Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhập viện, không dự buổi tòa tuyên án mình

Do sức khỏe có vấn đề phải nhập viện nên tại buổi tuyên án chiều 29/4, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã vắng mặt.

Chiều 29/4, TAND TP Hà Nội đã tuyên án với cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng các đồng phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và UBND TPHCM.

Tại buổi tuyên án này, ông Vũ Huy Hoàng đã không thể có mặt do gặp vấn đề về sức khỏe, phải nhập viện.

Sau khi tòa xem xét, với cáo buộc "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương bị HĐXX TAND Hà Nội tuyên phạt 11 năm tù; bị cáo Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương, nhận 9 năm tù.

Về nhóm tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", các bị cáo nhận mức án cụ thể, gồm: Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM: 6 năm 6 tháng tù; Lâm Nguyên Khôi, cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM: 4 năm 6 tháng tù; Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM: 5 năm tù; Lê Văn Thanh, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM: 4 năm tù;

Các bị cáo tại phiên xét xử trước đó (ảnh tư liệu)

Các bị cáo tại phiên xét xử trước đó (ảnh tư liệu)

Liên quan đến việc ông Vũ Huy Hoàng vắng mặt, HĐXX cho biết vào chiều 29/4 bị cáo này đã có đơn xin vắng mặt vì lý do sức khỏe không đảm bảo. HĐXX đã chấp thuận đơn xin vắng mặt này của bị cáo Vũ Huy Hoàng.

Theo bản án sơ thẩm, HĐXX đủ căn cứ xác định Sabeco từng được quyền quản lý khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q1, TPHCM) nhưng lại mang quyền sử dụng đất đi thành lập liên doanh Sabeco Land để xây dựng cao ốc, văn phòng. Việc làm này được bị cáo Vũ Huy Hoàng và các bị cáo khác tại Bộ Công thương, UBND TPHCM chấp thuận.

Tuy nhiên, năm 2012, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Sabeco có lĩnh vực chính là sản xuất bia rượu, nước giải khát như tên gọi nhưng các bị cáo trong vụ không yêu cầu doanh nghiệp này thoái vốn khỏi liên doanh xây dựng như chỉ đạo của Chính phủ.

Các nhà đầu tư tư nhân trong Sabeco Land cũng không đủ vốn để xây cao ốc nhưng thay vì thu hồi khu đất, bị cáo Vũ Huy Hoàng và cấp dưới lại yêu cầu tìm nhà đầu tư mới. Sau đó, liên doanh Sabeco Pearl được thành lập để thay thế Sabeco Land nhằm xây dựng tại khu đất số 2-4-6, trong đó Sabeco giữ 26% vốn; còn lại thuộc các công ty tư nhân gồm Attland (23%), Hà An (25,5%), Mê Linh (25,5%).

Đến năm 2015, bị cáo Nguyễn Hữu Tín phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất số 2-4-6 là hơn 997 tỷ đồng. Sabeco Pearl đã nộp số tiền này đồng thời xin bổ sung chức năng căn hộ ở cho dự án khiến giá trị tăng rất cao so với chỉ có chức năng văn phòng.

Năm 2016, các Công ty Hà An, Attland và Mê Linh cùng ký văn bản kiến nghị Sabeco thoái toàn bộ vốn tại Sabeco Pearl. Bộ Công Thương đồng ý việc này nên Sabeco bán toàn bộ cổ phần tại liên doanh với giá 196 tỷ đồng.

Như vậy, khu đất số 2-4-6 trị giá hơn 3.816 tỷ đồng từ tài sản Nhà nước do Sabeco quản lý bị chuyển sang sở hữu tư nhân. Trừ đi chi phí đã nộp cho chính quyền và tiền mua cổ phần của Sabeco, nhà nước bị thiệt hại 2.713 tỷ đồng

Ngoài bản án tù dành cho 10 bị cáo, HĐXX còn quyết định thu hồi, giao thửa đất số 2-4-6 cho UBND TPHCM xem xét xử lý theo quy định.

T.Sơn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/cuu-bo-truong-vu-huy-hoang-nhap-vien-khong-du-buoi-toa-tuyen-an-minh-20210429170048847.htm