMO.