Cựu Bí thư Bình Dương: Bản thân rất đau lòng và không cố tình dung túng sai phạm

Tại phiên tòa, tự bào chữa, bị cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) cho biết, bản thân rất đau lòng và không cố tình dung túng sai phạm của doanh nghiệp.

Sáng 20/8, phiên tòa sơ thẩm xét xử 28 bị cáo liên quan tới vụ làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng tại tỉnh Bình Dương tiếp tục ngày làm việc thứ 6 với phần tranh tụng.

Trước đó, vào chiều 19/8, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội trong bản luận tội đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Trần Văn Nam mức án 9-10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Theo bản luận tội, hành vi phạm tội của bị cáo Trần Văn Nam với động cơ vụ lợi, đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Với trách nhiệm đứng đầu, bị cáo Nam không ngăn chặn cấp dưới làm trái quy định, mà đồng tình, bao che nhằm hợp thức sai phạm của bị cáo Nguyễn Văn Minh và đồng phạm.

"Những sai phạm của bị cáo Trần Văn Nam không tách rời với hành vi sai phạm của nhóm bị cáo Nguyễn Văn Minh. Bị cáo Trần Văn Nam phải chịu trách nhiệm chính đối với những quyết định do bị cáo đưa ra đối với 2 khu đất (khu 43ha và 145ha)", luận tội của Viện Kiểm sát nêu.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương tự bào chữa tại phiên tòa

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương tự bào chữa tại phiên tòa

Bào chữa cho bị cáo Trần Văn Nam, nhóm các luật sư cho rằng, Viện Kiểm sát quy kết bị cáo Nam thời điểm là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ký giao đất lấy mức giá của năm 2006 là 51.914 đồng/m2 để áp cho năm 2012, là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước 761 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3-2) đã được giao diện tích đất này từ thời điểm 2006, đã hoàn thành các nghĩa vụ về bồi thường giải phóng mặt bằng. Cụ thể, như Cục thuế đã báo cáo, khẳng định trong Văn bản 11096/CT. Đó là những cơ sở có căn cứ để bị cáo Nam nhận thức khi ký giao đất.

Bên cạnh đó, theo luật sư, thời điểm năm 2012, Tổng Công ty 3-2 là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước. Do vậy, việc giao đất áp bảng giá là chuyển dịch nguồn tiền của nhà nước có thể coi là sai qui trình, song không gây hậu quả thất thoát tài sản của nhà nước.

Ngoài ra, trong việc ký quyết định thu tiền để giao 2 khu đất cho Tổng Công ty 3-2, bị cáo Nam "không có yếu tố vụ lợi" và không cố ý làm thất thoát tài sản Nhà nước. Bị cáo này ký vì "tin tưởng các cơ quan chuyên môn" cấp dưới như Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường…

Đối với hành vi liên quan tới chuyển nhượng khu đất 43ha, theo cáo buộc của Viện Kiểm sát, bị cáo Trần Văn Nam có một số hành vi che giấu và hợp thức hóa trong quá trình chuyển nhượng khu đất 43ha.

Trong khi đó, luật sư Hoàng Văn Hướng khẳng định, hành vi che giấu và hợp thức hóa xảy ra vào năm 2017 và năm 2018, trong khi tháng 12/2016, khu đất 43ha đã bị chuyển nhượng cho Công ty Âu Lạc, như vậy nếu xem xét áp dụng tội danh theo điều 219 Bộ luật Hình sự 2015, thì hậu quả có trước, hành vi vi phạm pháp luật xảy ra sau.

Theo quan điểm bào chữa của luật sư, bị cáo Trần Văn Nam là lãnh đạo nhưng không quan sát, nắm bắt hết. Bị cáo sai đến đâu phải chịu nhưng là chịu gián tiếp, không thể cấu thành tội phạm cố ý như cáo buộc. Cũng theo luật sư, khi xem xét trách nhiệm của cựu Bí thư Trần Văn Nam cũng cần lưu ý đến cơ chế, quy chế hoạt động của cơ quan Đảng.

Các bị cáo thừa nhận đã rất lúng túng khi hệ thống pháp luật không đầy đủ, không có quy định cụ thể. Vào thời điểm xảy ra vụ án, với những thực tế vướng mắc về việc giao đất diễn ra, đặc biệt những đường lối chính sách sử dụng áp dụng đối với mô hình “xây dựng Thành phố mới” - là mô hình đầu tiên trên cả nước đã khiến các bị cáo gặp rất nhiều khó khăn.

Cuối buổi sáng, trong quá trình tự bào chữa, bị cáo Trần Văn Nam khẳng định không chỉ đạo hay trực tiếp làm sai lệch các văn bản để hợp thức hóa hồ sơ. Tổng công ty 3-2 là doanh nghiệp có nhiều công lao đóng góp cho tỉnh Bình Dương song không vì thế mà "lãnh đạo không rõ ràng".

Theo cựu Bí thư tỉnh Bình Dương, ngay sau khi có kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương mới xuất hiện tình tiết "hợp thức hóa hồ sơ". Sau đó, bị cáo đã cùng Thường trực Tỉnh ủy xem xét kỹ lại toàn bộ các văn bản để lý giải vì sao lại có sự việc này. Qua phân tích và khẳng định, kể từ người soạn thảo văn bản là bị cáo Ngô Dũng Phương (cựu Trưởng phòng Tài chính, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương) tới Văn phòng Tỉnh ủy và Phó Bí thư Thường trực không có tư tưởng che giấu, hợp thức hóa cho sai phạm.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cuu-bi-thu-binh-duong-ban-than-rat-dau-long-va-khong-co-tinh-dung-tung-sai-pham-144883.html