Cựu binh Tiểu đoàn 13 kể chuyện giải phóng Phú Yên

CCB Lưu Công Thục kể lại trận đánh cứ điểm Cầu Cháy. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Đã 45 năm trôi qua nhưng ký ức hào hùng của ngày giải phóng Phú Yên (1/4/1975) vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của những cựu chiến binh (CCB) Tiểu đoàn 13 đã trực tiếp chiến đấu ở thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy.

Những ngày cuối tháng ba, chúng tôi có dịp trò chuyện với các nhân chứng lịch sử của ngày 1/4/1975. Đó là các CCB: Lưu Công Thục (phường 7, TP Tuy Hòa), Nguyễn Châu Diên (xã An Mỹ, huyện Tuy An) và Nguyễn Băng Sơn (phường 8, TP Tuy Hòa).

Vẹn nguyên ký ức ngày chiến thắng

Đại tá Lưu Công Thục, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 13 (d13) năm nay 70 tuổi. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng khi nói về chiến dịch giải phóng tỉnh Phú Yên năm xưa, mắt ông sáng lên, khuôn mặt rạng ngời như câu chuyện mới vừa diễn ra ngày hôm qua.

Quê ở Nam Định, khi tròn 17 tuổi, ông xung phong nhập ngũ vào Sư đoàn 338, đóng quân tại Thanh Hóa. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được lệnh vào Nam, bổ sung cho Sư đoàn 325B chiến đấu ở chiến trường Kon Tum. Trong trận đánh tại cao điểm 824, ông bị thương và được điều trị tại Quân y viện 211 đóng trên đất Campuchia. Cuối năm 1968, vết thương ổn định, ông được bổ sung về Tiểu đoàn 13 thuộc Trung đoàn 10 (Ngô Quyền). Ông Thục cho biết: “Tháng 7/1969, Tiểu đoàn 13 và một số đơn vị trực thuộc của Trung đoàn 10 (Ngô Quyền) được bổ sung cho Tỉnh đội Phú Yên. Từ đó, đơn vị chúng tôi trở thành đơn vị chủ lực cơ động của tỉnh”.

CCB Lưu Công Thục tham gia hàng chục trận đánh lớn, nhỏ nhưng những trận đánh quyết định giải phóng Phú Yên khắc ghi trong ký ức ông đậm sâu nhất. Ông kể: “Trong chiến dịch Xuân 1975, Tiểu đoàn 13 được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Cầu Cháy vào rạng sáng 19/3; đây là trận đánh then chốt mở đầu cho chiến dịch giải phóng Phú Yên. Đại đội (C1) do tôi làm đại đội trưởng đảm nhiệm tấn công trên hướng chủ yếu của tiểu đoàn. Đơn vị hành quân từ Vân Hòa (Sơn Hòa) vượt sông Ba sang suối Phẩn (xã Hòa Mỹ) tạm dừng chân nhận nhiệm vụ và làm công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu. Chiều 18/3, tiểu đoàn hành quân từ suối Phẩn dọc đèo Mật Cật (núi Hương) đến 12 giờ đêm đơn vị đến chân hàng rào cứ điểm Cầu Cháy. Các hướng, các mũi tiến hành chiếm lĩnh xây dựng trận địa tiến công đến 3 giờ sáng hoàn thành. Do sương mù dày đặc nên mãi đến 5 giờ sáng 19/3 quân ta mới nổ súng tấn công. Địch phản công dữ dội. Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Đến gần 7 giờ đơn vị làm chủ hoàn toàn cứ điểm và tiêu diệt hơn 100 tên địch, bắt 3 tù binh, thu toàn bộ vũ khí trang bị của địch. Cũng từ đây, xã Hòa Mỹ, Hòa Đồng, Hòa Thịnh được hoàn toàn giải phóng.

CCB Nguyễn Châu Diên nói về hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

CCB Nguyễn Châu Diên nói về hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Ngày 20/3/1975, Tiểu đoàn 13 nhận nhiệm vụ của cấp trên hành quân ra xã Hòa Phong. Tiếp đó, trong các ngày 21-25/3, đơn vị tổ chức đánh Liên đoàn Bảo an và Liên đoàn Biệt động số 6 từ Phú Lâm, Hòa Vinh lên giải tỏa đường 5. Sau khi cùng các đơn vị bạn đánh tan cuộc rút chạy trên đường 5 của địch, đơn vị chuyển xuống Phú Thứ, Mỹ Lệ đánh địch. “Sau các trận đánh trong ngày 22/3 tôi được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 13. Sáng 1/4/1975, đơn vị hành quân tiêu diệt địch, giải phóng quận lỵ Hiếu Xương, Trung tâm chiêu hồi Đông Tác, phía bắc sân bay và chốt giữ ở đây”.

CCB Nguyễn Châu Diên (quê Nghệ An), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 13 cho rằng mình không được may mắn như các đồng đội. Bởi ông đã sống và chiến đấu cùng với đồng đội ròng rã gần 12 năm, nhưng đến giờ phút thiêng liêng ấy thì không được chứng kiến cảnh địch rút chạy và Phú Yên được giải phóng. Ông nhớ lại: “Tháng 3/1975, Tiểu đoàn 13 nhận nhiệm vụ đánh cứ điểm Cầu Cháy. Tôi cùng các cán bộ đại đội, trung đội chuẩn bị chiến trường. Sáng 18/3, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức hiệp đồng bảo đảm và làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Lúc nổ súng trận đánh Cầu Cháy, tôi bị trọng thương và bất tỉnh, được đồng đội đưa về phía sau sơ phẫu rồi chuyển về trạm xá của Tỉnh đội điều trị. Khi nghe tin Phú Yên hoàn toàn giải phóng, ông cùng đồng đội vỡ òa niềm vui chiến thắng, quên mất vết thương vẫn còn đang rỉ máu”.

Tuy không thể cùng với đồng đội tham gia trọn vẹn chiến dịch nhưng những giờ phút trước khi giải phóng Phú Yên, kết thúc chiến tranh mãi mãi khắc ghi trong tâm trí Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Châu Diên. Để rồi mỗi khi gặp lại những đồng đội may mắn nhìn thấy ngày toàn thắng, ông cùng họ hàn huyên ôn lại kỷ niệm một thời đạn bom, chiến đấu hào hùng.

CCB Nguyễn Băng Sơn (quê xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa) nhập ngũ năm 1964. Gần 11 năm tham gia kháng chiến, qua nhiều đơn vị khác nhau, đến đầu năm 1975, ông được Tỉnh đội điều về bộ phận quân lực của Tiểu đoàn 13 chuẩn bị cho chiến dịch tấn công địch giải phóng Phú Yên. Ông Sơn nhớ lại: “Chuẩn bị mở chiến dịch, tôi nhận nhiệm vụ báo cáo và chuẩn bị quân số, vũ khí trang bị theo yêu cầu của Ban chỉ huy. Trong thời gian quân ta chiến đấu, tôi luôn luôn theo sát, phục vụ bộ phận tác chiến. Đến sáng 1/4/1975, đơn vị tổ chức đánh địch ở sân bay Đông Tác và đóng quân chốt giữ ở đây cho đến khi cờ giải phóng tung bay trên đỉnh Tháp Nhạn, Phú Yên hoàn toàn giải phóng”.

Nghĩa tình đồng đội

Năm 1976, Tiểu đoàn 13 chuyển về Lạc Chỉ (xã Hòa Mỹ) làm nhiệm vụ rà phá bom mìn do chiến tranh để lại, đưa dân về làng cũ và bảo vệ trại tù binh. Cuối năm 1976, Tiểu đoàn 13 hoàn thành nhiệm vụ và giải thể, một số chiến sĩ phục viên, chuyển ngành; Tiểu đoàn phó Lưu Công Thục được điều về công tác tại Tiểu đoàn 96 đóng tại Diên Khánh (Khánh Hòa). Trong thời gian công tác, trải qua nhiều cương vị khác nhau, ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng đội tin yêu. Nghỉ hưu vào năm 2004, mặc dù mang trên mình nhiều vết thương và di chứng chiến tranh, nhưng hơn 15 năm qua, ông đã cùng các CCB dày công liên kết, tìm kiếm cất bốc 30 hài cốt của đồng đội đưa về với gia đình. Đại tá Lưu Công Thục hiện là Phó Ban liên lạc Tiểu đoàn 13. Hàng năm, ban liên lạc đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, giúp đỡ các CCB có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Đặc biệt, ban liên lạc đã cùng UBND thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) tổ chức giỗ tập thể 57 liệt sĩ hy sinh tại ấp Bắc Lý (nay là khu phố Bắc Lý), vào ngày 18/6 hàng năm.

Ông Nguyễn Băng Sơn (bên phải) tại sân bay Đông Tác năm 1975. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Nguyễn Băng Sơn (bên phải) tại sân bay Đông Tác năm 1975. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau ngày giải phóng, CCB Nguyễn Châu Diên trở lại đơn vị tiếp tục công tác cho đến năm 1978 thì nghỉ hưu. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, đáng lẽ được nghỉ ngơi an nhàn cùng con cháu, nhưng vì điều kiện khó khăn, ông vẫn miệt mài lao động mưu sinh. Mặc dù bận rộn nhưng suốt thời gian qua, ông đã lặn lội khắp nơi tìm kiếm, quy tập được 25 hài cốt liệt sĩ là những đồng đội đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên chiến trường Phú Yên.

Còn CCB Nguyễn Băng Sơn, sau khi Tiểu đoàn 13 giải thể, ông về công tác tại Ban Tuyên huấn TX Tuy Hòa, đến 1982 được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban. Sau đó, ông chuyển qua làm Trưởng Phòng Tiếp công dân thuộc Văn phòng UBND tỉnh rồi về hưu năm 2003. Về với cuộc sống đời thường, với con cháu, ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, là Chủ tịch Hội Tù chính trị phường 8 (2009-2015), Chi hội trưởng Chi Hội CCB khu phố Trần Phú…

12 năm chiến đấu cùng đồng đội ở chiến trường Phú Yên, không ít lần tôi tận mắt chứng kiến các anh đã ngã xuống và thấu hiểu được giá trị của sự hy sinh xương máu vì Tổ quốc, vì đồng bào. Hơn ai hết, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm đi tìm đồng đội, đưa các anh về với gia đình, người thân. CCB Nguyễn Châu Diên

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/94/236828/cuu-binh-tieu-doan-13-ke-chuyen-giai-phong-phu-yen.html