Cựu chiến binh làm giàu từ nuôi chim bồ câu

Nhờ dám nghĩ, dám làm, cựu chiến binh Nguyễn Văn Sen, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang (Hải Dương) đã thành công với mô hình nuôi chim bồ câu.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sen đã mở rộng khu nuôi chim bồ câu rộng tới hơn 1.000m2

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sen đã mở rộng khu nuôi chim bồ câu rộng tới hơn 1.000m2

Sau 10 năm “làm bạn” với loài chim này, ông Sen đã trở thành một điển hình trong lao động sản xuất của Hội Cựu chiến binh huyện Ninh Giang.

Khởi nghiệp ở tuổi xế chiều, ông Sen gặp không ít khó khăn. Năm 2014, với nguồn vốn ít, kinh nghiệm chưa có, để tránh thất bại và cụt vốn, ông Sen chỉ mua 100 cặp chim bồ câu về nuôi thử nghiệm. Bước chọn giống quyết định phần lớn tới sự thành công của mô hình nên ông không mua chim một cách ồ ạt. Ông Sen tìm đến nhiều nơi mua những con khỏe mạnh về làm giống. Qua nuôi thử nghiệm, thấy hiệu quả rõ rệt, cộng với kinh nghiệm ngày càng nhiều nên ông quyết định mở rộng quy mô.

Đến nay, ông Sen mở rộng 2 khu chuồng nuôi chim bồ câu với diện tích gần 1.000 m2. Từ 100 cặp chim ban đầu, nay ông có tới hơn 1.000 cặp bồ câu sinh sản. Điều đáng nói, từ chỗ phải đi mua con giống, ông đã tìm hiểu, nghiên cứu và tự nhân được con giống để nuôi, tiết kiệm nhiều chi phí và công sức.

Để chim không bị dịch bệnh, chuồng nuôi được ông Sen ngăn thành từng dãy lồng, mỗi dãy lồng lại được chia thành từng ô nhỏ để nuôi từng cặp chim. Chuồng nuôi có quạt thông gió, bảo đảm luôn thoáng mát về mùa hè; ấm, kín gió về mùa đông.

Ngoài chuồng nuôi, hệ thống máng ăn hay lựa chọn nguồn thức ăn phù hợp cũng là yếu tố quyết định sự thành công của mô hình. Thức ăn và nước uống được ông lắp đặt theo dây chuyền. Hằng ngày, ngoài 3 lần cho ăn vào các giờ cố định, ông dọn vệ sinh chuồng nuôi, cho chim uống vitamin, thuốc bổ, men tiêu hóa, thuốc giải độc gan... giúp đàn chim ít bị dịch bệnh.

Với quy mô nuôi nhiều, ông Sen sử dụng máy ấp trứng để nhân giống. Ông Sen cho biết trứng chim bồ câu ấp khoảng 17-18 ngày thì nở và sau khoảng 15 ngày nuôi con, chim mẹ sẽ đẻ lứa tiếp theo.

Để rút ngắn quá trình ấp trứng và tăng số lần đẻ trứng, ông áp dụng phương pháp ấp trứng bằng máy. Khi chim bố mẹ ấp trứng được một thời gian, ông lấy trứng thật cho vào máy để ấp tiếp, đồng thời cho trứng giả vào để chim bố mẹ ấp thay thế. Phương pháp này giúp trứng nở nhanh hơn, tỷ lệ nở đạt cao hơn nhiều. Khi chim non nở ra khô lông thì cho cả vỏ trứng và chim non vào ổ để đánh lừa cảm giác của chim bố mẹ, giúp chim bố mẹ dễ dàng chấp nhận chim con. Khi nhìn thấy chim non và cả vỏ trứng, chim bố mẹ sẽ gắp vỏ trứng bỏ ra ngoài và bắt đầu quá trình nuôi con, sau 30 ngày thì xuất bán với giá hiện tại 150.000 đồng/đôi. Ngoài nuôi chim bồ câu, ông Sen còn nuôi thỏ và ong lấy mật.

Từ công sức và đôi bàn tay lao động chăm chỉ, mô hình nuôi chim bồ câu kết hợp nuôi thỏ và ong lấy mật của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Sen đã cho hiệu quả với thu nhập 150 triệu đồng/năm.

Thời gian tới, ông Sen tiếp tục mở rộng mô hình, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim bồ câu cho những người có ý định phát triển kinh tế từ loại vật nuôi này.

MINH PHƯƠNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/cuu-chien-binh-lam-giau-tu-nuoi-chim-bo-cau-391336.html