Cựu Bí thư Thị ủy thị xã Bến Cát kêu oan: Dấu hiệu của hình sự hóa
Việc điều tra, truy tố, xét xử cựu Bí thư Bến Cát và 2 bị cáo về tội 'Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí' được cho là thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967), cựu Bí thư Thị ủy Bến Cát bị TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bản án này bị TAND cấp cao tại TP.HCM hủy toàn bộ do không đủ cơ sở để chứng minh tài sản bị coi là thất thoát thuộc sở hữu Nhà nước mà là của cá nhân.
Giao dịch dân sự bỗng biến thành hình sự?
Theo các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Bình Dương, từ năm 2005, bà Hồ Thị Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH An Tây (trụ sở tại TP.HCM) thế chấp “sổ đỏ” tại Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tây Sài Gòn để vay vốn làm ăn.
Do gặp nhiều khó khăn không có khả năng thanh toán, nên bà Hiệp làm đơn xin phép BIDV Tây Sài Gòn chuyển nhượng phần diện tích đất mà bà đang thế chấp tại xã An Tây, huyện Bến Cát (nay là thị xã Bến Cát), tỉnh Bình Dương để lấy tiền trả nợ ngân hàng và được ngân hàng này đồng ý.
Từ năm 2012 đến 2015, qua môi giới, ông Nguyễn Hồng Khanh đã 3 lần nhận chuyển nhượng 125.442,2m2 đất của bà Hồ Thị Hiệp và trả cho bà Hiệp tổng số tiền 7,797 tỉ đồng. Mỗi lần hai bên ký hợp đồng đều được sự đồng ý của ông Nguyễn Quang Lộc, Phó trưởng phòng khách hàng 1 và ông Nguyễn Huy Hùng, Giám đốc BIDV Tây Sài Gòn với tư cách là bên nhận thế chấp. Ông Khanh được cấp “sổ đỏ” và trồng cây cao su từ khi nhận đất.
Sau một thời gian xác minh do có đơn tố cáo của con trai bà Hiệp, từ tháng 5 đến tháng 8/2018, ông Lộc, ông Hùng, ông Khanh bị khởi tố, bắt tạm giam. Còn bà Hồ Thị Hiệp đã mất từ tháng 8/2016 nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật Bình Dương cho rằng, ông Nguyễn Hồng Khanh đã cấu kết với bà Hồ Thị Hiệp và ông Nguyễn Quang Lộc, Nguyễn Huy Hùng thực hiện việc xử lý tài sản thế chấp trái quy định. Số tiền nhận chuyển nhượng 125.442,2m2 đất mà ông Khanh trả cho bà Hiệp là 7,797 tỉ đồng để bà Hiệp trả cho BIDV Tây Sài Gòn thu hồi nợ. Nhưng trong quá trình điều tra, truy tố thì diện tích đất này được định giá lên tới hơn 33,86 tỉ đồng. Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đã đối trừ hai con số để cáo buộc các bên trong giao dịch dân sự này “làm thất thoát của Nhà nước” hơn 26,063 tỉ đồng.
Tại bản án sơ thẩm số 34/2020 ngày 28/5/2020, ngoài phần dân sự, TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt ông Khanh, ông Lộc, ông Hùng lần lượt 10, 11 và 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
“Tài sản thất thoát” không liên quan đến Nhà nước
Tiếp nhận đơn kháng cáo kêu oan, một năm sau (ngày 25/5/2021), TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên của TAND tỉnh Bình Dương để điều tra, giải quyết lại với lý do có nhiều vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Điều mấu chốt đầu tiên trong vụ án này là phải xác định rõ: Ai mới là chủ sở hữu, chủ sử dụng hợp pháp tài sản thế chấp (125.442,2m2 đất) tại BIDV Tây Sài Gòn? Tài sản thế chấp đó là của Nhà nước hay của bà Hồ Thị Hiệp?
Dẫn chiếu các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật sư Phạn Trung Hoài, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích, bà Hồ Thị Hiệp thế chấp “sổ đỏ” chứ không giao đất cho ngân hàng xử lý nợ, vì vậy diện tích đất chuyển nhượng cho ông Khanh vẫn là tài sản của bà Hiệp và chỉ có bà Hiệp mới có quyền giao dịch.
Cơ quan điều tra và VKSND tỉnh Bình Dương không làm rõ được đâu là tài sản Nhà nước bị thất thoát trong vụ án này. Do vậy, có đủ cơ sở để kết luận “sổ đỏ” của bà Hồ Thị Hiệp không phải là tài sản của Nhà nước và tiền có được từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất càng không phải tài sản của Nhà nước nên không có căn cứ cho rằng BIDV Tây Sài Gòn bị thất thoát số tiền 26,063 tỉ đồng.
Điều đặc biệt nữa, BIDV Tây Sài Gòn không phải là ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước mà là ngân hàng thương mại cổ phần. Theo quyết định số 84/GP-NHNN ngày 23/4/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho BIDV để chuyển đổi cổ phần hóa thành một ngân hàng thương mại cổ phần.
Như vậy từ tháng 4/2012, BIDV không còn là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước mà đã chuyển đổi sang loại hình công ty cổ phần. Tại BIDV, Nhà nước chỉ là một cổ đông trong số nhiều cổ đông là tổ chức, cá nhân khác của ngân hàng.
Về pháp lý, nguồn tiền mà ngân hàng sử dụng để cho các tổ chức, cá nhân vay là tiền có nguồn gốc được huy động từ các tổ chức, cá nhân khác chứ không phải là tiền lấy ra từ phần vốn góp (cổ phần) của Nhà nước hoặc vốn điều lệ tại BIDV. Bởi vậy, nếu cho rằng “phần tài sản Nhà nước bị thất thoát là phần vốn góp của Nhà nước tại ngân hàng BIDV Việt Nam được lấy cho bà Hiệp vay để quy kết tội danh này cho ông Khanh là một sự quy kết vô căn cứ”- LS Hoài khẳng định.
Trong khi đó, tại phiên tòa sơ thẩm, “người bị hại” là BIDV Tây Sài Gòn vẫn khẳng định, “sổ đỏ” của bà Hồ Thị Hiệp thế chấp tại ngân hàng không phải là tài sản của ngân hàng” và “tiền trả bán tài sản thế chấp được chuyển vào tài khoản của khách hàng thì số tiền ấy vẫn không phải là tài sản của ngân hàng”.
Cùng với lập luận của Luật sư và BIDV Tây Sài Gòn, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao và TAND Cấp cao tại TP.HCM nhận định tại bản án phúc thẩm số 318/2021/HS-PT ngày 25/5/2021: “Án sơ thẩm cho rằng các bị cáo trong vụ án này đã gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước là không phù hợp, ở trường hợp này là liên quan đến tài sản thế chấp là tài sản của cá nhân bà Hồ Thị Hiệp, chứ không liên quan đến tài sản Nhà nước”.
Như vậy, việc điều tra, truy tố, xét xử ông Khanh và 2 bị cáo trong vụ này về tội “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí” theo điều 219 Bộ luật Hình sự 2015 là thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn. Ngay tại phiên tòa, các luật sư và 3 bị cáo đều khẳng định họ không phạm tội như các cơ quan pháp luật Bình Dương quy kết./.