Cựu biệt kích Israel lật đổ 'Vua Bibi'
Ông Naftali Bennett, cựu biệt kích và triệu phú công nghệ, sẽ có hai năm làm thủ tướng Israel và đứng đầu một trong những chính phủ liên minh đặc biệt nhất 73 năm lịch sử Israel.
Từ lâu, ông Bennett đã có tham vọng làm thủ tướng. Dù vậy, vai trò mới của ông đặc biệt gây chú ý khi đảng Yamina chỉ giành được vừa đủ số ghế trong Knesset - Quốc hội Israel - theo BBC.
Đảng Yamina của ông Bennett kết thúc cuộc bầu cử vừa qua với vị trí thứ 5 và 7 nghị sĩ trong quốc hội, thế nhưng ông Bennett vẫn được chọn trở thành người đứng đầu cơ quan hành pháp Israel.
Được cả hai đối thủ cạnh tranh là ông Benjamin Netanyahu, người nắm quyền từ năm 2009, và lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid đề nghị chia sẻ vai trò thủ tướng trong một chính phủ liên minh, ông Bennett đã chọn đứng về phía ông Lapid, bất chấp sự khác biệt lớn về quan điểm giữa hai người.
Nội các mới của ông Bennett sẽ không giống bất kỳ chính phủ nào trước đó trong lịch sử 73 năm của Israel - một liên minh của nhiều đảng phái và được thông qua với chiến thắng suýt soát 60-59 trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hôm 13/6.
Con đường chính trị của ông Bennett
Ông Naftali Bennett, 49 tuổi, từng được xem là một "hậu bối" của ông Benjamin Netanyahu - người giữ ghế thủ tướng Israel suốt 12 năm và được gọi là "Vua Bibi".
Ông Bennett từng làm chánh văn phòng thủ tướng giai đoạn 2006-2008 trước khi "cặp đôi" này tan rã và ông rời khỏi đảng Likud của ông Netanyahu sau đó.
Trong những năm sau, ônng Bennett tham gia đảng Jewish Home. Đảng cánh hữu này đã góp mặt trong Quốc hội Israel sau cuộc bầu cử năm 2013.
Từ đó, ông Bennett tiếp tục giữ các chức bộ trưởng trong chính phủ 7 năm sau đó. Năm 2019, liên minh cánh hữu mới do ông thành lập đã không giành được ghế trong cuộc bầu cử quốc hội. Dù vậy, chưa đầy một năm sau, ông Bennett nhanh chóng đảo ngược tình thế và trở lại tư cách là người đứng đầu đảng Yamina (có nghĩa là "Cánh hữu" theo tiếng Hebrew).
Ông Bennett tỏ ra thẳng thắn trong việc ủng hộ Israel là quốc gia của dân tộc Do Thái. Ông từng tuyên bố quyền lịch sử và tôn giáo của người Do Thái đối với khu vực Bờ Tây, Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan (vùng lãnh thổ Syria do Israel chiếm đóng từ năm 1967).
Trước đó, ông Bennett cũng ủng hộ người Do Thái định cư ở Bờ Tây. Ông từng đứng đầu nhóm đại diện chính trị cho những người định cư Do Thái với tên gọi Hội đồng Yesha. Dù vậy, ông Bennett không có yêu sách gì đối với Dải Gaza, nơi quân đội và người định cư Israel đã rút đi từ năm 2005.
Trên thực tế, cộng đồng quốc tế vẫn xem việc định cư của hơn 600.000 người Do Thái tại khoảng 40 khu vực ở Bờ Tây và Đông Jerusalem là bất hợp pháp. Dù vậy, phía Israel luôn phản đối điều này.
Số phận của các khu định cư là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất giữa Israel và Palestine. Trước các nỗ lực từ phía Israel, Palestine cũng đang tìm cách thành lập một nhà nước độc lập ở Bờ Tây và Dải Gaza, với thủ đô là Đông Jerusalem.
Những trụ cột có thể định hình chính sách Israel
Thông thạo tiếng Anh và am hiểu truyền thông, trong quá khứ, ông Bennett thường xuyên xuất hiện trên các kênh truyền hình quốc tế để bảo vệ cho các hành động của Israel.
Không chỉ vậy, trong một cuộc tranh luận trên truyền hình trong nước, đáp lời một thành viên quốc hội gốc Arab, vốn ủng hộ quan điểm người Do Thái không có quyền định cư ở Bờ Tây, ông Bennett đã tuyên bố rằng Israel đã có một nhà nước ngay từ khi người Arab vẫn còn "treo mình trên cây".
Ông Bennett cũng bác bỏ khả năng thành lập một nhà nước Palestine bên cạnh Israel. Giải pháp "hai nhà nước" được xem là lối thoát cho xung đột Israel - Palestine. Nỗ lực này nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden.
"Tôi sẽ không giao một cm đất nào của Israel", ông Bennett từng phát biểu như vậy vào tháng 2/2021.
Thay vào đó, ông Bennett ủng hộ Israel tăng cường kiểm soát đối với khu vực Bờ Tây, vùng lãnh thổ mang ý nghĩa tôn giáo đối với Israel như lời ông Bennett.
Không chỉ vậy, ông Bennett cũng rất cứng rắn trong việc đối phó với mối đe dọa từ các tay súng Palestine. Ông từng ủng hộ án tử đối với những chiến binh này.
Đến nay, luật pháp Israel mới chỉ tuyên một án tử duy nhất cho Adolf Eichmann - một trong những thành viên Đức Quốc xã chịu trách nhiệm chính trong tội ác diệt chủng người Do Thái Holocaust - vào năm 1961.
Bên cạnh đó, ông Bennett cũng phản đối thỏa thuận ngừng bắn của Israel với lực lượng Hamas ở Gaza. Thỏa thuận này từng góp phần chấm dứt giao tranh giữa hai bên vào năm 2018. Ông Bennett cũng buộc tội Hamas sát hại hàng chục dân thường trong các cuộc không kích từ Gaza hồi tháng 5/2021.
Niềm tự tôn dân tộc Do Thái là tinh thần luôn được ông Bennett nhấn mạnh. Ông cũng thường xuất hiện với hình ảnh chiếc mũ Kippah truyền thống trong tín ngưỡng Do Thái giáo.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2014, ông Bennett từng xuất hiện trong một đoạn video với tuyên bố: "Từ hôm nay, chúng tôi sẽ ngừng xin lỗi". Hành động này nhằm chế giễu các ý kiến chỉ trích từ một số tờ báo cánh tả trên thế giới.
Không chỉ vậy, quá trình thăng tiến chính trị của ông Bennett cũng nối tiếp những khác biệt trước đó trong sự nghiệp quân ngũ và con đường kinh doanh của ông.
Vị tân thủ tướng Israel từng có thời gian phục vụ trong lực lượng đặc biệt của quân đội Israel. Sau đó, ông thành lập một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, trước khi bán công ty này và thu về khoản tiền giúp ông trở thành một triệu phú.
Trả lời phỏng vấn năm 2014 về sự giàu có của bản thân, ông Bennett từng nói: "Tôi không có du thuyền hay chuyên cơ riêng, (sự giàu có) chỉ đơn giản giúp tôi tự do làm những gì tôi muốn".
Ngày 13/6, sau chiến thắng sít sao trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Knesset, ông Bennett đã chính thức được bổ nhiệm làm thủ tướng Israel, kết thúc 12 năm tại vị của người tiền nhiệm Benjamin Netanyahu.
Theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực với ông Yair Lapid, ông Bennett sẽ giữ chức thủ tướng cho đến tháng 9/2023 và nhường lại vị trí này cho lãnh đạo đảng Yesh Atid trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuu-biet-kich-israel-lat-do-vua-bibi-post1227012.html