Cứu bệnh nhân đột quỵ nhập viện trong tình trạng hôn mê
Nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, không có người thân đi cùng, Giám đốc Bệnh viện quận 2 (TP.HCM) quyết định ký giấy bảo lãnh cho bà.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2, cho biết nữ bệnh nhân 59 tuổi, quê Sóc Trăng, lên TP.HCM làm thuê cho quán cơm, nhập viện trong trạng hôn mê, mất ý thức, không có người nhà đi cùng.
Tại Bệnh viện quận 2, bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ não cấp do thiếu máu não. Các bác sĩ nhận định bệnh nhân nhập viện ở giờ thứ 2 sau khởi phát, có thể điều trị bằng phương pháp dùng thuốc tiêu huyết khối. Nếu không can thiệp ngay, bệnh nhân có nguy cơ tử vong vì thiếu máu não nặng, phù não.
Tuy nhiên, bệnh nhân không có thân nhân và bảo hiểm y tế, trong khi chỉ định dùng thuốc tiêu huyết khối phải có sự đồng thuận của gia đình. Nếu bệnh viện tự ý can thiệp cho bệnh nhân, có thể sẽ chịu nhiều hậu quả.
Lý giải nguyên nhân bác sĩ cần sự đồng thuận từ gia đình, bác sĩ Khanh cho biết đầu tiên, thuốc tiêu huyết khối có tác dụng làm tan cục máu đông, do đó, nguy cơ có thể xảy ra tình trạng xuất huyết não, chảy máu nội tạng. Lúc này, tính mạng bệnh nhân có thể bị đe dọa. Ngoài ra, giá của thuốc này rất đắt, khoảng 20 triệu đồng/liều.
Sau khi được Đơn vị Đột quỵ thông báo tình huống khẩn cấp, bác sĩ Trần Văn Khanh đã đồng thuận ký giấy bảo lãnh chuyên môn cho đồng nghiệp thực hiện thủ thuật. Đồng thời, Giám đốc Bệnh viện quận 2 ký thủ tục chỉ đạo phòng Công tác xã hội tìm nguồn hỗ trợ phí điều trị cho bệnh nhân.
Chỉ trong vòng 30 phút từ thời điểm nhập viện đến khi giấy bảo lãnh được ký, các bác sĩ đã tiêm thuốc tiêu huyết khối cho bệnh nhân. Người phụ nữ qua cơn nguy kịch. Sau đó, bà được người nhà bệnh nhân từ Sóc Trăng lên chăm sóc nhưng gia cảnh khó khăn. Chi phí điều trị khoảng 50 triệu đồng phần lớn do bệnh viện hỗ trợ.
Khi bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra sau vài phút hoặc vài giờ như đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân ở một bên người. Người bệnh có thể không nói được, giọng bị méo hoặc nói nhảm, vô nghĩa, khó hiểu, mất thị lực, đau đầu dữ dội, chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn.
Sở Y tế TP.HCM cho biết tính đến hiện tại, thành phố có 26 bệnh viện tiếp nhận và điều trị bệnh đột quỵ và 34 trạm cấp cứu vệ tinhsẵn sàng ứng cứu, vận chuyển người bệnh đột quỵ đến các bệnh viện. Thành phố cũng có 6 bệnh viện tham gia chương trình quốc tế về đánh giá chất lượng điều trị đột quỵ (RES.Q).
Việc tăng số lượng bệnh viện điều trị đột quỵ cùng với tăng số trạm cấp cứu vệ tinh sẽ làm gia tăng cơ hội cho người bệnh được can thiệp điều trị trong khoảng "cửa sổ thời gian vàng", tăng khả năng cứu sống và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.