Cựu chiến binh giỏi làm kinh tế, trách nhiệm với xã hội

Phát huy phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh (CCB) Đào Hữu Đức (Khối 5, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc), Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Nga đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi và thành công với mô hình trồng cây mắc ca cho thu nhập cao. Cùng đó, ông đã tạo việc làm cho nhiều lao động, tích cực đóng góp cho công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Cựu chiến binh Đào Hữu Đức, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Nga kiểm tra vườn mắc ca

Cựu chiến binh Đào Hữu Đức, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Nga kiểm tra vườn mắc ca

Ông Đào Hữu Đức sinh năm 1959. Năm 18 tuổi, khi nhận được giấy báo đỗ đại học của Đại học Thương nghiệp (nay là Đại học Thương mại, Hà Nội), thanh niên Đào Hữu Đức vẫn quyết tâm tạm gác lại việc học tập và nhập ngũ tại Quân khu 2, tham gia chiến đấu tại mặt trận Hoàng Liên Sơn (Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ). Năm 1980, ông Đức xuất ngũ và trở về quê hương và tiếp tục việc học tập. Khi tốt nghiệp, ông Đức đã trải qua nhiều công việc và công tác tại nhiều đơn vị như Sở Lương thực Hà Nội, Sở Lương thực Lạng Sơn, Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn,... và nghỉ hưu vào đầu năm 2019.

Với phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ, sau khi nghỉ hưu, CCB Đào Hữu Đức vẫn trăn trở làm sao để phát triển kinh tế và có điều kiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Bằng sự nhạy bén, ông đã nghiên cứu, tìm tòi và quyết định lựa chọn mô hình trồng cây mắc ca để phát triển kinh tế.

Theo ông Đức, cây mắc ca là loại cây cho giá trị kinh tế cao, có thể bảo quản lâu từ 1 đến 2 năm. Dám nghĩ, dám làm, cuối năm 2019, ông Đức đã thành lập Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Nga và mạnh dạn vay vốn từ Hiệp hội Mắc ca Việt Nam để phát triển. Sau khi chọn được nguồn cây giống đảm bảo, ông đã nhập 12.500 cây mắc ca từ tỉnh Lai Châu và Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc (Lạng Sơn) về trồng tại xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình.

Ông Đức tâm sự: "Thời điểm đó, cây mắc ca chưa được trồng nhiều như hiện nay. Vì vậy mà kinh nghiệm trồng và chăm sóc hầu như tôi đều phải tự tìm hiểu từ các mô hình ở ngoài tỉnh. Chỉ từ năm 2019 đến năm 2020, tôi đã một mình đi đến các tỉnh miền núi phía Bắc và tham quan, học tập tại hơn 20 mô hình trồng cây mắc ca. Với những kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyến đi và được sự hỗ trợ kỹ thuật từ các cấp, ngành chuyên môn của tỉnh, vườn mắc ca của gia đình với diện tích 36 ha đều phát triển, sinh trưởng rất tốt".

Đến năm 2023, một phần diện tích trồng cây mắc ca của ông Đức đã bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên với gần 2 tấn hạt mắc ca sấy. Toàn bộ hạt mắc ca sau khi thu hoạch đều đã được Hiệp hội Mắc ca Việt Nam hỗ trợ tiêu thụ với giá 250.000 đồng/kg. Năm 2024, diện tích cho thu hoạch tăng lên và cho sản lượng trên 10 tấn, nhờ đó doanh thu của công ty đạt trên 2 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Ông Đức cho biết thêm: "Dự kiến đến năm 2025, sản lượng mắc ca sẽ đạt trên 20 tấn và từ năm 2026 trở đi, 100% diện tích đều sẽ cho thu hoạch và cho thu hoạch trên 100 tấn hạt mỗi năm. Khi đó nếu giá hạt mắc ca ổn định thì doanh thu của công ty sẽ ở mức trên 10 tỷ đồng/năm và có thể tạo việc làm cho nhiều lao động hơn nữa". Hiện nay, vườn mắc ca của CCB Đào Hữu Đức không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Được biết, từ năm 2020 đến nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Nga đã tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Trong số đó, có các CCB và con em gia đình CCB trên địa bàn huyện Lộc Bình. Vào những thời điểm vườn mắc ca cần thực hiện chăm sóc và bón phân hoặc vào thời điểm thu hoạch, số lượng lao động tại địa phương được công ty tạo việc làm là gần 30 người.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, doanh nghiệp của CCB Đào Hữu Đức còn tích cực đóng góp hàng trăm triệu đồng cho công tác an sinh xã hội và nhiều phong trào trên địa bàn huyện Cao Lộc, Lộc Bình như: ủng hộ tiền mặt, quà tặng cho người dân, ủng hộ tổ chức các phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao; xây dựng nhà văn hóa thôn Bản Chành, xã Lợi Bác; cải tạo một số tuyến đường thôn...

Bên cạnh đó, CCB Đào Hữu Đức còn nhiệt tình tham gia các phong trào tại địa phương. Hiện nay, ông là Phó Chi hội trưởng Chi hội CCB khối 5, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc. Ông là thành viên của Hội Doanh nhân CCB tỉnh.

Ông Lại Quốc Toản, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB cho biết: CCB Đào Hữu Đức luôn gương mẫu, đi đầu trong việc tham gia các hoạt động, phong trào thi đua của hội, đồng thời là một trong những thành viên điển hình của hội trong phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xã hội. Ông luôn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu để các CCB học tập và noi theo. Qua đó, góp phần lan tỏa phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” trong toàn hội.

Từ năm 2021 đến nay, CCB Đào Hữu Đức đã được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, UBND huyện Lộc Bình vì đã có thành tích xuất sắc trong thi đua sản xuất kinh doanh và có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội.

GIA KHÁNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/cuu-chien-binh-gioi-lam-kinh-te-trach-nhiem-voi-xa-hoi-5016237.html