Cựu chiến binh mang gừng Kỳ Sơn ra thị trường thế giới

Bén duyên với cây gừng Kỳ Sơn (Nghệ An), Cựu chiến binh Nguyễn Văn Luân mang các sản phẩm từ cây gừng vươn ra thị trường quốc tế.

Người dân huyện Kỳ Sơn thu hoạch gừng. (Ảnh: Lữ Phú)

Người dân huyện Kỳ Sơn thu hoạch gừng. (Ảnh: Lữ Phú)

Hành trình bén duyên với cây gừng

Ở huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An), cây gừng được đồng bào dân tộc Mông trồng trên các nương, rẫy từ nhiều đời đời nay. Có 2 loại gừng thường được người dân trồng là gừng dé và gừng trâu.

Gừng dé chủ yếu tiêu thụ trong thị trường nội địa, còn gừng trâu hướng tới xuất khẩu. Ngoài làm gia vị, các sản phẩm gừng còn dùng để chế biến ra tinh dầu, hương liệu, dược liệu, thực phẩm…

Trong số những cơ sở chuyên thu mua, chế biến gừng có Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn (gọi tắt là HTX Hương Sơn) do ông Nguyễn Văn Luân (SN 1957, trú tại thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn) làm Giám đốc.

Ông Nguyễn Văn Luân hướng dẫn giúp bà con cách chăm sóc cây gừng, tránh sâu bệnh. (Ảnh: Trần Đức)

Ông Nguyễn Văn Luân hướng dẫn giúp bà con cách chăm sóc cây gừng, tránh sâu bệnh. (Ảnh: Trần Đức)

Năm 1983, sau những năm tháng cống hiến trong quân đội, ông Nguyễn Văn Luân xuất ngũ về địa phương lập gia đình. Ở quê huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), với công việc chủ yếu là sản xuất nông nghiệp thuần túy nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 1987, ông Luân cùng gia đình lên thị trấn Mường Xén lập nghiệp với nhiều nghề sửa chữa cơ khí, mở quán kinh doanh cà phê…

Đến năm 2009, khi kinh tế của gia đình ổn định hơn, ông Luân thành lập HTX, chuyên kinh doanh các sản phẩm dịch vụ lâm nghiệp, trong đó có gừng Kỳ Sơn.

Nhận thấy tiềm năng của cây gừng có khả năng đem lại hiệu quả xóa đói, giảm nghèo, từ năm 2013, ông Luân dành thời gian và tâm huyết xuống ăn ngủ tại bản, lên nương rẫy xem người dân trồng gừng.

Qua những lần đi thực tế, người cựu chiến binh này nhận thấy cây gừng ở Kỳ Sơn năng suất còn thấp, mẫu mã chưa đẹp, lý do chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Xưởng phân loại gừng của HTX Dịch vụ nông nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn. (Ảnh: Lữ Phú)

Xưởng phân loại gừng của HTX Dịch vụ nông nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn. (Ảnh: Lữ Phú)

Từ những trăn trở với cây gừng, ông Luân phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây gừng, cách bảo quản gừng cho bà con nhân dân.

Sau nhiều năm tâm huyết gắn bó với bà con trồng gừng cùng với kinh nghiệm truyền thống và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản lượng gừng đã tăng, mẫu mã ngày càng đẹp hơn.

Hướng đi xóa đói, giảm nghèo bền vững

Ban đầu, dự án trồng gừng hữu cơ của HTX Hương Sơn chỉ có 20 hộ dân liên kết tham gia thí điểm, với diện tích hơn 10ha. Đến nay, diện tích gừng được nhân rộng lên hơn 400ha, trải rộng ở nhiều xã như Tây Sơn, Tà Cạ, Mường Lống và Đoọc Mạy (huyện Kỳ Sơn).

Không dừng lại ở đó, HTX của ông Luân còn nhân rộng ra một số xã của huyện Tương Dương như Nhôn Mai, Mai Sơn… Đến nay đã có 15 hộ tham gia trồng và có sản lượng khoảng 40 tấn gừng/năm.

Nhờ phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, củ gừng Kỳ Sơn ngày càng có chất lượng tốt, hàm lượng tinh dầu cao mà không nơi nào có được. Ước tính mỗi ha gừng cho thu nhập lên đến 200 triệu đồng, cao gấp 10 lần trồng ngô, lúa.

Ông Luân cho biết, mỗi năm HTX của ông thu mua hơn 1.000 tấn gừng và sơ chế để cung cấp cho các tiểu thương tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến thị trường các nước Banglades, Ấn Độ, Pakistan, Uzbekistan, Turkmenistan và các nước Châu Âu.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, gừng Kỳ Sơn có mẫu mã đẹp, chất lượng tinh dầu ngày càng cao. (Ảnh: Lữ Phú)

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, gừng Kỳ Sơn có mẫu mã đẹp, chất lượng tinh dầu ngày càng cao. (Ảnh: Lữ Phú)

“Đây là cơ sở để người dân tích cực sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, khẳng định thương hiệu gừng Kỳ Sơn trên thị trường. Đến nay, đã có 4 xã trồng được cây gừng đáp ứng các tiêu chí của các doanh nghiệp đem đi xuất khẩu ra nước ngoài gồm Tây Sơn, Tà Cạ, Mường Lống và Đoọc Mạy”, ông Luân chia sẻ.

Không chỉ thu mua xuất khẩu gừng, HTX Hương Sơn còn đầu tư máy móc chế biến các sản phẩm như tinh dầu gừng, tinh bột gừng, bột gừng, cao gừng, gừng sấy dẻo… nhằm nâng cao giá trị của thương hiệu gừng Kỳ Sơn.

Trên cơ sở đó, năm 2020, gừng Kỳ Sơn của ông Luân được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.

Hiện, HTX còn tạo việc làm thường xuyên từ 10-15 lao động, thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng và tạo việc làm thời vụ cho 146 lao động thời vụ. Qua đó, góp phần đưa hàng trăm hộ nông dân thoát nghèo, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kỳ Sơn.

Từ những kết quả đạt được, HTX Hương Sơn được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Tháng 3/2023, ông Luân được Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An tặng danh hiệu hội viên Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2022.

Phạm Tâm

Trần Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cuu-chien-binh-mang-gung-ky-son-ra-thi-truong-the-gioi-post649348.html