Cựu chiến binh chống Mỹ xung kích trên mặt trận kinh tế
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sau chiến tranh, các cựu chiến binh (CCB) Vĩnh Phúc đã không ngừng vượt khó, dám nghĩ, dám làm, viết thêm những “trang sử” hào hùng trên "mặt trận" không tiếng súng. Cùng với phát triển kinh tế gia đình, những người lính năm ấy còn giúp đỡ đồng đội xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Hơn 11 giờ trưa, có mặt tại phân xưởng sản xuất than hoạt tính không khói của CCB Kim Anh Đào, thôn Gò Dẫu, xã Thiện Kế, chúng tôi không khỏi khâm phục khi chứng kiến ông Đào vẫn miệt mài lao động, tận tình chỉ bảo công nhân từng động tác vận hành máy móc, ra lò thành phẩm.
Ở tuổi 74, nhiều cụ đã phải nương nhờ con cháu trong sinh hoạt hàng ngày, ấy vậy mà CCB Kim Anh Đào vẫn trực tiếp quản lý, điều hành phân xưởng sản xuất, tạo việc làm cho 3 lao động nông nhàn tại địa phương, với doanh thu sản xuất trên 800 triệu đồng/năm.
Năm 1968, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên Kim Anh Đào nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Năm 1978, phục viên trở về địa phương, ông bươn trải với đủ nghề để phát triển kinh tế gia đình.
Năm 1987, nhận thấy nghề đóng gạch, ngói ở địa phương phát triển, cùng nguồn nguyên liệu sẵn có, CCB Đào mạnh dạn đầu tư sản xuất gạch, ngói thủ công. Nhờ đó, kinh tế gia đình khấm khá, đầy đủ hơn.
Năm 2010, thực hiện chỉ đạo của tỉnh về chủ trương không sản xuất gạch, ngói thủ công, CCB Đào chuyển sang thành lập Công ty TNHH MTV Kim Chung Úc chuyên sản xuất than hoạt tính không khói và dịch vụ cho thuê các loại máy xây dựng công trình như máy ủi, máy xúc, máy san...
Hiện, Công ty tạo việc làm cho gần 20 lao động, cung ứng ra thị trường trên 200 tấn thành phẩm viên mùn cưa, 50 tấn than hoạt tính/tháng.
Tiếp nối thành công trên, năm 2017, CCB Đào mở rộng thêm phân xưởng sản xuất với diện tích gần 1.000 m2, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
"Từng vào sinh ra tử vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, những người lính chúng tôi chẳng nề hà, ngại khó, ngại khổ. Giờ còn khỏe, không lao động thấy chân tay buồn bực lắm, lao động vừa rèn luyện sức khỏe vừa vui. Đồng thời, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển KT-XH địa phương"- CCB Kim Anh Đào tâm sự.
Từng là người thầy có tiếng ở làng, song theo tiếng gọi của Tổ quốc, thầy giáo Trần Văn Bê, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên sẵn sàng nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường B và C, Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, rồi làm quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.
Năm 1977, trở về địa phương, CCB Trần Văn Bê tiếp tục theo đuổi sự nghiệp “trồng người”. Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", CCB Trần Văn Bê không quản ngại khó khăn, miệt mài chèo lái những “chuyến đò” đưa các thế hệ học trò tìm đến bến bờ tri thức.
Đồng thời, tranh thủ thời gian được nghỉ cùng gia đình xây dựng phân xưởng sản xuất đồ mộc ngay tại nhà.
Đến nay, sau hơn 30 năm phát triển, không chỉ cuộc sống gia đình trở lên khấm khá mà các con của CCB Bê còn trở thành những thợ mộc có tay nghề giỏi, được nhiều người biết đến. Cơ sở sản xuất của gia đình CCB Bê đã đào tạo thành nghề cho hàng trăm học viên, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động và thu lãi vài trăm triệu đồng/năm.
Cùng với CCB Kinh Anh Đào, CCB Trần Văn Bê, gương sáng CCB làm kinh tế giỏi trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều. Điển hình là CCB Trần Văn Tỵ, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, ông từng tham gia quân tình nguyện chuyên gia quân sự giúp Lào, lăn lội tại chiến trường miền Nam rồi biên giới Tây Nam đánh quân Khmer đỏ…
Hòa bình về với cuộc sống thường nhật, không cam chịu đói nghèo, ông Tỵ bươn trải khắp nơi kiếm sống. Năm 2005, với quyết tâm làm giàu, phát huy tinh thần xung kích cùng những kinh nghiệm tích cóp, ông thành lập Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Tuấn Thanh chuyên xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng và kinh doanh xăng dầu, vật liệu xây dựng.
Hiện nay, công ty đang tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động, thu nhập trên 8 triệu đồng/tháng cùng nhiều lao động thời vụ, doanh thu đạt 15 tỷ đồng/năm. Với mục tiêu không ngừng phát triển bền vững, cuối năm 2021, ông Tỵ tiếp tục thành lập Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thanh Thịnh Phát, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Toàn tỉnh hiện có 70 nghìn hội viên CCB, sinh hoạt trên 1.300 chi hội cơ sở. Với sự nỗ lực và hỗ trợ thiết thực của các cấp hội, phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã có sức lan tỏa sâu rộng, động viên CCB vượt khó vươn lên, phát huy tinh thần xung kích trên mặt trận không tiếng súng.
Đến nay, toàn hội có gần 6.300 mô hình phát triển kinh tế do hội viên CCB làm chủ, tạo việc làm cho gần 42 nghìn lao động. Những CCB tỉnh Vĩnh Phúc xứng đáng là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên để các thể hệ trẻ noi theo và học tập.