"Vũ khí từ địa ngục TOS-1" là tên gọi xứng đáng dành cho hệ thống phun lửa hạng nặng của Nga, cựu sĩ quan thủy quân lục chiến Mỹ Brent M. Eastwood nhận xét.
Trong một bài phân tích đăng trên tờ 19FortyFive, ông Brent M. Eastwood đã liệt kê các đặc điểm "độc nhất vô nhị" của vũ khí Nga với sự kinh hoàng được giấu kín và thừa nhận rằng TOS-1 là một mối quan tâm lớn của mình.
“Cách TOS-1 tiêu diệt kẻ thù gây sốc và có vẻ hư cấu hơn là thực tế. Có ai trên trái đất muốn bắn những tên lửa tạo ra những đám cháy chết người, nghẹt thở - Người Nga, chỉ có họ”, cựu chiến binh thủy quân lục chiến Mỹ viết.
Bên cạnh đó, chuyên gia Eastwood thừa nhận rằng không chỉ Nga sử dụng hệ thống này, một số quốc gia khác cũng đang tỏ ra đặc biệt quan tâm đến thứ vũ khí vô cùng đáng sợ nói trên.
Ví dụ, Saudi Arabia đã mua một số hệ thống TOS-1 trị giá 3 tỷ USD. Chuyên gia Brent M. Eastwood còn cho biết với tiềm lực tài chính hùng hậu của mình, Riyadh không mua TOS-1 Buratino, mà là bản nâng cấp của nó - TOS-1A Solntsepek.
Biến thể TOS-1A Solntsepek được phân biệt với TOS-1 Buratino dựa vào đặc điểm rất dễ nhận biết đó là giàn phóng của nó mang 30 đạn rocket chia làm 3 tầng, thay vì chỉ 24 đạn như phiên bản cũ.
“Hệ thống phun lửa hạng nặng TOS-1 của Quân đội Nga bắn ra những quả đạn cháy có khả năng gây hỏa hoạn khủng khiếp và việc ẩn nấp sẽ không giúp ích được gì. Tổ hợp Buratino có thể 'soi sáng' một khu vực rộng bằng hai sân bóng”, chuyên gia người Mỹ không giấu nổi vẻ kinh hãi.
Những đặc điểm kỹ chiến thuật của hệ thống phun lửa hạng nặng do Nga sản xuất đã gây ấn tượng với tác giả của bài viết trên tờ 19FortyFive đến nỗi ông gọi TOS-1 Buratino là "vũ khí đến từ địa ngục".
“Các bệ phóng lựu được đặt trên khung gầm của xe tăng T-72, có 24 rocket 220 mm trong 24 ống. Tên lửa nặng khoảng 400 pound với đầu đạn cháy hoặc nhiệt áp. Máy bay không người lái của quân đội Nga giúp xác định mục tiêu cho TOS-1 Buratino".
"May mắn thay, nó có tầm bắn ngắn hơn so với nhiều hệ thống pháo phản lực phóng loạt khác, tầm xa của đạn chỉ từ 3.500 đến 6.000 mét tùy thuộc vào biến thể. Toàn bộ cơ số đạn có thể được bắn trong 12 giây".
"Kíp chiến đấu 3 người được vỏ giáp dày bảo vệ tốt hơn. TOS-1 được triển khai cùng với các loại xe tăng và thiết giáp khác theo học thuyết chiến tranh bọc thép của Nga”, cựu binh Thủy quân lục chiến Mỹ chia sẻ với độc giả.
Ông Brent M. Eastwood tin rằng trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương nên biến hệ thống này trở thành mục tiêu số một để không quân loại bỏ nó ra khỏi chiến trường.
Hiện tại, Nga đã cho ra đời tổ hợp phun lửa hạng nặng thế hệ mới có tên gọi TOS-2 Tosochka, vũ khí này đặt trên khung gầm thiết giáp bánh hơn Typhoon-U thay vì khung xe tăng T-72 như TOS-1/1A đời cũ.
Tầm bắn của TOS-2 hiện chưa được công bố rõ ràng, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng con số này sẽ cao gấp 2 - 3 lần so với TOS-1 (lên tới 20 km) và do vậy có thể được sử dụng như pháo phản lực phóng loạt truyền thống.
Bạch Dương