Cựu CEO Google: Cấm AI 6 tháng - chỉ có lợi cho Trung Quốc

Cựu Giám đốc điều hành Google, Eric Schmidt tin rằng việc trì hoãn phát triển AI chỉ mang lại lợi thế cho những công ty Trung Quốc trong việc bắt kịp công nghệ này.

Cần "những hàng rào thích hợp" để bảo vệ

Trong bài trả lời phỏng vấn Tạp chí Tài chính Úc (Australian Financial Review), Schmidt nêu rõ, việc mọi người nghi ngờ về tiến độ nghiên cứu AI là hợp lý, nhưng các công ty công nghệ nên cùng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn để giảm bớt lo ngại của mọi người, thay vì đình chỉ nghiên cứu AI.

Cựu Giám đốc điều hành Google, Eric Schmidt. Ảnh: FL

Cựu Giám đốc điều hành Google, Eric Schmidt. Ảnh: FL

"Tôi không ủng hộ lệnh cấm 6 tháng, vì nó sẽ chỉ có lợi cho Trung Quốc", Schmidt nói trong cuộc phỏng vấn, ông lo ngại Trung Quốc sẽ đi trước Hoa Kỳ trong việc phát triển công nghệ có khả năng mang tính cách mạng này.

Theo cựu Giám đốc điều hành Google, sự phát triển của AI cần "những hàng rào thích hợp" để bảo vệ, nhưng hầu hết những người trong cơ quan chính phủ hiện không hiểu rõ về công nghệ AI để giám sát tiến trình này.

"Trung Quốc rất biết họ đang làm gì và chúng ta cần phải làm việc cùng nhau", Schmidt nói. Ông cũng không tán thành các lệnh cấm TikTok của Hoa Kỳ, Anh và Úc, đồng thời nhấn mạnh, các chính phủ phương Tây cần phải hành động, nếu không muốn tụt hậu so với Trung Quốc.

Về vấn đề này, Bill Gates cho biết, việc cấm không giải quyết được những thách thức hiện tại và rất khó để đưa ra một lệnh cấm trên quy mô toàn cầu…

ChatGPT, Bing và Bard tạo ra một "cuộc đua nguy hiểm"

Viện Tương lai Cuộc sống, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, công bố một bức thư ngỏ vào tháng trước, nêu lên lo ngại, hệ thống AI có thể gây ra những rủi ro tiềm ẩn cho xã hội và con người, không dừng lại ở đó bức thư còn kêu gọi tất cả các phòng thí nghiệm AI nên tạm dừng đào tạo hệ thống AI mạnh hơn GPT-4 trong ít nhất 6 tháng, một động thái được hơn một nghìn người nổi tiếng và nhiều nhà nghiên cứu bao gồm cả Elon Musk và Steve Wozniak ký ủng hộ.

Bức thư ngỏ, hiện có hơn 13.500 chữ ký, nêu rõ quan điểm, những chương trình như ChatGPT, Bing và Bard tạo ra một "cuộc đua nguy hiểm", nếu không được kiểm soát, có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực, từ thông tin sai lệch đến việc thay thế công việc của con người bằng máy móc...

Hệ thống AI có khuynh hướng lập trình và các vấn đề tiềm ẩn về quyền riêng tư, đồng thời có thể lan truyền thông tin sai lệch, đặc biệt khi chúng được sử dụng với mục đích xấu. Ngoài ra, mọi người hiện đang lo lắng, hệ thống ngôn ngữ AI sẽ thay thế công việc của con người.

Mới đây nhất, ChatGPT đã tạm thời bị cấm ở Ý, do rò rỉ dữ liệu OpenAI gây ra vấn đề về quyền riêng tư; chính phủ Anh cũng công bố các khuyến nghị về quy định và Liên minh người tiêu dùng châu Âu (BEUC) cũng kêu gọi những nhà lập pháp ở châu Âu tăng cường giám sát; một số thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ kêu gọi luật mới để điều chỉnh công nghệ AI.

Theo Công ty khởi nghiệp AI Anthropic, công nghệ hiện tại chưa gây ra mối lo ngại trong thời gian gần, nhưng chắc chắn các hệ thống AI sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trong tương lai và việc xây dựng hành lang hạn chế ngay bây giờ giúp giảm thiểu rủi ro.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng lệnh cấm nghiên cứu có thể kìm hãm tiến bộ công nghệ này và việc liên tục nhấn mạnh vào mối đe dọa tiềm ẩn của AI càng khuyến khích những kẻ xấu sử dụng công nghệ này cho những mục đích bất chính.

Nguồn: Tổng hợp

Dũng Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/cuu-ceo-google-cam-ai-6-thang-chi-co-loi-cho-trung-quoc-179230410154319148.htm