Cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho rằng bị đề nghị mức án quá nặng
Tại phần tranh luận, cựu Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh và luật sư bào chữa đều không tranh luận về tội danh mà cho rằng, mức án đề nghị của đại diện VKS là quá nặng. Theo đó, luật sư đề nghị HĐXX xử áp dụng tình tiết giảm nhẹ đặc biệt cho bị cáo, do có nhiều công lao trong quá trình công tác, trong đó có gần 40 huân, huy chương.
Luật sư đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ đặc biệt
Chiều nay (23/5), phiên xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh cùng đồng phạm bước vào phần tranh luận.
Luật sư Vũ Gia Trưởng (Đoàn luật sư TP Hà Nội – bào chữa cho ông Nguyễn Văn Vịnh) đã đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) áp dụng tình tiết giảm nhẹ đặc biệt cho cựu Bí thư tỉnh ủy Lào Cai.
Làm rõ về đề nghị này, luật sư Trưởng lập luận, quá trình công tác, ông Vịnh đã có nhiều công lao và đạt thành tích xuất sắc, với gần 40 huân, huy chương cao quý. Do vậy, đề nghị HĐXX áp dụng linh hoạt theo tinh thần của Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán, TAND Tối cao.
Trong quá trình bào chữa, ông Trưởng cũng như cựu Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh đều không tranh luận về tội danh (đồng ý với truy tố của cơ quan VKS – PV), mà cho rằng, mức án đề nghị của đại diện VKS là quá nặng. Và cần xem xét nguyên nhân, động cơ mục đích phạm tội của bị cáo.
Theo bản bào chữa từ luật sư, bản chất, ông Vịnh luôn vì mục đích phát triển kinh tế của tỉnh, mong muốn cho Lào Cai phát triển, nhân dân được ấm no. Như vậy, đây là mục đích tốt đẹp, ý nghĩa.
Nói về hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo, luật sư Trưởng lập luận, phía cơ quan truy tố chưa xem xét thấu đáo. Ông Trưởng dẫn chứng một số văn bản dùng câu chữ gây khó hiểu, ví dụ “thu gom”, “thu hồi” khoáng sản, dễ dẫn đến sự hiểu lầm là những thao tác giản đơn, nhỏ lẻ khi cựu Bí thư tỉnh ủy đánh giá nội dung và bị chuyển sang thành tiếp tay “khai thác” khoáng sản trái phép.
Về hành vi không chuyển Bộ TN&MT ký văn bản theo đúng thẩm quyền, luật sư Trưởng dẫn một số hệ thống pháp luật để nói về tình thế cấp thiết, và tính phù hợp ở thời điểm ký văn bản. Từ đó, phát sinh tình huống ký văn bản sai chủ thể.
Luật sư Trưởng phân tích trang 45 bản cáo trạng, khẳng định các bị can phạm tội riêng lẻ, không bàn bạc. Tuy vậy, tại phiên tòa, đại diện VKS lại cho rằng, bị cáo Vịnh chịu trách nhiệm chính. “Vậy về mặt lý luận, nếu đã có trách nhiệm chính thì phải có trách nhiệm phụ. Vậy ai là phụ ở đây?” – luật sư Trưởng đặt câu hỏi.
Số khoáng sản khai thác trái phép đã đi đâu?
Ở phần tự bào chữa, ông Vịnh đề nghị HĐXX xem xét đến việc, bản chất là toàn bộ số khoáng sản được khai thác trái phép không bị tuồn ra ngoài, được chế biến và cung cấp hàng triệu tấn phân bón, phục vụ địa phương và các vùng lân cận. Ngoài ra, đơn vị chế biến, sản xuất đã nộp số tiền lớn vào ngân sách từ việc mua bán số khoáng sản nói trên (hơn 60 tỷ đồng – PV).
Ông Vịnh cũng mong HĐXX xem xét đến sự “rực rỡ” của tỉnh Lào Cai những năm gần đây, và bị cáo nhận mình được đóng góp một phần vào đó. “Nhìn thấy sự phát triển của tỉnh Lào Cai, bị cáo thấy nó quý hơn những chiếc giấy khen rất nhiều” – ông Vịnh ví von.
Ở phần đối đáp, đại diện cơ quan truy tố nhấn mạnh, sự phát triển của doanh nghiệp là đáng quý. Tuy vậy, mọi hành vi phải tuân thủ quy định của luật pháp, không thể coi thường pháp luật trong sản xuất kinh doanh.
Trong phần tranh luận của một số bị cáo khác, tất cả đều thừa nhận tội danh như cáo trạng đã truy tố, chỉ mong HĐXX xem xét, đánh giá kỹ nguyên nhân, điều kiện, mục đích phạm tội.
Đơn cử như giám đốc Cty Lilama – bị cáo Nguyễn Mạnh Thừa, khi cho rằng: “Tôi biết tôi đã vi phạm pháp luật. Tôi xin chịu trách nhiệm trước những sai phạm của mình. Mong HĐXX xem xét đến nguyên nhân chủ quan, khách quan trong hành vi phạm tội của tôi”.
Sáng mai (24/5), HĐXX tiếp tục làm việc với phần tranh luận.