Cựu chiến binh Hải Lăng giữa đời thường hôm nay
Giữa đời thường hôm nay của các cựu chiến binh (CCB) có lẽ là câu chuyện không bao giờ có hồi kết, và phải tốn rất nhiều giấy mực, với rất nhiều trang sách để nói về họ, những người đã một thời kinh qua trận mạc, giờ trở về với cuộc sống bình dị nơi thôn dã, phố phường.
Để tìm hiểu về cuộc sống đời thường của các anh, các chị một thời từng mang áo lính, tôi đã dành thời gian tìm đến Hội CCB huyện Hải Lăng. Tiếp chuyện tôi là ông Trần Minh Hiền, Chủ tịch Hội CCB huyện Hải Lăng. Một trong những công việc đầu tiên khiến ông Hiền trăn trở là làm gì để nâng cao đời sống cho các gia đình CCB. Và không thể không nhắc đến một yếu tố quan trọng, ấy là nguồn vốn vay từ ngân hàng và nguồn quỹ tiết kiệm của hội viên CCB trong các chi hội cơ sở. Tính đến nay đã có hàng nghìn lượt hộ gia đình hội viên CCB Hải Lăng vay vốn ngân hàng với dư nợ lên đến trên 21 tỉ đồng để đầu tư vào sản xuất, giải quyết việc làm, trang bị nông ngư cụ, cũng như hỗ trợ thêm cho các con học hành. Toàn hội cũng đã xây dựng được nguồn quỹ tiết kiệm đạt gần 2 tỉ đồng, trong đó có 1,5 tỉ đồng dùng để luân phiên cho hội viên vay phát triển sản xuất hoặc những việc đột xuất khi cần vốn.
Ông Trần Minh Hiền đã nêu ra một loạt những tập thể chi hội và hội viên CCB ở Hải Lăng làm ăn giỏi. Theo ông, mô hình sản xuất của CCB Hải Lăng không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình, hoặc nhỏ lẻ, manh mún như trước đây nữa, mà thay vào đó nhiều nơi đã hình thành nên những doanh nghiệp, những trang trại làm ăn có quy mô khá lớn. Rồi ông đưa ra một con số ấn tượng, ấy là cách đây khoảng chục năm, CCB trong huyện lúc đó mới chỉ có khoảng trên dưới chục trang trại, doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì nay đã có tổng số trên 50 trang trại, 6 doanh nghiệp, trong đó có những trang trại vườn rừng rộng hàng chục héc ta, hay những doanh nghiệp chuyên sản xuất, sửa chữa, kinh doanh vật liệu cơ khí, làm ăn rất có hiệu quả. Những doanh nghiệp, trang trại này hằng năm thu hút được khoảng trên 500 lao động có việc làm thường xuyên, với mức thu nhập từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/ tháng. Đó là chưa kể hàng trăm tổ hợp sản xuất, cửa hàng, cửa hiệu có quy mô vừa và nhỏ nằm rải rác trên khắp các làng, xã do CCB làm chủ. Những mô hình trang trại nuôi tôm trên cát của CCB hai xã Hải An, Hải Khê; nuôi cá nước ngọt của CCB các xã Hải Lâm, Hải Thọ, Hải Thiện; trồng rừng kết hợp với chăn nuôi của CCB các xã Hải Thượng, Hải Chánh; chế biến thủy, hải sản của CCB xã Hải An... đều đang lúc ăn nên làm ra, cho thu nhập khá cao.
Không cam chịu đói nghèo, quyết vươn lên làm giàu, đó là ước mơ cháy bỏng của các CCB Hải Lăng giữa đời thường hôm nay. Vì vậy mà trong sản xuất, nhiều CCB đã rất táo bạo, năng động trong đầu tư làm ăn. Đó là câu chuyện CCB Lê Văn Vách ở thôn Văn Trị, xã Hải Tân với mô hình nuôi cá chình lồng trên sông cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, Trang trại của vợ chồng CCB Trần Lương Cương ở thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng là một mô hình sản xuất kết hợp giữa vườn - ao - chuồng - rừng. Từ nhiều năm qua, vợ chồng CCB này đã khai hoang trồng được 17 ha rừng tập trung, cải tạo và đào mới 2 hồ nuôi cá nước ngọt có diện tích trên 2 ha. Không dừng lại ở đó, vợ chồng anh còn đầu tư vốn xây dựng chuồng trại chăn nuôi với quy mô khá lớn. Trong chuồng lúc nào cũng có trên 100 con lợn, hàng nghìn con gia cầm các loại. Thu nhập từ trang trại, sau khi trừ chi phí đã có lãi hơn 150 triệu đồng/năm.
Cũng ở xã Hải Thượng, CCB Hồ Thanh Xuân có trang trại rừng trồng rộng tới 60 ha và một vườn ươm cây lâm nghiệp phục vụ giống cho xã viên trong vùng. Hằng năm anh còn thả nuôi 2 ha cá nước ngọt và chăn nuôi trên 130 con lợn, thu lãi được khoảng 120 triệu đồng/năm. Vợ chồng CCB Lê Văn Lâm ở xã Hải Khê cũng là điển hình trong phát triển sản xuất, làm ăn giỏi ở Hải Lăng. Khác với mọi người, vợ chồng ông Lâm đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng để mở xưởng mộc dân dụng, trang bị đầy đủ các loại máy móc, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 15- 20 lao động, trong đó có nhiều con em CCB, với mức thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Tính ra, trừ chi phí mỗi năm xưởng mộc của vợ chồng CCB Lê Văn Lâm có lãi khoảng 120 triệu đồng. Khi đã có của ăn của để, vợ chồng ông Lâm đã giúp các hộ nghèo trong thôn bằng cách cho vay vốn không tính lãi... Các CCB Văn Ngọc Sở ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú, Nguyễn Văn Đông ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, Lê Văn Phất ở thôn Văn Trị, xã Hải Tân, Trần Minh Tuấn, Trần Minh Dũng ở thôn Thâm Khê, xã Hải Khê... là những người sản xuất giỏi, luôn chịu khó làm ăn, đã nêu tấm gương sáng cho mọi người học tập.
Có thể nói, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, biết phát huy khả năng của bản thân, cộng với sự hỗ trợ, đầu tư của các cấp, các ngành, mà đời sống của đại đa số hộ gia đình CCB ở huyện Hải Lăng trong những năm qua đã được cải thiện rất nhiều. Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm đi nhanh chóng qua từng năm. Tỉ lệ hộ khá, hộ giàu tăng lên đáng kể. Mức thu nhập bình quân của mỗi thành viên trong gia đình CCB ở Hải Lăng đạt xấp xỉ 23 triệu đồng/ người/năm.
Đặc biệt nhiều năm qua, Hội CCB huyện Hải Lăng luôn làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đến nay toàn hội có tổng số hơn 2.600 hội viên. Hội đã cùng nhau đoàn kết, phát triển sản xuất, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cũng như giúp nhau làm giàu chính đáng. Hội cũng thể hiện được vai trò của mình trong các mặt của đời sống xã hội, luôn nêu cao phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, trở thành gương sáng đối với thế hệ trẻ và luôn nhận được sự thương yêu, tin cậy của nhân dân. Với những công lao và thành tích trong xây dựng và trưởng thành, Hội CCB huyện Hải Lăng đã 2 lần vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua “CCB gương mẫu”, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều tập thể chi hội cơ sở xã, thị trấn và hàng trăm lượt hội viên CCB trong huyện đã được Trung ương Hội CCB Việt Nam, UBND tỉnh, Hội CCB tỉnh, UBND huyện và Hội CCB huyện Hải Lăng khen thưởng...
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=143744