Cựu CEO WeWork sẽ trở thành kẻ bị căm ghét nhất nước Mỹ
Theo Bloomberg, bong bóng startup sẽ sớm vỡ nát tương tự bong bóng dot.com năm 2000, và WeWork cùng cựu CEO Adam Neumann sẽ trở thành biểu tượng xấu xí của sự sụp đổ đó.
Còn ai nhớ Martin Shkreli, kẻ đang ngồi tù? Hồi năm 2015, sau khi trở thành CEO Turing Pharmaceuticals, Shkreli quyết định tăng giá thuốc chống HIV Daraprim hơn 5.000%. Dư luận Mỹ nổi giận. Truyền thông gọi hắn là “kẻ bị căm ghét nhất nước Mỹ”.
Nghị sĩ Elijah Cummings mô tả Shkreli là “biểu tượng xấu xí của tầng lớp lãnh đạo các công ty dược tham lam”. Cựu CEO Turing Pharmaceuticals bị xử tù hồi năm 2017 nhưng vì tội tội gian lận chứng khoán, chứ không phải vì tăng giá thuốc chống HIV.
Theo Bloomberg, Shkreli không hề phạm luật khi làm điều đó và thậm chí có thể đẩy giá thuốc Daraprim lên 1.000% nếu muốn. Hắn tìm thấy một lỗ hổng trong hệ thống của nước Mỹ và lợi dụng nó.
Không ít người nghĩ đến Shkreli khi biết tin cựu CEO WeWork Adam Neumann nhận tới 1,7 tỷ USD để trao quyền kiểm soát công ty cho Tập đoàn Nhật Bản SoftBank. “Neumann là kẻ lừa đảo, cần bị kiện và bị điều tra”, Thượng nghị sĩ Tom Cotton viết trên Twitter.
Cú trượt dốc của WeWork từ startup được định giá 47 tỷ USD hồi tháng 1/2019 đến việc kế hoạch IPO sụp đổ, cạn tiền mặt, phải để SoftBank giải cứu và mức định giá giờ chỉ còn lại 8 tỷ USD chắc chắn sẽ đi vào sách giáo khoa kinh doanh.
Và Adam Neumann là nhân vật trung tâm của mớ hỗn độn đó. Đó là một doanh nhân không tên tuổi nhưng lôi kéo được CEO SoftBank Masayoshi Son sau một cuộc trò chuyện trong xe limo.
Nhờ đầu tư của SoftBank, WeWork được định giá 20 tỷ USD, để rồi Neumann vung hàng chục triệu USD mua bất động sản, vay thêm hàng chục triệu nữa, cho chính WeWork thuê lại các tòa nhà hắn thuê và sở hữu…
Nhưng WeWork kinh doanh thua lỗ và khi đối mặt nguy cơ sụp đổ, phải để SoftBank cứu, Neumann chấp nhận ra đi với 1,7 tỷ USD. “Hãy quên Martin Shkreli đi, Adam Neumann sẽ sớm trở thành kẻ bị căm ghét nhất nước Mỹ”, Bloomberg nhận định.
Tuy nhiên có vẻ như Neumann không làm gì trái pháp luật. Cũng tương tự trường hợp của Shkreli, Neumann phát hiện ra những lỗ hổng trong hệ thống của nước Mỹ và đủ thông minh, tham lam để tận dụng chúng.
Chính những lỗ hổng đó giúp WeWork huy động được hàng tỷ USD tiền đầu tư dù lỗ hàng tỷ USD. Ban đầu là một công ty tư nhân, WeWork có đủ bình phong để che chắn kết quả kinh doanh thảm hại. Chỉ khi cáo bạch IPO của WeWork được công khai, tất cả mới biết công ty này “nát” đến mức nào.
Bloomberg nhận định từ những trường hợp như WeWork, Uber, Slack hay Lyft, có thể thấy thị trường startup “kỳ lân” (các công ty khởi nghiệp có mức định giá trên 1 tỷ USD) đang trở thành bong bóng khổng lồ. Sự sụp đổ của WeWork có thể là cú đánh khiến bong bóng này vỡ vụn, giống như những gì đã xảy ra với bong bóng dot.com năm 2000.
“Mỗi khi một bong bóng vỡ vụn, luôn có một công ty trở thành biểu tượng xấu xí của sự sụp đổ. Và trong công ty đó luôn có một cá nhân trở thành biểu tượng của mọi sai lầm. WeWork sẽ trở thành công ty đó. Và Adam Neumann sẽ trở thành cá nhân đó”, Bloomberg khẳng định.