Cựu chiến binh, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn tạo nhiều việc làm cho người lao động và tích cực tham gia công tác từ thiện
Ông Nguyễn Duy Nở, sinh năm 1953, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn, Khu Công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa, được nhiều người biết đến là cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam, tạo nhiều việc làm cho người lao động và tích cực tham gia công tác từ thiện.
Ông Nguyễn Duy Nở, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn kiểm tra sản xuất cấu kiện thép phục vụ các công trình xây dựng.
Ông Nở cho biết: Năm 1972, ông cùng 4 người ở xã Hoằng Đại, huyện Hoằng Hóa (nay là TP Thanh Hóa), tham gia chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược tại chiến trường miền Nam. Năm 1977, xuất ngũ về quê hương thì ông biết tin 4 người bạn cùng nhập ngũ đã hy sinh... Ông thấy mình may mắn và phải tập trung phát triển kinh tế để chia sẻ khó khăn với cộng đồng, với xã hội, nhất là gia đình cựu chiến binh, người có công với cách mạng. Về quê, ông đấu thầu ruộng trũng của địa phương và đào ao nuôi cá, nuôi vịt... để phát triển kinh tế. Mô hình kinh tế dần thành công phát triển, được xã, huyện, tỉnh biết đến và trở thành điển hình sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm. Phát triển kinh tế được hơn 2 năm, bố mất, ông là con trai đầu nên có “trách nhiệm” chăm lo cho 6 người em ăn học và chính mô hình kinh tế đã tạo việc làm, thu nhập cho các em, cùng nhiều người dân địa phương.
Ông Nguyễn Duy Nở nhớ lại: Xã Hoằng Đại lúc bấy giờ đồng chua nước mặn, để phát triển sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cần vôi để khử chua phèn. Nhưng vôi lúc bấy giờ ít, vận chuyển lại rất khó khăn. Vì vậy, tôi quyết định xây lò nấu vôi trước ngõ và ngay lò đầu tiên đã thành công ngoài mong đợi. Sau thành công, để nâng công suất, sản lượng vôi, không gây ô nhiễm môi trường khu dân cư, ông thuê đất ở bãi bồi ven sông và đầu tư xây dựng 3 lò vôi. Khi ấy, các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở dân cư... đều cần vôi nên nhiều nơi trong tỉnh về mua, không đủ vôi bán. Trong quá trình sản xuất vôi, ông có sáng kiến dùng điện 3 pha vận hành cẩu nâng đá vào lò, đưa vôi ra lò, hiệu quả gấp hàng chục lần lao động thủ công trước đó... Từ năm 2002 trở đi, khi ngày càng nhiều công trình xây dựng sử dụng xi măng, nhu cầu vôi giảm dần, ông quyết định thành lập doanh nghiệp. Ban đầu doanh nghiệp xây dựng nhà ở dân sinh, các công trình nhỏ; sau chuyển sang thi công các công trình giao thông, thủy lợi... Dấu ấn đáng nhớ nhất là doanh nghiệp thi công 2 km thuộc dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ thị trấn Bút Sơn đi chợ Quăng, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa). Với thẩm mỹ, chất lượng công trình tốt, được huyện Hoằng Hóa và Nhân dân tín nhiệm nên từ đó hoạt động xây dựng của doanh nghiệp ngày càng phát triển. Để đầu tư mở rộng lĩnh vực xây dựng trong, ngoài tỉnh, tạo thêm việc làm cho người lao động, năm 2010, ông Nguyễn Duy Nở làm đơn xin đất tại Khu Công nghiệp Hoàng Long để đầu tư xây dựng văn phòng làm việc, khu sản xuất các cấu kiện thép, bê tông, trạm trộn bê tông nhựa Aphans... Từ đó, Công ty TNHH Hoàng Tuấn được nhiều người trong, ngoài tỉnh biết đến là doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thi công xây dựng nhà các loại; công trình đường sắt, đường bộ, thảm bê tông nhựa Aphans mặt đường giao thông; công trình kỹ thuật dân dụng, công trình điện, thủy lợi; kinh doanh bê tông thương phẩm, vật liệu xây dựng; khai thác đá, sỏi, cát, đất sét, phụ gia xi măng; hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan... Khi thành lập, Công ty TNHH Hoàng Tuấn có vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng. Để doanh nghiệp phát triển, với vai trò là giám đốc, ông Nguyễn Duy Nở đã trăn trở nghiên cứu, xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, là: Tập trung đầu tư chiều sâu về con người; cơ sở vật chất, máy móc thiết bị theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu thi công các công trình có vốn đầu tư lớn, kỹ thuật cao. Đồng thời, với phương châm đa dạng các loại hình sản xuất, kinh doanh, những năm qua công ty đã đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, với 130 đầu xe, máy, thiết bị thi công..., giá trị lên tới hơn 200 tỷ đồng. Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công ty đã xây dựng, triển khai quy trình đào tạo khoa học và mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, công ty luôn tạo điều kiện để thu hút lao động có tay nghề cao vào làm việc, góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp luôn chú trọng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động. Một số sáng kiến tiêu biểu, như: Cơ giới hóa hệ thống nấu vôi; tận dụng dầu thải của xe ô tô, các loại máy công trình để nấu nhựa đường thay củi và các nhiên liệu khác; cải tiến bơm dầu mỡ bảo dưỡng máy công trình bằng hệ thống bơm thủy lực... Dưới sự lãnh đạo của ban giám đốc, cá nhân giám đốc Nguyễn Duy Nở, Công ty TNHH Hoàng Tuấn ngày càng phát triển bền vững, với doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước..., liên tục tăng và năm sau cao hơn năm trước. Doanh thu từ năm 2017 đến năm 2019 đạt bình quân hơn 300 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng mỗi năm; 8 tháng đầu năm 2020, doanh thu đạt hơn 200 tỷ đồng; bảo đảm việc làm cho hơn 230 lao động, với thu nhập bình quân hơn 7,5 triệu đồng/người/tháng. Quyền lợi của người lao động trong doanh nhiệp được bảo đảm. Với những thành tích đạt được trong sản xuất, kinh doanh, Công ty TNHH Hoàng Tuấn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; cá nhân Giám đốc Nguyễn Duy Nở, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
Sản xuất, kinh doanh phát triển, hàng năm, Công ty TNHH Hoàng Tuấn trích lợi nhuận từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng để giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, người tàn tật, trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, học sinh nghèo vượt khó học giỏi; đỡ đầu nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn là con cựu chiến binh, gia đình chính sách; xây dựng nhà tình nghĩa. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, công ty đã xây dựng 10 nhà tình nghĩa, giá trị hơn 500 triệu đồng cho các đối tượng là hội viên hội cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình có công với cách mạng; ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt. Hằng năm, ủng hộ chương trình “Nâng cánh ước mơ” giúp 3 sinh viên đang học đại học với tổng số tiền 15 triệu đồng; nhận đỡ đầu 4 cháu là trẻ mồ côi ở các xã Hoằng Châu, Hoằng Hợp, Hoằng Trinh, Hoằng Sơn (Hoằng Hóa), với số tiền 24 triệu đồng/cháu/năm... Công ty nhận phụng dưỡng 4 mẹ Việt Nam Anh hùng, là các mẹ: Vũ Thị Lợi, xã Hoằng Đạt; Vũ Thị Đàm, xã Hoằng Khê (Hoằng Hóa); Nguyễn Thị Hữu và Lê Thị Son, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa), với số tiền 48 triệu đồng/mẹ/năm. Đồng thời, từ năm 2019, công ty nhận nuôi dưỡng thương binh Nguyễn Văn Hồng, tỷ lệ thương tật 85%, xã Hoằng Đại, TP Thanh Hóa.