Cứu bệnh nhân bằng kỹ thuật can thiệp mạch vành

Ê kíp của Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên can thiệp mạch vành cho một bệnh nhân. Ảnh: YÊN LAN

Sau một thời gian được Bệnh viện Thống Nhất đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã chụp và can thiệp mạch vành cho gần 50 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên. Một số ca có biến chứng nặng nề, nguy hiểm, ê kíp đã giành giật lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần.

Ca can thiệp cấp cứu “made by Phu Yen” đầu tiên

Sau khi chịu đựng những cơn đau thắt ngực suốt mấy tiếng đồng hồ, hơn 18 giờ ngày 26/1/2019, ông C.Q.V (sinh năm 1954, ở phường 4, TP Tuy Hòa) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên với bệnh cảnh nhồi máu cơ tim.

Theo BSCKII Châu Khắc Toàn, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, phụ trách Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, điện tâm đồ cho thấy bệnh nhân V bị nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên vùng dưới. Nếu không được điều trị tái tưới máu cơ tim kịp thời, bệnh nhân sẽ bị rối loạn nhịp, có thể tử vong; nếu qua khỏi thì cũng bị suy tim vì một phần cơ tim đã chết do không có máu tưới. Sau khi hội chẩn và trao đổi với chuyên gia thông tim ở Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tiến hành can thiệp mạch vành để tái tưới máu cơ tim.

Nhận lệnh khẩn, ê kíp của Đơn nguyên Tim mạch can thiệp nhanh chóng có mặt. Chụp động mạch vành bằng DSA (thiết bị chụp mạch máu số hóa xóa nền sử dụng tia X), bác sĩ can thiệp nhận thấy động mạch vành phải của bệnh nhân bị tắc, đây chính là tổn thương thủ phạm gây nhồi máu cơ tim. Động mạch liên thất trước hẹp 70-80%. Ê kíp can thiệp đã nong và đặt 2 stent, mở vị trí bị tắc trên động mạch vành phải, tái thông dòng máu. Ca can thiệp cấp cứu diễn ra trong 30 phút.

Rời phòng thông tim, bệnh nhân V nói rằng không còn cảm giác đau thắt ngực nữa và thấy khỏe lại. Ông cũng biết rằng trước đây, những người bị nhồi máu cơ tim muốn được can thiệp mạch vành phải chuyển viện vào TP Hồ Chí Minh. Sau khi ông nhập viện, vì quá lo lắng, gia đình cũng muốn xin chuyển viện. “Tuy nhiên, các con tôi đã nghe bác sĩ giải thích, biết rằng chuyển đi thì không kịp nữa rồi. Chúng tôi quyết định điều trị tại đây và đã được can thiệp thành công”, ông V kể.

Đây là ca can thiệp cấp cứu đầu tiên do ê kíp của Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên thực hiện, đánh dấu bước tiến của Đơn nguyên sau 2 năm được Bệnh viện Thống Nhất chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da. Bác sĩ Lê Duy, thủ thuật viên chính, chia sẻ rằng ê kíp rất vui khi can thiệp cấp cứu thành công. BSCKII Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, nói: “Tôi rất mừng vì anh em đã cứu được bệnh nhân. Đứng trước sự sống và cái chết của người bệnh, anh em tự tin can thiệp và đã can thiệp thành công”.

PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng, Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, nói rằng đối với các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, không thể chuyển bệnh nhân từ Phú Yên vô TP Hồ Chí Minh để tái tưới máu. Trên đường chuyển viện, bệnh nhân có thể tử vong, nếu không thì cũng bị muộn. Khi mở vị trí bị tổn thương, máu vẫn tưới trở lại nhưng cơ tim đã chết. Lợi ích của phòng thông tim, thứ nhất là điều trị tái tưới máu trong những trường hợp bệnh mạch vành mạn tính và cấp tính, đặc biệt là trong bệnh cảnh cấp tính.

Bước tiến đáng kể của Đơn nguyên Tim mạch can thiệp

Bệnh mạch vành (bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim) với biến chứng nhồi máu cơ tim cấp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam cũng như ở các quốc gia khác trên thế giới. Điều trị tái tưới máu mạch vành có hai tình huống, trong đó nhồi máu cơ tim cấp là tình huống rất nghiêm trọng, khi mảng xơ vữa tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành động mạch vành bị bong tróc, nứt vỡ thúc đẩy sự hình thành huyết khối làm tắc lòng mạch vành. Tình huống đó buộc phải can thiệp cấp cứu để mở vị trí bị tắc, cứu một vùng cơ tim không có máu tưới, cứu trái tim bệnh nhân.

Theo bác sĩ Châu Khắc Toàn, trước đây, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên chỉ có thể điều trị những ca nhồi máu cơ tim cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết (thuốc làm tan huyết khối gây hẹp, tắc mạch vành), tỉ lệ thành công không cao, chỉ khoảng 60-65%. Sau khi điều trị khoảng một tuần, bệnh nhân được chuyển vào TP Hồ Chí Minh để chụp và can thiệp mạch vành. Nhiều trường hợp nhập viện muộn hay có những chống chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân tử vong, nếu qua khỏi thì cũng bị suy tim.

Sau một thời gian chuẩn bị - từ nhân lực đến cơ sở vật chất, thiết bị, ngày 24/12/2016, Đơn nguyên Tim mạch can thiệp khánh thành và đi vào hoạt động. Cùng với việc đào tạo tại Bệnh viện Thống Nhất, ba tuần một lần, chuyên gia và ê kíp can thiệp của Bệnh viện Thống Nhất về Phú Yên chuyển giao kỹ thuật theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Đến thời điểm này, đã có 46 đợt chuyển giao kỹ thuật. Ê kíp can thiệp của hai bệnh viện đã chụp mạch vành cho 490 bệnh nhân, điều trị tái tưới máu bằng kỹ thuật can thiệp mạch vành cho 296 bệnh nhân, trong đó có 55 bệnh nhân được can thiệp cấp cứu. 90% bệnh nhân cải thiện triệu chứng sau khi can thiệp. Đa số tái khám thường xuyên, sức khỏe ổn định.

Đơn nguyên Tim mạch can thiệp có bước tiến đáng kể khi từ đầu năm 2020 đến nay đã chụp và can thiệp mạch vành cho gần 50 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên. Kết quả các ca can thiệp cấp cứu đều tốt, trong đó có một số ca có biến chứng nặng nề, nguy hiểm, ê kíp đã giành giật lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần. Thời gian từ lúc tiếp nhận bệnh nhân cho đến khi kết thúc ca can thiệp cấp cứu chưa đầy 2 giờ. “Những trường hợp đó, nếu không được can thiệp cấp cứu kịp thời thì bệnh nhân sẽ ngưng tim và tử vong”, bác sĩ Châu Khắc Toàn nhận định.

Nỗ lực vì người bệnh

Đơn nguyên Tim mạch can thiệp hiện có 3 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên và 4 điều dưỡng. Ngoài bác sĩ quản lý chung - một thầy thuốc kỳ cựu trong lĩnh vực hồi sức tích cực - chống độc, ê kíp can thiệp thuộc thế hệ 9X và được đào tạo về tim mạch can thiệp, trong đó có một bác sĩ là thủ thuật viên chính. Đầy nhiệt huyết, ê kíp can thiệp nỗ lực học hỏi qua những đợt chuyển giao kỹ thuật, từng bước làm chủ kỹ thuật chụp và can thiệp mạch vành.

Trong 3 bác sĩ ở Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, nhà của thủ thuật viên chính cách bệnh viện 18km; đa số thành viên trong ê kíp không sống ở nội thành Tuy Hòa. Thế nhưng mỗi khi có cuộc gọi từ bác sĩ phụ trách Đơn nguyên, ê kíp can thiệp tập hợp trong vòng 30 phút. Tất cả vì bệnh nhân.

“Các em rất nhiệt tình. Có ca nhồi máu nhập viện lúc 1 giờ sáng, trời lại mưa. Tôi triệu tập và các em có mặt đầy đủ. Trong quá trình can thiệp, có một ca diễn tiến nặng, bệnh nhân bị rung thất, ngưng tim. Chúng tôi sốc điện, đặt ống nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy và tiến hành can thiệp, cứu sống bệnh nhân”, bác sĩ Châu Khắc Toàn nhớ lại.

Bác sĩ Phạm Hiếu Vinh nói: “Anh em đã thực hiện được những ca can thiệp cấp cứu. Đây là thành công lớn sau một thời gian tiếp nhận kỹ thuật can thiệp mạch vành. Thời gian tới, Bệnh viện Thống Nhất tiếp tục hỗ trợ, “cầm tay chỉ việc” để ê kíp can thiệp của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên từng bước thực hiện những ca can thiệp phức tạp về kỹ thuật. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhân Dân 115 và Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên sẽ triển khai nhiều kỹ thuật mới, giảm lượng bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên, đạt chuẩn bệnh viện hạng 1 vào cuối năm 2020”

Khi đã xảy ra nhồi máu cơ tim cấp, điều quan trọng nhất là phát hiện, xử lý cấp cứu thích hợp và giải quyết vấn đề tắc nghẽn của động mạch vành trong thời gian sớm nhất để tránh biến chứng và tử vong. Thông thường thời gian vàng để giải quyết là 12 giờ.

Tại Phú Yên, trước đây, chúng ta chỉ có sự lựa chọn duy nhất là điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, nếu không có chống chỉ định. Từ lúc tiếp nhận kỹ thuật từ Bệnh viện Thống Nhất, một số bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp đã được can thiệp mạch vành thành công trong những đợt có các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất đang chuyển giao kỹ thuật. Ngoài thời gian đó, nhiều bệnh nhân không có cơ hội tiếp cận dịch vụ kỹ thuật này.

Nay, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã có thể tự thực hiện kỹ thuật này sẽ tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ kỹ thuật, tăng khả năng sống còn, giảm di chứng hoại tử cơ tim, giảm biến chứng suy tim… cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim.

BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/95/242980/cuu-benh-nhan-bang-ky-thuat-can-thiep-mach-vanh.html