Cựu chỉ huy NATO: Kế hoạch kiểm soát Greenland của ông Trump 'không phải ý tưởng điên rồ'
Đảo Bắc Cực của Đan Mạch nên là một 'mục tiêu kinh tế' đối với Washington, ông James Stavridis cho biết.
Cựu chỉ huy liên minh tối cao của NATO tại châu Âu, James Stavridis, cho biết kế hoạch mua lại Greenland từ Đan Mạch của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không phải là một "ý tưởng điên rồ". Tuy nhiên, ông đã bác bỏ khả năng can thiệp quân sự, thay vào đó ủng hộ hợp tác kinh tế như một phương tiện để củng cố mối quan hệ với khu vực này.
Phát biểu tại chương trình “The Cats Roundtable” với John Catsimatidis trên đài phát thanh WABC 770 trong hôm 12/1, vị tướng lĩnh đã nghỉ hưu mô tả Greenland là một "mỏ vàng chiến lược của Mỹ", nhấn mạnh vị trí địa chính trị và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của nó.
"Nó nằm ở đỉnh của Bắc Đại Tây Dương. Nó bảo vệ các lối tiếp cận đất nước của chúng ta - Đại Tây Dương - vì vậy về mặt địa lý, nó rất quan trọng", ông Stavridis cho biết. Ông nói thêm rằng khu vực này rất giàu khoáng sản quý hiếm và có khả năng có trữ lượng dầu khí khổng lồ.
"Và nó rất lớn, một vùng lãnh thổ khổng lồ. Nó lớn gấp ba lần Texas", ông nói và đồng ý với người dẫn chương trình rằng Greenland "gần như là một thỏa thuận tốt hơn so với Alaska".
“Và đây là quan điểm của tôi. Chúng ta đã gần như mua được Greenland rồi”, ông Stavridis nói. “Chúng ta đã gần như mua được nó cùng lúc với khi chúng ta mua Alaska vào những năm 1860. Vì vậy, đó không phải là một ý tưởng điên rồ”.
Cựu chỉ huy NATO đã loại trừ việc sử dụng “lực lượng quân sự để tấn công Greenland hoặc Đan Mạch”, lập luận rằng Mỹ nên tập trung vào hợp tác kinh tế để chống lại ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trong khu vực.
“Chúng ta có thể làm rất nhiều điều về mặt kinh doanh, đầu tư, ngăn chặn người Nga, ngăn chặn người Trung Quốc và hợp tác rất chặt chẽ với Greenland”, ông nói. Ông nói thêm rằng Greenland “không nhất thiết phải trở thành tiểu bang thứ 51, nhưng chắc chắn có thể là một mục tiêu kinh tế đối với chúng ta”.
Ông Trump lần đầu tiên đưa ra ý tưởng mua Greenland vào năm 2019, một đề xuất đã nhanh chóng bị các quan chức Đan Mạch và Greenland bác bỏ. Ông đã nhắc lại ý tưởng này vào tháng trước, mô tả quyền sở hữu hòn đảo Bắc Cực là một điều hoàn toàn cần thiết” đối với an ninh của Mỹ.
Vị Thủ tướng ủng hộ sự độc lập của Greenland, Mute Egede, đã loại trừ khả năng bán hòn đảo nhưng cho biết vào thứ Sáu tuần trước rằng ông "sẵn sàng nói chuyện" với ông Trump. "Chúng tôi mong muốn trở thành chủ nhân của ngôi nhà của chính mình", ông nói.
Mặc dù Đan Mạch đã bác bỏ đề xuất của ông Trump, nhưng Copenhagen được cho là đã đề xuất với ông Trump khả năng tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Greenland, nơi hiện đang có một căn cứ của Mỹ.
Là một lãnh thổ tự quản của Đan Mạch kể từ năm 1979, Greenland đã dần theo đuổi chủ quyền lớn hơn. Hòn đảo hiện có chính phủ riêng, nhưng Đan Mạch vẫn giữ quyền kiểm soát về đối ngoại và quốc phòng.