Cựu cán bộ công an nhận chạy án được xử nhẹ
Phạm Quang Tiến, cựu cán bộ công an tại TP.HCM, được xử dưới khung hình phạt trong vụ nhận 300 triệu đồng hứa chạy án.
Ngày 19-4, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần hai đã tuyên phạt Phạm Quang Tiến (sinh năm 1965, cựu cán bộ công tác tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM, đã bị tước quân tịch) sáu năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Xử nhẹ dưới khunghình phạt
HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, bị cáo có nhiều huy chương, bằng khen có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác và hiện đã nộp 50 triệu đồng thu lợi bất chính nên được xem xét xử dưới khung hình phạt (7-15 năm tù).
Bị cáo Trần Thị Diệu Trang bị phạt bốn năm sáu tháng tù về tội môi giới hối lộ. Hai bị cáo Nguyễn Vũ Thanh Thủy và Nguyễn Long cùng mức án ba năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội đưa hối lộ.
Trước đó, VKS đề nghị phạt bị cáo Tiến 6-7 năm tù, bị cáo Trang 4-5 năm tù và hai bị cáo Long, Thủy cùng mức án 3-4 năm tù.
Tại phiên tòa, luật sư và VKS không có tranh luận về tội danh. Luật sư cho rằng Tiến không phải lừa đảo chuyên nghiệp, không dùng thủ đoạn gian dối mà chỉ nhận tiền đưa cho người khác…
Nói lời sau cùng, bị cáo Tiến cho biết trong thời gian tạm giam đã ăn năn hối cải với hành vi sai trái của mình nên xin mức án nhẹ nhất vì tuổi đã cao.
Cuối năm 2020, xử sơ thẩm lần một, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Tiến tám năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trang bốn năm sáu tháng tù về tội môi giới hối lộ, Thủy và Long cùng mức án ba năm sáu tháng tù về tội đưa hối lộ.
Bản án bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy toàn bộ để làm rõ thêm một số vấn đề mâu thuẫn.
Nhận chạy án không thành nên bị tố cáo
Hồ sơ thể hiện ngày 15-11-2018, Nguyễn Duy gọi điện thoại cho Trang (mẹ nuôi ngoài xã hội của Duy) nói rằng mình liên quan đến một vụ trộm trên địa bàn quận Tân Phú và đang bị truy bắt.
Duy nhờ Trang tìm người giúp để không bị công an bắt. Trang nhận lời và gọi điện thoại cho Tiến (là bạn của em gái) để nhờ giúp và được đồng ý.
Tiến ra giá 300 triệu đồng, Trang báo lại cho Duy là 320 triệu đồng. Sau đó, Thủy và Long (người thân của Duy) đưa cho Trang số tiền như yêu cầu tại một khách sạn ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân do Trang làm chủ để chạy án cho em trai.
Ngày 19-11-2018, Long và Trang cùng em gái đón xe đến quán cà phê trên đường Đào Duy Từ (phường 6, quận 10) gặp Tiến để đưa tiền.
Tuy nhiên hai ngày sau, Duy gọi điện thoại báo vẫn bị công an truy bắt, người thân nghi ngờ Trang lừa đảo nên đi tố cáo.
Theo cơ quan tố tụng, Tiến không có thẩm quyền giải quyết vụ án trộm cắp liên quan đến Duy. Đồng thời cũng không có căn cứ xác định Tiến đã đưa tiền cho người khác để giải quyết sự việc nên truy tố Tiến về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Không có cơ sở xử lý một kiểm sát viên
Quá trình điều tra, Tiến khai do Trang năn nỉ quá nên Tiến gọi điện thoại trao đổi với một cán bộ tại VKSND TP.HCM (trước đó công tác tại VKSND quận 10) để nhờ giúp đỡ.
Tiến có cung cấp đoạn ghi âm để chứng minh việc đã giao toàn bộ số tiền đã nhận cho người này.
Tháng 3-2020, Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận đoạn ghi âm Tiến cung cấp chất lượng kém nên không đủ điều kiện để tiến hành giám định.
Sau khi cấp phúc thẩm hủy án, cơ quan điều tra đã yêu cầu giám định bổ sung và kết quả vào ngày 15-9-2021 xác định được tiếng nói trong đoạn ghi âm là của ông ĐDH.
Làm việc, ông H cho biết có quen Tiến và liên lạc về việc cá nhân nhưng chưa bao giờ ông nhận tiền từ Tiến để giúp đỡ cho bất kỳ ai.
Cáo trạng kết luận trong đoạn ghi âm trên Tiến không nói rõ về nguồn gốc số tiền, mục đích và thực tế số tiền đã đưa cho ông H là bao nhiêu. Trong khi ngoài Tiến thì không có ai biết hoặc từng liên hệ với người này.
Tiến cũng không cung cấp được chứng cứ, tài liệu nào khác để chứng minh nên cơ quan điều tra không có căn cứ xác định ông H nhận tiền để “chạy án” như lời khai của Tiến.
Nguồn PLO: https://plo.vn/cuu-can-bo-cong-an-nhan-chay-an-duoc-xu-nhe-post676494.html