Cựu chiến binh đi nạng gỗ, kiên trì làm việc nghĩa
Bước chân khập khiễng từ ngày xuất ngũ trở về, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Dũng, thương binh hạng 2/4 ở phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã vượt lên những khó khăn, nghịch cảnh, trở thành doanh nhân CCB xuất sắc trên mặt trận kinh tế thời mở cửa, một điển hình về giải quyết việc làm cho thương binh, người khuyết tật, công tác đền ơn đáp nghĩa và hoạt động từ thiện xã hội.
Đồng đội đã "tiếp sức" cho tôi
Tôi gặp CCB Nguyễn Văn Dũng khi ông vừa trở về từ Lễ kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2023) và vinh danh các tập thể, cá nhân thương binh tiêu biểu do Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam tổ chức. Ông phấn khởi chia sẻ với tôi ông là một trong 70 cá nhân tiêu biểu được tôn vinh trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội. Nhận thấy niềm vui và cơ duyên đó, tôi thuyết phục và được ông mở lòng chia sẻ về những ngày “vừa đớn đau, vừa gian khó”. Bởi nhiều lần gặp trước, ông vẫn ngại ngùng, sợ khoét sâu vào nỗi đau tưởng chừng không vượt qua nổi. CCB Nguyễn Văn Dũng bắt đầu câu chuyện:
- Đến bây giờ tôi vẫn ám ảnh và không quên lời vị bác sĩ nói: "Khi em xuất viện, về sau này em chỉ ngồi sau lưng người khác thôi. Sức khỏe của em như vậy thì em không thể tự mình chủ động trong mọi việc, sự thay đổi có lẽ chỉ là phép màu". Câu nói đó đồng nghĩa với việc tôi trở thành một người lệ thuộc và không thể làm được gì, phía trước cuộc sống đã quay lưng với tôi.
- Vậy nguyên nhân và hành trình vượt đau thương, vươn lên cuộc sống của ông như thế nào?
Biết tôi đang công tác trong Quân đội, ông chia sẻ như một đồng đội và say sưa kể về cuộc đời mình từ ngày đầu nhập ngũ. Trong suy nghĩ của thanh niên Nguyễn Văn Dũng lúc bấy giờ, muốn làm gì thì trước tiên vẫn phải thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự, đất nước rất cần những thanh niên có ý chí, nhiệt huyết, khỏe mạnh và học tập tốt. Sau khi tốt nghiệp THPT, tháng 2-1987, Nguyễn Văn Dũng lên đường nhập ngũ, về Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) khi vừa tròn đôi mươi.
Sau 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, trải qua quá trình tuyển chọn khắt khe, Nguyễn Văn Dũng xung phong tiếp tục tham gia huấn luyện nghiệp vụ thông tin liên lạc. Khóa huấn luyện kết thúc cũng là lúc chiến sĩ Nguyễn Văn Dũng cùng đồng đội tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hơn 6 năm công tác trong Quân đội, một lần bị thương nặng trong chiến đấu, nhờ có đồng đội đưa đi cấp cứu và chuyển viện kịp thời nên Nguyễn Văn Dũng mới bảo toàn được tính mạng. Song, sức khỏe giảm sút và đôi chân bị ảnh hưởng nặng nề mà khả năng y học ngày đó không thể phục hồi. Từ đó cuộc đời ông gắn bó cùng chiếc nạng gỗ.
CCB Nguyễn Văn Dũng hồi tưởng: “Tôi luôn nhớ mãi những tháng ngày cùng công tác, chiến đấu bên các thủ trưởng, đồng đội. Có lần, tôi trực chiến liên tục trên tàu 3 ngày mà không được nghỉ. Đồng chí chỉ huy của Vùng 4 Hải quân đến ngồi bên cạnh, tay đặt vào vai tôi và nói: "Cháu yên tâm đã có chú bên cạnh". Tiếng nói cùng hơi ấm của người chỉ huy như truyền vào mình một luồng sức mạnh, nhờ vậy dù quá mệt song tôi vẫn cố gắng vượt qua”.
Trở về cuộc sống đời thường, tuy gặp muôn vàn khó khăn do sức khỏe giảm sút nhưng CCB Nguyễn Văn Dũng luôn đau đáu nghĩ về đồng đội, đó là nguồn sức mạnh, động lực để ông phấn đấu vươn lên. Thời gian đầu, ông tập xách nước từ ít đến nhiều, ai thuê gì làm nấy, chủ yếu để hồi phục sức khỏe và khôi phục bản năng sống. Khi có điều kiện phù hợp, ông chuyển sang kinh doanh nhỏ, mở nhà hàng và phát triển thành doanh nghiệp. Tuy vậy, đôi chân của ông vẫn gặp nhiều khó khăn và chiếc nạng gỗ vẫn là bạn đồng hành. Mãi đến năm 2018, CCB Nguyễn Văn Dũng được một bác sĩ nước ngoài phẫu thuật, điều trị, ông mới rời bỏ hẳn chiếc nạng gỗ.
Hồi tháng 1-2023, ông đi khám tim định kỳ, khi vừa đến cửa phòng khám thì ông bị đột quỵ, được đưa ngay vào phòng cấp cứu và chỉ định mổ tim kịp thời mới giữ được tính mạng. Sau một tuần điều trị, ông trở về nhà tiếp tục công việc. CCB Nguyễn Văn Dũng trải lòng: “Có lẽ đồng đội vẫn muốn tôi sống, để tiếp tục tri ân những thân nhân liệt sĩ đã hy sinh ở quần đảo Trường Sa và trả nợ ân tình với những mảnh đời bất hạnh”.
Mới đây, cùng các CCB Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đến thăm gia đình liệt sĩ Võ Đình Tuấn ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, tôi mới thấy hết tình cảm gia đình, đồng đội gắn bó thắm thiết, keo sơn. Họ gặp nhau mừng mừng tủi tủi, kể cho nhau nghe về những ngày khói lửa. CCB Nguyễn Văn Dũng luôn tâm niệm, đồng đội của ông ăn một mâm, nằm một chiếu, họ ngã xuống để mình được sống nên có khó khăn mấy cũng phải làm tốt việc đền ơn đáp nghĩa và công tác từ thiện.
Ngay từ năm 1995, tuy kinh tế còn khó khăn nhưng ông bắt đầu giúp đỡ đồng đội, các gia đình nghèo ở địa phương. Sau đó, Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Tết Nguyên đán hay những khi xảy ra thiên tai, ông đi đến các địa phương khác để giúp đỡ đồng đội ở Trường Sa. Việc làm này được duy trì đều đặn gần 30 năm qua với số tiền ông giúp đỡ khoảng 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn tham gia hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng và nhiều hoạt động xã hội tại địa phương.
Có thời gian công tác cùng CCB Nguyễn Văn Dũng ở Lữ đoàn 146, CCB Nguyễn Đức Khôi, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa chia sẻ: “Ý chí và nghị lực của anh Dũng thật phi thường. Dù tỷ lệ thương tật là hơn 61%, song anh vẫn vượt lên hoàn cảnh để rèn luyện, học tập, kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là tình cảm, sự giúp đỡ ông dành cho đồng đội, những hoàn cảnh khó khăn”.
Gắng sức phát triển kinh tế, lặng thầm làm việc nghĩa
Để có Công ty TNHH Dịch vụ du lịch sinh thái Thiên Phước như ngày nay, CCB Nguyễn Văn Dũng đã nỗ lực không ngừng, từng bước gây dựng cơ sở, phát triển doanh nghiệp. Ngày đó, ở khu Đường Đệ, phường Vĩnh Hòa là ngoại ô của TP Nha Trang nên điều kiện cơ sở vật chất, sinh hoạt rất khó khăn. Khắc phục điều này, nguồn điện ông dùng máy nổ, nước ăn uống và một phần sinh hoạt thì mua các xe bồn, còn lại dùng nước biển. Ban đầu kinh doanh hải sản, ông mua lại của người dân địa phương đi đánh bắt hằng ngày, sau này chuyên nghiệp hơn, làm với số lượng lớn hơn, ông đầu tư trang thiết bị để giữ cho nguồn nguyên liệu tươi sống. Nhờ sự linh hoạt, cơ sở của ông Dũng mới mở ra đã hoạt động kinh doanh có hiệu quả, đồng thời ông cũng liên tục có sự thay đổi để thích ứng với thời cuộc, vì vậy được nhiều thực khách tin tưởng và ủng hộ.
Thời gian đầu, CCB Nguyễn Văn Dũng nhận những người cơ nhỡ, không nơi nương tựa vào làm việc. Vì thế, người dân địa phương hay gọi cơ sở kinh doanh của ông là “Quán quần đùi”. Luật Doanh nghiệp ra đời đòi hỏi người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng cao hơn, ông tiếp tục giúp họ học tập có kiến thức, “đủ lông, đủ cánh” rồi bay tiếp. Bản thân ông, với quan điểm thiếu cái gì học cái đó và muốn hiểu biết, nắm vững phải có kỹ năng, trình độ kiến thức nên từ năm 1995, ông đã theo học các lớp về quản trị kinh doanh, vi tính, tài chính.
Theo ông Nguyễn Duy Văn, Trưởng ban Kinh tế, Hội CCB tỉnh Khánh Hòa, mặc dù doanh nghiệp của CCB Nguyễn Văn Dũng không phải là doanh nghiệp lớn, song hơn cả là sự tâm huyết trong công tác từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, nhất là với những các gia đình thương binh, liệt sĩ, từng công tác, chiến đấu ở quần đảo Trường Sa. Năm nào CCB Nguyễn Văn Dũng cũng dành nhiều phần quà tri ân đồng đội. Dù thương tật nhưng ông luôn nhiệt tình tham gia hoạt động công tác hội, là Phó bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng CCB tổ Đường Đệ. Có thể nói, người bình thường làm kinh doanh đã khó, với thương binh lại càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Do đó, mỗi thương binh làm kinh tế giỏi như CCB Nguyễn Văn Dũng như là một cẩm nang, quyển sách quý cần được nhân rộng.
Tâm huyết và nói nhiều về kỹ năng, CCB Nguyễn Văn Dũng cho rằng lớp trẻ hiện nay rất thông minh, nhanh nhạy với thời cuộc, nhưng cái thiếu là kỹ năng sống. Bởi muốn thành công trong công việc lớn phải thành công trong công việc nhỏ nhất, đó là điều cần thiết. “Tôi đào tạo nhân viên rất kỹ, giúp họ làm quen, có kỹ năng và luôn hướng đến tính chuyên nghiệp. Ngay cả hai người con, tôi cũng rèn các con tính tự lập, tự giác cao. Song tôi thấy mình khá may mắn khi hai con đều trưởng thành, tiến bộ”, CCB Nguyễn Văn Dũng bày tỏ.
Hiện nay, cơ sở kinh doanh của CCB Nguyễn Văn Dũng có khoảng 40 lao động, trong đó có con em thương bệnh binh, đồng đội, bộ đội xuất ngũ và lao động có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương với mức bình quân thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng. Trong câu chuyện nói về Trường Sa, tôi cảm thấy CCB Nguyễn Văn Dũng còn đó những tâm tư, trăn trở, tôi hỏi:
- Vậy mong muốn của ông với đồng đội, với Trường Sa là gì?
- Sau bao nhiêu năm, tôi mong được một lần được trở lại quần đảo Trường Sa để tri ân đồng đội, để cảm nhận được sự "thay da, đổi thịt" của mảnh đất biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nơi tôi và đồng đội đã sống, chiến đấu vì sự trường tồn của dân tộc.
Năm 2008, CCB Nguyễn Văn Dũng vinh dự được trao tặng Cúp vàng Doanh nhân, CCB xuất sắc trên mặt trận kinh tế thời mở cửa và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2017, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng từ năm 2012 đến 2016. Ông còn được nhận nhiều tặng thưởng, bằng khen của Trung ương Hội CCB Việt Nam, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp.
Bài và ảnh: DUY HIỂN - ĐẶNG TUẤN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.