Cựu cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu nhận hối lộ để ngó lơ vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng
Vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng lậu có tính chất đặc biệt nghiêm trọng này thuộc diện được Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Ngày 25-10, tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên xử sơ thẩm vụ buôn lậu và nhận hối lộ đối với 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng.
Nhận hối lộ để làm ngơ cho xăng lậu
Bị cáo Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh); Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) và 71 bị cáo bị truy tố về tội buôn lậu.
Riêng bị cáo Ngô Văn Thụy (cựu cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 800 triệu đồng từ Hữu và đồng phạm để làm ngơ cho đường dây tội phạm này.
Vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên thuộc diện được Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo sớm đưa ra xét xử.
Theo dự kiến, khoảng 600 người trực tiếp tham gia phiên tòa gồm HĐXX, các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, lực lượng bảo vệ… Vì vậy, tòa chọn hội trường chính của Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai được bố trí làm phòng xử án.
Từ 7 giờ, các bị cáo đã được lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải đến phòng xử án. Để đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra phiên tòa, công an được bố trí rất chặt chẽ.
Những người được tòa triệu tập và người có nghĩa vụ liên quan đều phải đeo thẻ, qua hai lần kiểm tra của lực lượng công an, đi qua máy soi chiếu... PV báo đài truyền thông theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi phía ngoài.
Thành phần HĐXX sơ thẩm gồm hai thẩm phán, ba hội thẩm nhân dân. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Văn Thành, Chánh Tòa hình sự TAND tỉnh Đồng Nai. Phiên xử dự kiến kéo dài 45-60 ngày.
Phiên tòa có 81 luật sư tham gia bào chữa cho 74 bị cáo trong vụ án; 53 cá nhân, tổ chức là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và có 43 người làm chứng.
Một số luật sư, người làm chứng và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án có đơn xin vắng mặt nhưng lời khai trong hồ sơ đã đầy đủ, không ảnh hưởng đến quá trình xét xử nên HĐXX tiếp tục phiên tòa.
Thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng
Theo cáo trạng, Viễn, Hữu và Phùng Danh Thoại (nguyên đại tá, trưởng Phòng xăng dầu thuộc Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) có mối quan hệ quen biết từ trước.
Vào khoảng tháng 5-2019, Viễn, Hữu, Thoại thỏa thuận việc góp vốn buôn lậu xăng từ Singapore đưa về Việt Nam tiêu thụ với tổng số tiền vốn 53,4 tỉ đồng. Hữu có trách nhiệm quản lý số tiền này và tìm khách hàng bán xăng nhập lậu và quan hệ với các lực lượng chức năng để đưa hối lộ, phục vụ hoạt động buôn lậu.
Viễn sẽ có trách nhiệm sử dụng tàu vận chuyển xăng từ Singapore về Việt Nam. Sau đó, Hữu sẽ điều động tàu khác vận chuyển số xăng này đến khu vực nhà nuôi yến của Tứ (trên sông Hậu thuộc thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) để bán cho Tứ và Trần Thị Thanh Vân (giám đốc Công ty TNHH TMDV Vân Trúc, tỉnh Bình Dương).
Với số xăng dầu này Tứ đã cung cấp cho bảy đầu mối khác nhau tại nhiều tỉnh, thành như An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long… Từ bảy đầu mối này, tiếp tục bán cho các cơ sở bán lẻ xăng khác trên các địa bàn, trong đó có Đồng Nai.
Riêng Vân, với sự giúp sức của bốn bị cáo khác đã bán lẻ xăng cho rất nhiều người tại các cơ sở xăng trên địa bàn tỉnh Bình Dương và TP.HCM.
Tính từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Hữu cùng các đồng phạm đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng gần 200 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.600 tỉ đồng.
Số tiền Viễn đã thu lợi bất chính là hơn 46,7 tỉ đồng, Hữu hơn 156,2 tỉ đồng, Thoại hơn 22 tỉ đồng, Tứ gần 83 tỉ đồng, Vân 18 tỉ đồng.
Viễn còn cùng Nguyễn Minh Đức (chủ Công ty TNHH Dầu khí Vượng Đạt, TP Hải Phòng) cùng góp vốn tổng cộng hơn 49 tỉ đồng mua tàu vận chuyển và buôn lậu xăng tại tỉnh Khánh Hòa. Đức được hưởng lợi hơn 1,5 tỉ đồng.
Trong ngày làm việc đầu tiên, HĐXX tiến hành thẩm tra lý lịch của 74 bị cáo và kết thúc phần thủ tục. Hôm nay (26-10), phiên tòa tiếp tục.
Hai cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển lãnh án vì nhận hối lộ
Liên quan đến đường dây xăng dầu lậu này, hồi tháng 7, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên án đối với 14 bị cáo trong vụ buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép...
Trong đó, bị cáo Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4) bị tuyên phạt 15 năm tù, Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) 12 năm tù, Phạm Văn Trên (cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh) 10 năm tù cùng về tội nhận hối lộ.
Các bị cáo khác, chủ yếu là các cựu quân nhân thuộc lực lượng biên phòng và cảnh sát biển, bị tuyên phạt từ hai năm sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 16 năm tù cùng về tội danh trên.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang) bị phạt tù chung thân về tội nhận hối lộ và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.
Bị cáo Phùng Danh Thoại (cựu đại tá, cựu trưởng Phòng xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) là người duy nhất bị truy tố về tội buôn lậu, nhận mức án bảy năm tù.
Bị cáo Cao Phước Hoài (lao động tự do) bị phạt sáu tháng 21 ngày tù về tội không tố giác tội phạm.